Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, nhiệm kỳ 2022-2023

T.A (tổng hợp)
12:35 - 08/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việt Nam được bầu trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong 1 năm kể từ ngày 13/9.

Đại sứ Csaba Korosi, người Hungary đã trở thành tân Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, nhiệm kỳ 2022- 2023, thay thế ông Abdulla Shahid, người Maldives, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76.

Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, nhiệm kỳ 2022-2023 - Ảnh 1.

Đại sứ Csaba Korosi trở thành tân Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, nhiệm kỳ 2022-2023. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Cuộc họp cũng đã đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc  khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong 1 năm kể từ ngày 13/9.

Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, nhiệm kỳ 2022-2023 - Ảnh 2.

Đại hội đồng Liên hợp quốc họp để bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của cơ quan này khóa 77, ngày 7/6. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Đại hội đồng Liên hợp quốc là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc và là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có đại diện của tất cả 193 nước thành viên.

Đại hội đồng Liên hợp quốc có thẩm quyền rộng trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan của Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

Phát biểu trong cuộc gặp Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed nhân chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc - đối tác tin cậy hàng đầu vì hòa bình, hợp tác phát triển trên thế giới và người bạn tin cậy, gắn bó lâu dài của Việt Nam trong mọi chặng đường phát triển đất nước.

Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung của Liên hợp quốc ở cả 3 trụ cột an ninh - chính trị, phát triển và quyền con người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời mời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và các lãnh đạo Liên hợp quốc thăm Việt Nam trong năm nay để tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.

Với đường lối đối ngoại đa phương đúng đắn, lấy Liên hợp quốc là trọng tâm, Việt Nam - trên cương vị mới, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho những mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc, đó là giải quyết xung đột, duy trì hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới.

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc - tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Trong 45 năm là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã gánh vác nhiều trọng trách lớn, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Các nước khác cùng trúng cử làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 gồm Benin, Burundi, Kenya, Mauritania, Niger, Zimbabwe (khu vực châu Phi), Malaysia, Nepal, Tajikistan, Turkmenistan (khu vực châu Á-Thái Bình Dương), Chile, El Salvador, Jamaica (Mỹ Latinh), Estonia (Đông Âu) và Israel, Australia (khu vực Tây Âu và các nước khác).

Bình luận của bạn

Bình luận