Khủng hoảng - nỗi lo lắng và khó khăn tột độ của hàng triệu người dân Anh

PV
12:01 - 28/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2022, nước Anh lần lượt chứng kiến có 2 vị quân vương, 3 thủ tướng, 4 bộ trưởng tài chính; kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)...

Khủng hoảng Anh - nỗi lo lắng và khó khăn tột độ của nhiều người - Ảnh 1.

Mọi người có mặt tại nhà ga đường sắt King's Cross ở London, Anh, ngày 17/12/2022. Vương quốc Anh (UK) phải đối mặt với nhiều tuần đình công lớn trong mùa Giáng sinh của nhân viên vận tải và bưu điện, y tá và lính biên phòng. Ảnh: Tân Hoa xã/Lý Anh

Lạm phát cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm; người lao động của ít nhất 14 ngành xuống đường đình công; 7,1 triệu người đang chờ khám chữa bệnh… Các con số cho thấy sự khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng kép về chính trị và kinh tế trong lịch sử hiện đại nước Anh.

Xáo trộn trên chính trường

Ngày 7/7 Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức khi có hơn 50 thành viên nội các rời chính phủ để phản đối sự lãnh đạo của ông sau hàng loạt bê bối của cá nhân thủ tướng và chính phủ. Sự kiện này bắt đầu cho những diễn biến kịch tính trên chính trường Anh.

Chính phủ mới được kỳ vọng sẽ đem lại ổn định chính trị cần thiết để đối phó với rất nhiều thách thức về kinh tế và xã hội trong bối cảnh hậu Brexit và phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Nhưng nước Anh lại rơi vào một cuộc khủng hoảng mới, khi cựu Ngoại trưởng Liz Truss trở thành người kế nhiệm ông Johnson.

Thị trường tài chính chao đảo với làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ, tạo nên cuộc khủng hoảng thanh khoản tại các quỹ hưu trí của Anh khi Kế hoạch "ngân sách nhỏ" của bà ban hành.

Ngân hàng trung ương nước này phải can thiệp khẩn cấp bằng chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 65 tỷ bảng.

Ngày 20/10 bà Liz Truss đã phải từ chức sau 45 ngày cầm quyền, trở thành thủ tướng tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak được lựa chọn ngồi vào "ghế nóng" tại số 10 Phố Downing, thời điểm cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh lên đến đỉnh điểm.

Ông trở thành thủ tướng thứ ba trong năm 2022 và là người thứ năm đứng đầu Chính phủ Anh trong vòng 6 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016. Trước đó, từ năm 1979 đến 2016, nước Anh chỉ có 5 thủ tướng.

Nhiều khó khăn thách thức chính phủ mới

Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm 0,3% trong quý III/2022, thấp hơn mức ước tính 0,2%, đồng thời giảm 0,8% so với quý IV/2019, khiến Anh trở thành nước duy nhất trong G7 chưa đạt mức phục hồi trước đại dịch COVID-19. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo trong 2 năm tới, Anh sẽ là nền kinh tế tăng trưởng kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trừ Nga.

Khủng hoảng Anh - nỗi lo lắng và khó khăn tột độ của nhiều người - Ảnh 2.

Nhiều khó khăn thách thức vị thủ tướng trẻ nhất lịch sử nước Anh.

Ở tuổi 42, vị thủ tướng trẻ nhất lịch sử nước Anh trong vòng 200 năm và là thủ tướng gốc Á đầu tiên phải chèo lái một đất nước rơi vào suy thoái kinh tế sâu với lạm phát leo thang cùng những tác động tiêu cực của Brexit.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với hóa đơn năng lượng và lãi suất thế chấp tăng vọt khiến hàng triệu người dân lâm cảnh khó khăn; làn sóng đình công lan rộng ở cả khu vực công và tư trong khi hệ thống y tế quá tải trầm trọng.

