Tín dụng tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều ngân hàng vẫn còn room

Li Lê
00:16 - 16/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15%, cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2021, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh được hồi phục khá mạnh mẽ.

Ngày 14/6, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tình hình tài chính trong nước vẫn đang được điều hành ổn định.

Đến cuối tháng 5, chỉ số lạm phát là 2,25%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát là do yếu tố giá cả, mà cụ thể ở đây là giá xăng dầu.

Tín dụng tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều ngân hàng vẫn còn room - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: CTV/Vietnam+

Một số ngân hàng "phòng thủ" trong cấp tín dụng 

Trong công tác điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Tuy nhiên, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết con số 8,15% này còn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước.

Tôi tin rằng, thời gian tới, tín dụng tăng trưởng tốt cùng với tác động của gói kích thích kinh tế sẽ tạo sự cộng hưởng, hỗ trợ tốt cho nền kinh tế hồi phục
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Theo con số thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng còn room tín dụng. Chỉ một số tổ chức tín dụng gần cạn room tín dụng, do đó các ngân hàng này đã có động thái "phòng thủ", cấp tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên hơn, những khoản nợ chất lượng cao hơn,...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin thêm, từ đầu năm, chỉ tiêu 14% về tín dụng mang tính chất định hướng của Ngân hàng Nhà nước đã được đặt ra. Từ năm 2021 đến 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có thêm câu "có điều chỉnh phù hợp theo điều kiện thực tế". Vì vậy, tăng trưởng thực tế có thể phải thắt chặt chỉ 11 - 12%, hoặc cũng có thể lên tới 15 - 16%.

Kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trên điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có phương án tính toán làm sao điều hành chính sách tiền tệ cùng với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.

"Kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trên điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng. Trên cơ sở đó, tiếp tục cung ứng vốn một cách hợp lý trên điều kiện kiểm soát lạm phát", ông Tú thông tin.

Không ép khách hàng mua bảo hiểm 

Trong buổi họp báo, ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát cũng thông tin về vấn đề khách hàng bị ép mua bảo hiểm. Ông Phi khẳng định, theo quy định của pháp luật, việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện. Với hành động ép buộc khách hàng tham gia bảo hiểm, ngân hàng sẽ phải đối mặt với các quy định xử phạt đã được quy định rất cụ thể.

Về phần mình, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu tổ chức tín dụng tuyệt đối không ép khách hàng tham gia bảo hiểm và không để tình trạng nhân viên tại các chi nhánh yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm sau đó mới được cho vay, giải ngân vốn.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát cần đặc biệt lưu ý về vấn đề trên khi thực hiện thanh tra. Nếu phát hiện, sẽ xử lý nghiêm.

"Quan điểm của NHNN, và về phía các tổ chức tín dụng cũng quán triệt nghiêm túc việc này. Đây cũng không phải hiện tượng phổ biến mà chỉ xảy ra ở đâu đó, nếu có tình trạng này Ngân hàng Nhà nước mong nhận được phản hồi từ phía khách hàng, người dân", ông Phi nói.

Nguồn: Tổng hợp