Lò cao Kháng chiến Hải Vân (Thanh Hoá), biểu tượng của ngành Quân giới - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Gia Bảo
15:42 - 18/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Lò cao Kháng chiến Hải Vân là di sản văn hoá cần được bảo vệ nhằm giữ lại một kỳ công sáng tạo vĩ đại của dân tộc ta trong những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp.

Lò cao Kháng chiến Hải Vân (Thanh Hóa), biểu tượng của ngành Quân giới - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng - Ảnh 1.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng các nhà báo lão thành tham quan tham quan Di tích lịch sử Quốc gia Lò cao Kháng chiến Hải Vân tại thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, Thanh Hoá.

Lò cao Kháng chiến Hải Vân (Thanh Hoá) - biểu tượng ngành Quân giới

Khi chúng tôi còn là học sinh cấp 3 (khoá học 1070-1973) huyện Như Xuân, Thanh Hoá, lúc đó chưa có huyện Như Thanh. Khu vực thung lũng Đồng Mười là rừng già chen lẫn lèn đá, hang động. Lúc đó, chúng tôi lao động chặt nứa đốn cây ở khu vực này cũng chỉ biết có hang đá mà trong kháng chiến chống Pháp là nơi sản xuất, chế tạo vũ khí cho bộ đội đánh giặc.

Năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn cam go, ác liệt. Nhiều trận đánh lớn nhỏ diễn ra trên khắp các vùng miền của đất nước. Vì vậy, nhu cầu súng ống, đạn dược cho chiến trường trở thành nhiệm vụ tối quan trọng để bộ đội đánh trận giành thắng lợi. Vì vậy, trên trực tiếp giao nhiệm vụ cho Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng nghiên cứu xây dựng và vận hành các lò cao luyện gang, tạo ra phôi thép cung cấp cho các cơ sở sản xuất vũ khí trang bị cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích đánh giặc.

Từ nhiệm vụ cấp bách đó, trên chỉ đạo Bộ Quốc phòng thực hiện, ngay lập tức Sở Khoáng chất kỹ nghệ (Trung Bộ) và Cục Quân giới Việt Bắc đã phối hợp quyết định lựa chọn vùng núi rừng Như Xuân (Thanh Hoá) nay thuộc thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh làm địa điểm xây dựng công xưởng. 

Xưởng Hoá chất miền Nam được Cục Quân giới trưng dụng làm đầu mối tập hợp lực lượng kỹ sư, công nhân có tay nghề đồng thời gấp rút khảo sát, lựa chọn địa điểm, bí mật nghiên cứu, vừa thiết kế vừa xây dựng. 

Lò cao Kháng chiến Hải Vân (Thanh Hóa), biểu tượng của ngành Quân giới - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng - Ảnh 2.
Lò cao Kháng chiến Hải Vân (Thanh Hóa), biểu tượng của ngành Quân giới - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng - Ảnh 3.

Lò cao Kháng chiến Hải Vân cao 13m nơi sản xuất 500 tấn gang trong hang đá phục vụ kháng chiến. Ảnh: Gia Bảo

Năm 1949, sau khi cân nhắc kỹ, thung lũng Đồng Mười, xã Hải Vân, huyện Như Xuân (nay là thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh) là địa điểm đáp ứng đủ điều kiện, trước hết bí mật, an toàn để xây dựng lò cao. 

Nhiều kỹ sư cơ khí, luyện kim giỏi như Võ Quý Huân, Trần Đại Nghĩa, Trịnh Tam Tĩnh, Lương Ngọc Khuê… và đội ngũ công nhân lành nghề được điều động về Hải Vân bắt tay thiết kế, thi công. Đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật cùng bộ đội, nhân dân địa phương ngày đêm dùng sức trâu, bò, voi, kéo vận chuyển máy móc thiết bị, nguyên vật liệu từ Nghệ An ra, Ninh Bình vào trong hoàn cảnh máy bay địch thường xuyên kiểm soát, khủng bố, nhưng hàng ngàn tấn thiết bị, nguyên liệu vượt núi rừng hiểm trở đã được tập kết xây dựng.

Ban đầu tập thể kỹ sư, công nhân mới chỉ thiết kế và đưa vào sử Lò cao NX1 có dung tích 6,7m3, cỡ nhỏ thuộc loại bán cơ khí, được xây bằng gạch chịu lửa có vỏ tôn bao bọc, công suất trung bình 2 tấn/ngày. 

Lò cao NX2 có dung tích 01m3, dùng để thí nghiệm và chuẩn bị cho việc sản xuất tại Lò cao NX1. Cuối năm 1953, địch dò được xưởng cơ khí bí mật của ta, chúng ra sức dội bom đánh phá. Trước tình thế ấy, một quyết định táo bạo được đưa ra, chuyển ngay Lò cao vào trong hang đá Đồng Mười. 

Với quyết tâm rất cao, bộ đội, kỹ sư, công nhân và bà con nhân dân trong vùng khẩn trương ngày đêm tháo lắp thiết bị, mở rộng cửa hang đá, vận chuyển thiết bị, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật xây dựng thành công Lò cao NX3 cao 13m, dung tích 7,3m3, công suất 3 tấn/ngày khánh thành đúng dịp quân và dân ta giành chiến thắng oanh liệt tại đèo Hải Vân. 

Sau chiến thắng này Lò cao NX3 chính thức được đổi tên thành Lò cao Kháng chiến Hải Vân. Đây cũng là tiền đề ghi dấu mối quan hệ kết nghĩa của 2 tỉnh Thanh Hoá và Quảng Nam sau đó. 

Từ cuối năm 1951 đến tháng 7/1954 Lò cao Kháng chiến Hải Vân đã sản xuất 500 tấn gang phục vụ kháng chiến. Đến tháng 12/1954 Lò cao Kháng chiến Hải Vân chính thức ngừng hoạt động.

Với ý nghĩa đặc biệt của cơ sở đầu tiên tự thiết kế, tự thi công xây dựng lò cao để sản xuất gang phục vụ chế tạo súng đạn cho quân đội, tháng 6 năm 1960 Nhà nước đã đưa Lò cao Kháng chiến Hải Vân vào danh sách các di sản văn hoá được bảo vệ nhằm giữ lại một kỳ công sáng tạo vĩ đại của dân tộc ta trong những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp. 

Lò cao Kháng chiến Hải Vân (Thanh Hóa), biểu tượng của ngành Quân giới - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng - Ảnh 4.

Di tích Lò cao Kháng chiến Hải Vân trong hang đá còn tồn tại đến ngày nay. Ảnh: Gia Bảo

Lò cao Kháng chiến Hải Vân xứng đáng là biểu tượng của ngành Quân giới Việt Nam. Năm 2013, Lò cao Kháng chiến Hải Vân đã được Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. 

Rất may hơn 75 năm qua dù đất nước ta có thời kỳ trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách nhất là giai đoạn toàn dân săn lùng tìm mua sắt vụn, nhưng với trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong vùng nên Lò cao Kháng chiến Hải Vân không bị mất đi "trái tim" cao 13m nơi nung luyện quặng để ra 500 tấn gang thành phẩm vẫn hiển hiện đến ngày hôm nay.

Di tích lịch sử Quốc gia Lò cao Kháng chiến Hải Vân luôn xứng đáng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường vươn lên trong khó khăn gian khổ góp phần vào thắng lợi của cuộc trường kỳ đánh thực dân Pháp xâm lược.

Bình luận của bạn

Bình luận