Làm sao chứng minh giáo viên ép buộc học sinh học thêm?
Dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có điều khoản quy định giáo viên không được ép học sinh học thêm. Tuy nhiên, làm sao để chứng minh giáo viên có hành vi ép buộc học sinh học thêm thì không phải chuyện dễ.
Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến. Theo đó, Điều 3 có một số nội dung đáng chú ý như sau:
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
1. Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
2. Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
3. Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Nhiều phụ huynh và kể cả giáo viên cho rằng, quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 rất mơ hồ, giáo viên dễ dàng lách luật, như thế việc dạy thêm, học thêm vẫn có nguy cơ biến tướng.
Thứ nhất, hiệu trưởng các nhà trường phổ thông và các cơ quan quản lí giáo dục (Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo) rất khó xác định việc giáo viên có "ép" học sinh học thêm hay không. Bởi vì, nhiều giáo viên đã và đang "ép" học sinh đi học thêm bằng những chiêu trò rất "tinh vi", được thể hiện dưới hình thức phi ngôn ngữ như: thái độ, lời nói, hành động.
Liên quan đến việc dự thảo Thông tư quy định cấm giáo viên ép buộc học sinh học thêm, một phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí minh nhớ lại và chia sẻ:
"Con tôi vừa vào lớp Một tại một trường tiểu học thuộc quận Gò Vấp, trường học 2 buổi. Tôi có cho con học thêm tại một cơ sở bên ngoài theo nhu cầu của con và phụ huynh. Nhưng, ngày nào đón con ở trường, cô giáo chủ nhiệm cũng nói con học chưa tiến bộ và có nhiều nhận xét không hay, đặc biệt là cô luôn gợi ý nên học thêm tại nhà cô sẽ tốt hơn.
Gia đình tôi rất bức xúc trước sự việc như vậy. Sợ con bị cô "đì", gia đình có nghĩ tới phương án chuyển trường cho con nhưng sợ việc học của con bị xáo trộn. Có lẽ, sắp tới tôi phải đăng ký cho con học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm, mặc dù cả phụ huynh và con đều thấy vô cùng áp lực".
"Lý thuyết thì cấm, còn thực tế làm sao cấm được giáo viên ép buộc học sinh học thêm mới là chuyện đáng bàn. Giáo viên dạy trên lớp thiếu gì cách thức để gây sức ép hữu hình và vô hình cho phụ huynh và học sinh. Có giáo viên nào nói thẳng là các em phải viết đơn tự nguyện đi học thêm hoặc không đi thì sẽ bị thế này thế kia đâu", một phụ huynh khác nêu ý kiến.
Thứ hai, đối với các môn học từ 70 tiết/năm có nhiều cột điểm kiểm tra, vì vậy, không ít giáo viên "cài cắm" kiến thức ở lớp học thêm vào đề kiểm tra ở trên lớp. Ví dụ, môn Toán bậc trung học phổ thông có 4 cột điểm kiểm tra thường xuyên được thực hiện tại lớp.
Trong khi đó, hầu hết học sinh lớp 12 hiện nay đều có nhu cầu xét tuyển vào đại học theo phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông. Vậy nên, việc học sinh đi học thêm cũng là một cách… lấy lòng giáo viên để được điểm cao. Và nguyên tắc, giáo viên thu tiền học sinh thì làm sao cho các em điểm thấp được.
Riêng đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) là đề chung, do tổ trưởng chuyên môn hoặc hiệu phó chuyên môn chọn từ đề các giáo viên trong tổ. Tuy vậy, các giáo viên dạy thêm thường liên kết nhóm tiết lộ cho nhau, nên học sinh không đi học thêm sẽ bị thiệt thòi về điểm số.
Thứ ba, quy định "nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh" cũng thiếu chặt chẽ. Giáo viên có nhiều lí do để "ép" học sinh học thêm nếu chiếu theo nội dung này.
Chẳng hạn, học sinh có lực học yếu thì phải học thêm để củng cố kiến thức; học sinh có lực học trung bình thì phải học thêm để đạt loại khá; học sinh có lực học khá thì phải học thêm để đạt loại giỏi; học sinh có lực học giỏi cũng cần bồi dưỡng để tham gia các kì thi học sinh giỏi.
Chưa kể, tất cả học sinh lớp 9 cần phải học thêm để thi tuyển sinh vào lớp 10 – một kì thi thường có sự cạnh tranh gay gắt, nhất là ở những thành phố lớn. Học sinh lớp 12 phải học thêm vì Chương trình mới thì cách thi cũng mới, rồi học cho có điểm cao để xét tuyển vào đại học.
Thứ tư, quy định "Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh" cũng rất mù mờ. Ví dụ, học sinh lớp 9 học thêm 4 tiết môn Ngữ văn; 4 tiết môn Toán; 4 tiết môn Tiếng Anh/tuần là đã bơ phờ. Nhưng học sinh khác thì cảm thấy bình thường, vậy làm sao để lượng hoá chuyện sức khoẻ.
Thiết nghĩ, cấm "ép" học sinh học thêm là chưa triệt để, mà phải cấm dạy thêm với học sinh do chính giáo viên phụ trách môn đó trong nhà trường thì mới xử lí được phần gốc của chuyện này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google