Chưa hết, vị thủ lĩnh trẻ tuổi của đảng Bảo thủ đối mặt nguy cơ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử khi cử tri Anh mất lòng tin sâu sắc vào đảng cầm quyền với năng lực điều hành yếu kém và nội bộ rạn nứt nghiêm trọng.

Trong nội bộ đảng Bảo thủ, chính đảng cầm quyền đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc, ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tiếp theo, tạo đà cho Công đảng có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Áp lực kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn cũng đang ngày càng gia tăng. Các đảng đối lập như Công đảng, Dân chủ Tự do, Dân tộc Scotland đã tuyên bố cần tiến hành ngay cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, do những yếu kém về kinh tế kéo dài mà đảng Bảo thủ đã gây ra cho nước Anh và ông Sunak không có được sự ủy thác thông qua bầu cử của cử tri cả nước.

Theo Giáo sư chính trị tại Đại học Strathclyde, Sir John Curtice, đảng Bảo thủ hoàn toàn đánh mất sự ủng hộ của người dân và Công đảng đã vươn lên trở thành lựa chọn hàng đầu của cử tri.

Cố vấn chính trị Andrew Fisher cũng đồng tình rằng cử tri đang quay lưng với đảng Bảo thủ, dẫn chứng về chiến thắng lớn của Công đảng trong cuộc bầu cử bổ sung tại thành phố Chester ngày 1/12 khi tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ giảm tới 15%.

Năm 2022 đầy sóng gió đã khép lại với đảng Bảo thủ cầm quyền và nước Anh. Năm 2023 dự báo không ít khó khăn với những thách thức kinh tế nghiêm trọng, giá năng lượng, biến đổi khí hậu, chiến sự ở Ukraine, quan hệ với các nước đến khoa học công nghệ, thương mại, y tế…

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, trong vòng 2 năm, Thủ tướng Sunak cần có một kế hoạch khả thi để giải quyết những vấn đề cụ thể như cải thiện mức sống, tăng cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng dịch vụ công để đưa đất nước ra khỏi "màn sương mù" khủng hoảng và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Anh, cũng chính là con đường duy nhất để thay đổi vận mệnh chính trị của đảng cầm quyền.

Suy thoái kinh tế, thất nghiệp, đình công lan rộng, khiến mức sống người dân ảnh hưởng

Suy thoái kinh tế với lạm phát và lãi suất thế chấp tăng, giá bất động sản giảm và tỷ lệ thất nghiệp leo thang khiến mức sống của người dân Anh giảm sâu nhất trong 6 thập niên.

Thu nhập khả dụng thực tế của các gia đình Anh giảm 0,5% trong quý III/2022, là mức giảm thứ tư liên tiếp. Số liệu của ONS cũng cho thấy chi tiêu hộ gia đình giảm 1,1% trong quý III/2022, mức giảm đầu tiên kể từ khi Anh thực hiện phong tỏa phòng dịch COVID-19, trong khi tỷ lệ tiết kiệm ngoài lương hưu tăng 1,8% so với mức 1,3% của quý trước đó, cho thấy người dân Anh đang trở nên thận trọng hơn trước những rủi ro kinh tế gia tăng.

Khủng hoảng Anh - nỗi lo lắng và khó khăn tột độ của nhiều người - Ảnh 3.

Một tấm biển bên trong ga Waterloo ở London, nơi diễn ra cuộc đình công đường sắt tại Anh. Ảnh:Tim Ireland/Tân Hoa xã

Chuyên gia kinh tế tại tổ chức Joseph Rowntree Foundation (JRF), Rachelle Earwaker, cho biết lạm phát kỷ lục 11% khi giá các mặt hàng thiết yếu phi mã, hóa đơn năng lượng tăng gần gấp đôi so với mùa Đông năm ngoái, tiền thuê nhà tăng cao trong khi mức an sinh xã hội cơ bản thấp khiến người tiêu dùng Anh phải "thắt lưng buộc bụng".

