Lo ngại lãi suất ngân hàng có thể tăng "nóng" dịp cuối năm

PV
12:26 - 09/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lãi suất huy động tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp, người vay vốn kinh doanh như “ngồi trên đống lửa” vì lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo, trong khi càng về cuối năm, nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh ngày càng tăng cao.

Lãi suất lập đỉnh 10 năm

Tại một số ngân hàng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND trên cả kênh gửi trực tuyến và trực tiếp đều đang có xu hướng tăng so với hồi đầu tháng trước. Cụ thể như Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) vừa tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm tới 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng của MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Đối với kỳ hạn ngắn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên thành 3,8%/năm.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm lên mức 6,9%/năm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,2%/năm ở các kỳ hạn so với trước đó.

Cuối năm, lãi suất ngân hàng có thể tăng "nóng" - Ảnh 1.

Giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: TTXVN

Hiện, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) có lãi suất huy động cao nhất ở mức 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.

Các chuyên gia cho rằng bắt đầu từ ngày 1/10 tới đây, tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% xuống 34%. Đó cũng là một trong những áp lực buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn nhằm đạt tỉ lệ theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 - 90% tổng khối lượng giao dịch) trong phiên 6/9 đã tăng lên 5,71%/năm, vượt mức đỉnh ghi nhận vào đầu tháng 2/2016 là 5,67%. Tuy nhiên, đến ngày 7/9, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã vượt đỉnh 10 năm khi tăng vọt lên 6,88%/năm, mức cao nhất kể từ tháng 9/2012.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm thanh khoản vào thị trường. Trong 3 ngày trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, dự báo nhu cầu thanh khoản tăng, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng tổng cộng 52.919 tỉ đồng qua cả hai kênh OMO và tín phiếu.

Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất VND liên ngân hàng có diễn biến tăng mạnh. Nguyên nhân thứ nhất đến từ nhịp hút ròng mạnh trên 88.000 tỉ của Ngân hàng Nhà nước vào trung tuần tháng 8. Thứ hai là hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn tỉ giá của cơ quan này cũng khiến một lượng lớn VND bị rút khỏi hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây.

Lý do thứ ba là nhu cầu thanh khoản gia tăng đến từ động thái Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng cho các ngân hàng. Do đó, một số ngân hàng đã rục rịch cho mở lại hoạt động giải ngân vốn đã bị ùn ứ lâu nay. 

Một nguyên nhân khác khiến lãi suất VND liên ngân hàng được đẩy lên cao xuất phát từ định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỉ giá.

Doanh nghiệp nói lãi suất cho vay tăng cao, Ngân hàng Nhà nước phản hồi chỉ là biến động nhẹ

Việc lãi suất huy động tăng trong một thời gian dài khiến lãi suất cho vay cũng bắt đầu tăng, có nghĩa là chi phí sản xuất sẽ tăng.

Theo ông Chu Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu, doanh nghiệp này đã đông loạt nhận được thông báo tăng lãi suất từ đầu tháng 8 ở cả hai ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay vốn với mức mức tăng từ 4,5% và 4,8% lên 6,2%. 

Một lãnh đạo doanh nghiệp tại Hà Nội cũng chia sẻ, khi khoản vay đến kỳ hạn, ông hỏi vay tiếp thì lãi suất đã tăng từ 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng lên 9%/năm.

Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Everest (EVS) cho rằng do chịu áp lực tăng lãi suất toàn cầu và tỉ giá trong thời gian qua, lãi suất cho vay của các ngân hàng đã tăng trong khoảng 30-70 điểm cơ bản từ đầu năm tới nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nhanh.

Cuối năm, lãi suất ngân hàng có thể tăng "nóng" - Ảnh 3.

Thị trường tiền tệ chịu nhiều áp lực

Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng cho rằng lạm phát Việt Nam đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng nếu lạm phát tăng cao, mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay, nhất là khi USD tăng áp lực lên tỉ giá.

Mặc dù vậy, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước lại khẳng định lãi suất thời gian vừa qua mặc dù có biến động tăng nhưng ở mức độ nhẹ, trong đó lãi suất huy động tăng 0,25% và lãi suất cho vay tăng 0,24%. Đây là mức tăng thấp nhất so với tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. 

Cũng theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh từ năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất lên rất cao nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì ổn định mức lãi suất điều hành.

Nguồn: Tổng hợp