Nhập khẩu lạm phát

Trần Bách
00:34 - 08/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại kỳ họp Quốc hội từ 23/5 đến 16/6, nhiều đại biểu đã một lần nữa nhắc lại và bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát ở Việt Nam. Đó là "nguy cơ nhập khẩu lạm phát" từ bên ngoài, khi giá cả thị trường thế giới đang tăng cao.

Nhập khẩu lạm phát - Ảnh 1.

Tại kỳ Quốc hội 23/5-16/6, nhiều đại biểu đã nhắc lại và bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát ở Việt Nam. Ảnh minh họa, nguồn: economictimes

Nhiều đại biểu còn đề cập đến việc cần phải cân nhắc việc cung tiền ra thị trường ở mức độ và thời điểm phù hợp để không tạo hiệu ứng kích thích các yếu tố lạm phát tăng cao. Đây là những lời cảnh báo sớm cần thiết, vì chúng ta không thể để lạm phát tăng cao rồi mới có thể có những biện pháp ngăn chặn.

Tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát đang tăng, ở Mỹ hiện nay lạm phát ở mức 8,5%, cao nhất trong 40 năm qua, châu Âu lạm phát 7,4 % cao nhất trong 30 năm; tại Anh lạm phát là 9%, cao nhất trong 30 năm… 

Theo nhiều nhà kinh tế, lạm phát cao do :(1) cầu quá lớn do người dân bắt đầu chi tiêu sau hai năm kìm hãm do đại dịch COVID-19, (2) cung bị hạn chế do đứt gẫy chuỗi cung ứng kéo dài từ quý 4 năm 2021, (3) xung đột Nga-Ukraine gây thêm đứt gẫy trong chuỗi cung ứng. Tuy Nga không phải là nền kinh tế lớn nhưng lại là nước cung cấp dầu mỏ, khí đốt và lương thực cho thế giới, đặc biệt là châu Âu. Lo ngại về nguồn cung những mặt hang này trong tương lai làm giá cả tăng cao. (4) giá dầu tăng cao làm lạm phát tăng theo. Theo một tính toán thì nếu giá dầu thế giới tăng 100%, lạm phát sẽ tăng 2,5%. Thực tế hiện tại cũng cho thấy rằng điều này là đúng.

Với độ mở kinh tế lớn (180% và đứng thứ năm trên thế giới), Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thế giới, đặc biệt là lạm phát. Chỉ số giá người tiêu dùng (CPI) trong năm tháng đầu năm 2022 bình quân là 2,25%, cao hơn mức tăng 1,29% cùng kỳ năm 2021. 

Rõ ràng áp lực lạm phát đang tăng lên rất cao. 

Ở cấp độ hộ gia đình, điều này có lẽ được các bà nội trợ cảm nhận rõ nhất, giá rau quả ở chợ đã tăng. Ở cấp độ quốc gia, giá cả thị trường thế giới tăng cao khiến các yếu tố đầu vào nguyên, nhiên vật liệu tăng theo, tác động đến giá thành sản xuất, thị trường tiêu thụ và doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. 

Áp lực lạm phát cao đến mức Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhắc lại tiêu đề của một bài báo: "Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo".

Áp lực lạm phát cao đến mức Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhắc lại tiêu đề của một bài báo: "Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo".

Các đại biểu quốc hội cũng đã đưa ra những giải pháp để giảm bớt áp lực lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề chính là sức ép lạm phát từ bên ngoài là không thể kiềm chế được. Không chính phủ nào có thể kiểm soát được giá dầu mỏ cũng như không ngân hàng trung ương nào có thể đột nhiên thay đổi giá lúa mì và các mặt hàng khác. Những yếu tố khác như tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với giá lương thực và nhiên liệu cũng không nằm trong sự quản lý của bất kỳ chính phủ nào. 

Do vậy, nhập khẩu lạm phát là khó tránh.

Với nhiều nước, các biện pháp giảm thiểu lạm phát là tăng trợ cấp để người dân có thể đối phó với giá cao và xem xét lại thuế đánh vào dầu mỏ. Pháp đã tính đến trả tiền trợ cấp lương thực cho người nghèo. Bang New York, Mỹ đã tạm dừng không thu thuế xăng dầu trong cả năm 2022.

Một khi không thể kiềm chế được lạm phát ở bên ngoài thì phải dùng biện pháp bên trong để kiềm chế. Nhiều biện pháp đã được nêu lên như đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, tăng cường kiểm soát giá cả, bảo đảm nguồn cung, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng. Một trong những biện pháp quan trọng nhất đó là giảm thuế, nhất là thuế để giữ giá xăng dầu. 

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, xăng dầu tăng 10% sẽ đẩy lạm phát tăng thêm 0,36%. Trên thực tế, giá xăng RON 95 đã tăng từ 23.295 đồng một lít vào cuối năm 2021 lên 31.570 đồng một lít từ ngày 1 tháng Sáu, tăng hơn 35%.

Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế khoảng 350.000 tỉ đồng, hàng loạt công trình hạ tầng lớn được triển khai. Tuy nhiên cũng cần đặc biệt chú ý đến những áp lực do tăng cung tiền tệ từ gói này, có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao. Tại Việt Nam nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào của nền kinh tế là rất lớn và phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài. Chính điều này sẽ đẩy giá cả tăng cao hơn nữa.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", sớm hành động, chúng ta sẽ tránh được hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, giảm thiểu được áp lực lạm phát. Không đi vào vết xe đổ của những năm 1986-1989 (mức lạm phát trung bình là 225% năm) và 2006-2008 (mức lạm phát trung bình là 16,3% năm) với hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.