Thống kê từ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Anh cho thấy khoảng 85% người dân Anh đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm trong năm nay. Một khảo sát của JRF ước tính 20% trong tổng số 2,5 triệu gia đình thu nhập thấp không thể chi trả hóa đơn thực phẩm và nhiên liệu sưởi ấm trong mùa Đông.

Thu nhập thực tế giảm, tiền lương không theo kịp lạm phát khiến ngân sách các gia đình bị thắt chặt gây nên làn sóng đình công lớn nhất tại Anh kể từ những năm 1980, bắt đầu từ mùa Hè đến tận cuối năm và dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2023 với khả năng diễn ra một cuộc tổng đình công.

Số lượng ngành tổ chức đình công cũng cao kỷ lục, từ nhân viên đường sắt, xe buýt, bưu điện, vệ sinh môi trường cho đến nhân viên y tế, lái xe cứu thương, y tá, giáo viên, công chức, nhà báo, luật sư, lính cứu hỏa, lực lượng biên phòng, khiến nhiều dịch vụ công bị gián đoạn, đồng thời gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

ONS ước tính 417.000 ngày làm việc đã bị mất do các cuộc đình công trong tháng 10 - cao nhất kể từ tháng 11/2011, trong khi con số này của trong giai đoạn từ tháng 6-10/2022 là hơn 1,1 triệu ngày công. Riêng tháng 12, số ngày công mất đi ước tính khoảng 1 triệu ngày.

Chưa dừng ở đó, nước Anh trải qua năm khó khăn khi Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi danh sách chờ khám chữa bệnh lên tới hơn 7 triệu người với các khoa phòng, giường bệnh chật kín, các trường hợp cấp cứu như đột quỵ phải mất nhiều giờ để gọi xe cứu thương và được thăm khám. Khủng hoảng nhân lực trong ngành y tế, hiện đang trống 46.000 vị trí điều dưỡng và 11.000 vị trí nhân viên y tế, khiến tình hình càng thêm tồi tệ.

Các chính sách "thắt lưng buộc bụng" khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói

Oasis Centre ở quận Waterloo, trung tâm thủ đô London của Vương quốc Anh, nằm trong một tòa nhà 4 tầng ấm áp, hấp dẫn với những chiếc ghế sang trọng và rất nhiều chậu cây xanh. Đây là nơi trú ẩn tạm thời cho nhiều gia đình và người dân địa phương thoát khỏi cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa Đông, giữa cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh.

Khủng hoảng Anh - nỗi lo lắng và khó khăn tột độ của nhiều người - Ảnh 4.

Một du khách tự phục vụ đồ uống nóng miễn phí tại Oasis Centre ở quận Waterloo, London, Anh. Ảnh: CNN

Theo CNN, hàng nghìn "ngân hàng ấm áp" như Oasis Centre đã mở cửa trên khắp nước Anh vào mùa Đông này, khi ngân sách hộ gia đình bị siết chặt hơn nữa do hóa đơn năng lượng tăng vọt và lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm. Các trung tâm được tài trợ bởi sự đóng góp từ cá nhân và doanh nghiệp địa phương, cũng như thu nhập từ quỹ từ thiện.

Theo dữ liệu từ Chính phủ Anh, chi phí sinh hoạt đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2021. Từ tháng 10/ 2021 đến tháng 10/2022, giá điện và khí đốt trong nước lần lượt tăng 129% và 66%. Hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm đã tăng 96% từ mùa thu năm ngoái lên 2.500 bảng Anh (khoảng 3.000 USD), ngay cả khi Chính phủ London đã can thiệp để hạn chế chi phí đơn giá của hóa đơn tiền điện và ga ở mức đó cho đến tháng 4/2023.

