Lập di chúc như thế nào để không tranh giành tài sản?

Đoàn Trang
09:26 - 30/07/2024
Công dân & Khuyến học trên

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Một bản di chúc được coi là hợp pháp phải đáp ứng một số điều kiện mà pháp luật quy định. Vì vậy, khi lập di chúc cần phải chú ý một số điểm nhất định tránh trường hợp tranh giành tài sản xảy ra.

Lập di chúc như thế nào để không tranh giành tài sản?- Ảnh 1.

Một bản di chúc được coi là hợp pháp phải đủ một số điều kiện mà pháp luật quy định. Ảnh: IT.

Pháp luật quy định về di chúc hợp pháp

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người lập di chúc như sau: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".

Như vậy, mỗi cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình và di chúc có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết. Khi lập di chúc, cá nhân người lập di chúc cần nắm rõ những quy định về điều kiện để di chúc hợp pháp.

Một di chúc được coi là hợp pháp khi nó được lập theo ý nguyện tự nguyện của người lập di chúc, tuân thủ các quy định và điều kiện của pháp luật và không vi phạm quyền của người thụ hưởng di sản. Việc tuân thủ các yếu tố này đảm bảo rằng di chúc có giá trị pháp lý và có thể được thực hiện một cách chính xác và công bằng sau khi người lập di chúc qua đời.

Như thế nào là di chúc hợp pháp

1. Chủ thể lập di chúc

Những người sau đây có quyền lập di chúc:

- Người thành niên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc;

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 2. Nội dung của di chúc

Di chúc phải đảm bảo các nội dung theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội:

+ Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định;

+ Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

- Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;

+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

+ Di sản để lại và nơi có di sản.

Ngoài các nội dung trên, di chúc có thể có các nội dung khác.

- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Nội dung của di chúc đóng vai trò quan trọng trong việc ghi lại ý nguyện cuối cùng của người lập di chúc về việc phân chia tài sản sau khi qua đời. Điều này bao gồm các thông tin về người thụ hưởng di sản, tài sản cụ thể để lại, và các điều khoản liên quan đến việc thực hiện di chúc.

3. Hình thức của di chúc

Di chúc có thể được lập bằng các hình thức sau đây:

* Di chúc miệng: Di chúc miệng được lập trong trường hợp mạng sống của một người đang đứng trước ngưỡng cửa nguy hiểm và không thể tiến hành lập di chúc bằng văn bản. Khác với di chúc bằng văn bản, di chúc miệng không có hiệu lực ngay mà trong vòng 03 tháng kể từ thời điểm lập di chúc, nếu người này vẫn còn minh mẫn và sáng suốt thì bản di chúc miệng có thể bị hủy bỏ.  

* Di chúc bằng văn bản: Được quy định tại các điều 633, 634, 635 Bộ luật Dân sự 2015; pháp luật quy định có 4 hình thức là: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Dù 4 hình thức trên đều được pháp luật công nhận, có giá trị pháp lý như nhau nhưng trên thực tế việc khai nhận thừa kế (thực hiện tại văn phòng Công chứng hoặc tổ chức hành nghề Công chứng) cũng như trước bạ, sang tên đối với di sản là nhà, đất (đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký đất đai) sẽ thuận lợi hơn nếu di chúc được công chứng hoặc chứng thực.

Những lưu ý khi lập di chúc 

Độ tuổi của người lập di chúc

Độ tuổi lập di chúc hợp pháp được quy định phải đạt độ tuổi thành niên, tức từ 18 tuổi trở lên ngoại trừ trường hợp người đó mắc các bệnh lý về thần kinh hoặc không thể tự làm chủ hành vi của mình.

Trường hợp người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn có quyền định đoạt tài sản của mình, nếu như có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Hiệu lực pháp luật của di chúc

Tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

Cụ thể thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết và di chúc hợp pháp tại thời điểm mở thừa kế thì di chúc mới có hiệu lực. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015.

Người nhận thừa kế không phụ thuộc vào di chúc

Một số trường hợp dù di chúc được công chứng, chứng thực nhưng việc khai nhận vẫn gặp khó khăn bởi nội dung di chúc không phù hợp với các quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Theo đó, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định trên có nghĩa nếu di chúc không chỉ định cho họ được hưởng di sản thừa kế hoặc hưởng ít hơn mức quy định nói trên thì họ vẫn được hưởng thừa kế.

Ngoài ra, di sản thừa kế không chỉ là nhà đất mà còn là các tài sản khác như tiền gửi trong sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, phần vốn góp trong doanh nghiệp... Đối với những tài sản này, việc khai nhận thừa kế đòi hỏi giấy tờ chứng minh mà người nhận thừa kế có nghĩa vụ phải cung cấp cho văn phòng Công chứng hoặc tổ chức hành nghề Công chứng cũng như các tổ chức có liên quan như doanh nghiệp, ngân hàng khi đến nhận tài sản.

Trên thực tế, việc chia thừa kế luôn tiềm ẩn tranh chấp. Do vậy, việc khai nhận thừa kế phải đảm bảo đúng pháp luật, khách quan, trung thực (không giấu hàng thừa kế).

Việc lập di chúc hợp pháp rất quan trọng và cần thiết trong việc định đoạt tài sản, bởi di chúc chỉ được công nhận khi được tuân theo đúng quy định của pháp luật. Pháp luật đặt ra các quy định chặt chẽ để không những bảo vệ ý chí (nguyện vọng của người chết) mà còn phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người thuộc diện thừa kế. Nếu quá trình khai nhận thừa kế mà thực hiện một cách tùy tiện thì có thể để lại những hệ lụy khó lường, tiềm ẩn tranh chấp khó giải quyết.

Bình luận của bạn

Bình luận