Liệu có cần kỳ thi "hai trong một" hay không?

Trần Bách
06:57 - 01/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Khi kỳ thi "hai trong một" (tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học) năm học 2021-2022 kết thúc và việc tuyển sinh đã hoàn thành thì phụ huynh và học sinh lại dấy lên cuộc tranh luận, liệu có cần kỳ thi "hai trong một" hay không? Và nếu cần thì có cần cải tiến gì để kỳ thi và tuyển học sinh lần sau dễ dàng hơn?

Trước hết, phải nói rằng thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học là vấn đề nhạy cảm đối với xã hội, đụng chạm đến đại đa số gia đình người Việt Nam trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong mấy năm vừa qua, đã có nhiều thay đổi trong thi và tuyển sinh, gây rắc rối cho những người liên quan.

Có nhiều cách đánh giá học sinh thay vì thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Một thăm dò ý kiến của báo Tuổi trẻ về việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thay vào đó xét công nhận tốt nghiệp như bậc trung học cơ sở, đồng thời tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học dành cho những học sinh muốn vào đại học đã có kết quả không bất ngờ. Cho đến ngày 27/9, 1.145 người tham gia (bằng 87,2%) đồng ý với đề xuất trong khi đó 134 người (bằng 10,2%) muốn giữ kỳ thi như hiện tại và chỉ có 34 người (bằng 2,6%) có ý kiến khác. 

Rõ ràng dư luận đang đi theo xu hướng đơn giản và tiết kiệm hơn.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học - Ảnh 1.

Ảnh: thithpt.edu.vn

Như vậy, đại đa số cho rằng bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết vì chúng ta đâu có những kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (đã bỏ từ lâu rồi) và trung học cơ sở (đã bỏ từ năm 2006). Không còn lý do gì để chúng ta không bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Có cơ quan cho rằng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có mục đích đánh giá mức độ đáp ứng của chương trình giáo dục phổ thông và tạo động lực học tập cho học sinh phổ thông. Điều này liệu có cần cho kỳ thi tiểu học hay trung học cơ sở? Không thể nói là không. Có rất nhiều cách khác để đánh giá mức độ đáp ứng của học sinh thay vì tổ chức kỳ thi vào cuối bậc học.

Nên để các trường đại học tự chủ trong tổ chức tuyển sinh

Như vậy vấn đề còn lại là kỳ thi tuyển sinh đại học liệu có cần thiết hay không? Và nếu kỳ thi là cần thiết thì Bộ Giáo dục Đào tạo hay các trường sẽ tổ chức và điều hành. Thực tế thì ai tổ chức và điều hành không quan trọng lắm. Tuy nhiên kinh nghiệm của các nước rất khác nhau, nhiều nước, chủ yếu là các nước châu Mỹ và châu Âu không tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học trong khi các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn duy trì kỳ thi này, gây áp lực lớn không cần thiết lên học sinh và phụ huynh cũng như toàn xã hội. 

  • Điểm chuẩn nhiều trường đại học cao ngất ngưởng: Chất lượng thực hay ảo?

    Điểm chuẩn nhiều trường đại học cao ngất ngưởng: Chất lượng thực hay ảo?ĐỌC NGAY

Đến đây có một vấn đề nữa vẫn gây tranh cãi là kỳ thi tuyển sinh sẽ do ai tổ chức và tiếp đến là phần tuyển sinh sẽ do ai chủ trì? Như phương thức hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo là nơi trực tiếp tổ chức và chủ trì hai phần việc trên. Điều này không phù hợp với xu hướng chung ở các nước và ngay cả ở Việt Nam là bộ chủ quản có chức năng chính là hoạch định chính sách, giám sát việc thực hiện các kế hoạch đề ra, đánh giá các dự án, kế hoạch và chương trình cũng như bảo đảm cho các đơn vị mình quản lý thực hiện theo đúng đường lối chính sách đề ra. Nói cách khác là bộ chủ quản chỉ "quản lý vĩ mô". 

Do vậy, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học và việc tuyển sinh nên giao cho các trường đại học. Làm như vậy, các trường đại học mới thực sự tự chủ để chọn được thí sinh phù hợp với mục đích đào tạo của mình. Làm như vậy cũng tránh những rắc rối cho thí sinh như trong giai đoạn tuyển sinh vừa qua với 20 phương án tuyển chọn.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học - Ảnh 3.

Các phương án tuyển chọn.

Rõ ràng việc bỏ thi trung học phổ thông và giao cho các trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh là đơn giản và tiết kiệm hơn so với cách làm hiện tại vì số lượng người thi ít hơn và do các trường đại học tổ chức. Làm được như vậy, chúng ta mới có thể tạo điều kiện cho các trường đại học thực sự tự chủ về mọi phương diện để có thể vừa tăng chất lượng giáo dục và tăng số sinh viên, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.