Giá năng lượng đã tăng vọt trên khắp châu Âu kể từ mùa thu năm 2021, một phần do cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Nhưng giá năng lượng của Vương quốc Anh tăng mạnh hơn so với các nền kinh tế tương đương như Pháp và Italia - các nhà phân tích từng cảnh báo trên CNN Business vào mùa Hè năm nay.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu hàng đầu về dịch tễ học và bất bình đẳng y tế Michael Marmot, chính sách "thắt lưng buộc bụng" và sự hỗ trợ ít ỏi của chính phủ trong nhiều năm qua - thông qua việc cắt giảm chi tiêu cho phúc lợi xã hội và cơ sở hạ tầng, cũng như lỗ hổng quy định nơi thị trường năng lượng của Anh đã khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Khủng hoảng Anh - nỗi lo lắng và khó khăn tột độ của nhiều người - Ảnh 5.

Những kệ hàng trống rỗng tại một siêu thị ở Reading, Anh. Ảnh: Tim Ireland/Tân Hoa xã

"Nghèo đói đã gia tăng trong hàng chục năm qua và ngày càng trở nên tồi tệ hơn" - Marmot, hiện là giám đốc Viện Y tế Công bằng, Đại học College London, bình luận - "Chúng ta đang tệ nhất trong các nước G7, khi là nước duy nhất chưa thể phục hồi lại như trước đại dịch. Đây là sự quản lý yếu kém trên quy mô khổng lồ".

CNN dẫn lời ông Simon Francis - điều phối viên Liên minh Đói nghèo Nhiên liệu - cho biết, ước tính có khoảng 3,69 triệu hộ gia đình ở Anh rơi vào tình trạng nghèo nhiên liệu vào tháng 12/2020 so với 6,99 triệu hộ gia đình vào tháng 12 năm nay. Theo nghiên cứu của Đại học York ở miền Bắc nước Anh, con số này sẽ tăng đều, với hơn 3/4 hộ gia đình ở Vương quốc Anh - 53 triệu người - được dự báo sẽ rơi vào tình trạng thiếu nhiên liệu vào năm mới.

The Guardian trước đó đưa tin, Tổ chức nhân quyền Save the Children đã phân bố 2.344 khoản tài trợ trực tiếp cho các gia đình có thu nhập thấp ở Anh trong năm qua. Người đứng đầu Save the Children cũng kêu gọi Chính phủ London hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình, vì tổ chức này dự đoán hàng triệu người sẽ gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng vào tháng Giêng.

Trong thông điệp Giáng sinh đầu tiên trên cương vị quân vương Anh, Vua Charles III đã nêu bật cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cùng "nỗi lo lắng và khó khăn tột độ" của nhiều người.

Theo báo Guardian, Vua Charles III đọc thông điệp Giáng sinh tại nhà nguyện St George ở lâu đài Windsor, nơi mẹ ông - cố Nữ hoàng Elizabeth II từng ghi hình thông điệp Giáng sinh của bà vào năm 1999. Trong đó, ông bày tỏ lòng kính trọng đối với mẹ mình và sự cảm thông với những người cũng bị mất người thân yêu khác.

Phát biểu trước người dân cả nước, Vua Charles III cho biết, các cộng đồng tôn giáo đã tham gia giúp đỡ những người gặp khó khăn về tài chính. Ông cũng ca ngợi và lên tiếng cảm ơn các tình nguyện viên, tổ chức từ thiện, nhân viên y tế đã quyên góp đồ ăn và dành thời gian trợ giúp những người khác.

"Vào thời điểm đầy lo lắng và khó khăn này, có thể đối với những người trên khắp thế giới đang phải đối mặt với xung đột, nạn đói hoặc thảm họa thiên nhiên, hoặc đối với những người đang phải vật lộn tìm cách thanh toán hóa đơn và giữ cho gia đình họ no, ấm, chúng ta nhìn thấy lòng nhân từ của mọi người trên khắp các quốc gia và Khối thịnh vượng chung, những người rất sẵn sàng cứu giúp các hoàn cảnh khó khăn của người khác", nhà vua nói.


Nguồn: Tổng hợp