Thế giới sẽ có khủng hoảng kinh tế trong năm 2023?

Trần Bách
06:10 - 08/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong năm 2022, chúng ta đã chứng kiến cuộc chiến ở Ukraine, tình trạng thiếu năng lượng ở châu Âu, chính sách bảo hộ mậu dịch trên toàn thế giới. Nợ chính phủ tăng nhanh ở các nước đang phát triển, lạm phát tăng nhanh và tăng trưởng kinh tế chậm ở hầu hết các nước.

Biểu tình diễn ra ở nhiều nước trên thế giới vì nhiều lý do khác nhau, chống hạn chế đi lại ở Trung Quốc, đòi bình đẳng nam nữ ở Iran và chống giá sinh hoạt đắt đỏ ở nhiều nước châu Âu. Phải nói rằng, ít có năm nào thế giới lại phải đối đầu với nhiều khó khăn và thách thức như vậy. 

Những khó khăn và thách thức này chắc chắn sẽ phủ bóng năm 2023.

Liệu sẽ có khủng hoảng kinh tế trong năm 2023 không? - Ảnh 1.

Trong một kịch bản cực đoan, nếu tất cả các yếu tố bất lợi xảy ra cùng lúc, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ bốc hơi khoảng 5.000 tỷ USD, theo dự báo của Bloomberg Economics. Minh họa, nguồn: Chinadaily

Nhiều nhà kinh tế cho rằng kịch bản cho năm 2023 là rất nhiều và nhiều khả năng là kịch bản tồi tệ sẽ xảy ra. Đó là cuộc "khủng hoảng kinh tế" nếu xung đột Nga-Ukraine leo thang (khả năng rất cao), căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục (khả năng cao). Hai yếu tố này tác động đến  chuỗi cung ứng, gây ra thiếu hụt hàng hoá và giá cả tăng. Tấn công mạng có thể làm gián đoạn cơ sở hạ tầng bất kỳ thời điểm và địa điểm nào. Hệ thống tài chính vẫn đầy nguy cơ và bị bóp méo như những năm 2008-2009 và do vậy khủng hoảng là điều rất có thể xảy ra.

Không có những cố gắng cải cách hệ thống tài chính đã làm cho các yếu tố thúc đẩy khủng hoảng vẫn tồn tại, theo các nhà kinh tế thì: "Khủng hoảng nhất định sẽ xảy ra".

Trong lĩnh vực tài chính, ngày càng có nhiều nguy cơ. Ngân hàng châu Âu đang có dấu hiệu yếu kém. Nợ tăng nhanh từ năm 2007 đến nay. Một nghiên cứu cho thấy trong thị trường ngoại hối hiện có khoản nợ là 65 nghìn tỷ đô la, lớn hơn nhiều so với khoản nợ năm 2008. Các nước đang phát triển đang phải trả dịch vụ nợ ở mức cao nhất so với thu nhập xuất khẩu trong khi các nước thu nhập thấp và trung bình đang chịu rủi ro liên quan đến nợ cao. Ngân hàng trung ương các nước cơ thể can thiệp để ổn dịnh thị trường, như Ngân hàng Anh gần đây đã hành động để hỗ trợ thị trường trái phiếu chính phủ và bảo vệ quỹ hưu. Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế thì khủng hoảng ở nhiều lĩnh vực và ở những thể chế chủ chốt không dễ ngăn chặn.

Tuy nhiên, có kịch bản tích cực hơn. Nếu trong năm 2023 có được một giải pháp về xung đột Nga-Ukraine thì sao? Nếu chính sách dỡ bỏ hạn chế đi lại do Covid-19 của Trung Quốc thành công và Trung Quốc khôi phục được kinh tế? Nếu thương mại thế giới đột nhiên tăng mạnh thì sao? Nếu các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có những biện pháp để kiềm chế lạm phát thì sao? Nếu như vậy, kinh tế thế giới sẽ hồi phục và tiếp tục phát triển. Chúng ta không thể hoàn toàn loại bỏ khả năng tất cả nhưng yếu tố trên có thể xảy ra cùng một lúc.

Tính tổng thể các yếu tố, nhiều nhà kinh tế vẫn thiên về hướng lạc quan hơn. Kinh tế thế giới có vẻ đã thích ứng được với những cú sốc trong năm 2022. Lạm phát ở những nền kinh tế lớn có vẻ như đã bước vào ổn định và có dấu hiệu giảm. Điều này khác với đầu năm 2022, ngay cả trước khi xung đột Nga- Ukraine xảy ra thì nhiều nhà kinh tế đã cho rằng 2022 sẽ là năm đầy thách thức.

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ vẫn là 2,7%, thấp hơn mức 3,2% trong năm 2022. Tuy nhiên sẽ không có giai đoạn khó khăn trong dịch Covid-19 khi GDP của Mỹ tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2022 và khu vực sử dụng đồng euro cũng như vậy trong sáu tháng cuối năm 2022. Cũng trong năm 2022, thế giới đã chứng kiến 1/3 các nền kinh tế có tăng trưởng âm trong hai quý liền kề. Cũng theo dự báo của IMF, tỷ lệ lạm phát năm 2023 sẽ là 6,5% giảm nhiều so với mức 8,8% trong năm 2022.

Cho đến nay, vẫn có nhiều ẩn số và nhiều xu hướng chưa được xác định rõ trong nền kinh tế thế giới. Chính vì thế Giám đốc điều hành IMF Kristaline Georieva đã phát biểu nhân dịp năm mới là năm 2023 sẽ là năm "khó khăn hơn năm chúng ta vừa qua". Điều làm bà Giám đốc lo lắng nhất là Trung Quốc, một trong ba đầu tầu tăng trưởng của thế giới, sẽ "có nhiều khả năng sẽ tăng trưởng bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng toàn thế giới lần đầu tiên trong 40 năm do số bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh sau khi Trung Quốc từ bỏ chính sách không Covid rất chặt chẽ của mình". Bà cho rằng: "Trong vòng hai tháng tới, sẽ khó khăn cho Trung Quốc, và tác động của tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ là số âm, tác động với khu vực cũng sẽ là số âm, tác động với tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ là số âm". Với Liên minh châu Âu, bà cho rằng một nửa thành viên của Liên minh sẽ bị suy thoái.

Như vậy, khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 là rất ít. Tuy nhiên, năm 2023 sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, hơn bao giờ hết, thế giới cần chung tay để vượt qua giai đoạn khó khăn này, khôi phục kinh tế và phát triển vì lợi ích của chính các nước.