Dạy thêm cũng chẳng sung sướng gì, đừng vội chỉ trích giáo viên
Để mưu sinh và nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn, nhiều giáo viên phải tham gia dạy thêm, cũng là một hình thức bán sức lao động và chất xám, vì vậy xã hội cần có cái nhìn thấu đáo và rộng lượng hơn.
Những mặt trái của học thêm
Gõ cụm từ "dạy thêm học thêm" Google cho ra kết quả tìm kiếm khoảng 89.600.000 kết quả chỉ trong vòng 0,33 giây. Như thế để thấy rằng, việc dạy thêm, học thêm nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, và vấn đề này xảy ra tranh cãi không hồi kết từ trước đến nay.
Trước hết cần khẳng định rằng, việc dạy thêm, học thêm luôn tồn tại hai mặt tiêu cực và tích cực. Có thể liệt kê một số mặt tiêu cực chủ yếu như sau: Dạy thêm, học thêm tràn lan ngoài nhà trường, không xin phép, không có kế hoạch, không có nội dung học cụ thể, thu học phí không đúng quy định và cao hơn mức quy định.
Cùng với đó, một bộ phận không nhỏ giáo viên vì nguồn thu từ dạy thêm khá lớn hơn tiền lương đã có hành vi "ép" học sinh học thêm bằng những hình thức phi sư phạm, thậm chí có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật.
Chẳng hạn, giáo viên cắt xén chương trình; chỉ dạy lý thuyết bỏ qua thực hành trong giờ chính khóa; dạy không hết các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng của bài học; "ép" học sinh học thêm kiến thức cơ bản thay vì phải dạy trên lớp; dạy trước kiến thức; tiết lộ nội dung đề kiểm tra thường xuyên, định kì; hạ điểm, kiểm tra đột xuất các học sinh không học thêm khiến các em lo sợ để phải đi học thêm.
Cùng với đó, không ít trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm vào buổi trưa, kể cả buổi sáng sớm, dạy luôn cả ngày lễ, Chủ nhật; dạy thêm đối với các học sinh đã học 2 buổi/ngày tại trường.
Ngoài ra, rất nhiều nhóm lớp dạy thêm ngoài nhà trường mà không xin phép theo quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, tức là dạy "chui"; cơ sở vật chất không đảm bảo.
Việc làm dụng dạy thêm, học thêm khiến học sinh có tâm lý ỷ lại, học đối phó, thiếu tính tự giác, lười suy nghĩ, lười tư duy. Học thêm quá nhiều, học sinh không có thời gian giải trí, nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hay phụ giúp công việc cho cha mẹ.
Giáo viên dạy thêm là bán sức lao động và chất xám
Tuy vậy, có rất nhiều giáo viên dạy thêm chân chính, họ là những người giỏi chuyên môn, tận tâm với học sinh nên nhận được sự tin tưởng, tin cậy của người học cũng như phụ huynh.
Việc tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường được quản lý chặt chẽ về chuyên môn của hiệu trưởng, hiệu phó và tổ chuyên môn. Việc thu học phí cơ bản là theo quy định, có sự thoả thuận rõ ràng giữa phụ huynh và đại diện giáo viên.
Không phải giáo viên nào cũng có thể tham gia dạy thêm. Điều này đòi hỏi thầy cô giáo phải không ngừng nâng cao kiến thức, phương pháp để dạy học sinh giỏi và kèm cặp học sinh yếu có hiệu quả.
Nhiều trường tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi rất bài bản, rất tốt, số lượng học sinh đạt giải ở các cuộc thi ngày càng tăng, có tác dụng khích lệ các em hăng say trong học tập và tìm kiếm thêm cơ hội vào các trường tốt, đại học tốt.
Điều đáng bàn, giáo viên dạy thêm cũng chẳng sung sướng gì, vì vậy xã hội đừng vội chỉ trích giáo viên mà hãy có cái nhìn công tâm, khách quan hơn.
Có luồng dư luận cho rằng, dạy thêm đang là vấn nạn (vấn đề khó khăn lớn có tính chất xã hội, đang phải đương đầu đối phó một cách cấp thiết) khiến giáo giới không khỏi chạnh lòng. Và việc dạy thêm cũng chỉ rơi vào một số "môn chính" mà thôi.
Ai cũng biết rằng, nghề giáo được gọi là nghề "bán cháo phổi" vì bệnh lí liên quan về đường hô hấp. Giáo viên vừa dạy trên lớp, vừa dạy thêm nên hay mắc các bệnh về mắt và đường hô hấp. Bởi vì, họ thường xuyên tiếp xúc với bụi phấn, soạn giáo án nhiều giờ trên máy tính, chấm liên tục hàng ngàn bài kiểm tra.
Giáo viên dạy thêm nhiều cũng có thể mắc các bệnh lí về thần kinh vì hằng ngày tiếp xúc với nhiều học sinh "nổi loạn" trong hành xử (do bất ổn tâm lí của tuổi mới lớn, kể cả những em cho rằng mình bỏ tiền ra học thêm là có "quyền"), dẫn đến căng thẳng.
Nhìn chung, giáo viên mới ra trường, giáo viên dạy dưới 15 năm, nếu không dạy thêm hoặc không làm nghề "tay trái" thì khó mưu sinh và nuôi dạy con cái hay phụng dưỡng cha mẹ ốm đau, bệnh tật, già yếu.
Ví dụ, giáo viên mới ra trường, hiện nay nhận lương khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Giáo viên dạy 15 năm nhận lương khoảng 12,5 triệu đồng/tháng. Gia đình nào có một đứa con học đại học, với đồng lương giáo viên như hiện nay thì không thể nuôi nổi.
Có thể khẳng định, nếu chương trình học còn nặng nề, hàn lâm; phụ huynh còn gây áp lực cho con về điểm số và đặc biệt là đồng lương giáo viên không đủ sống thì việc dạy thêm, học thêm sẽ còn nhiều tranh cãi không hồi kết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google