Làm gì để có các công dân toàn cầu?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ
05:45 - 25/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

"Khái niệm công dân toàn cầu không phải là mới. Tôi rất tâm đắc với câu nói của triết gia Hy Lạp Socrates hơn 400 năm trước Công nguyên: "Tôi không phải là công dân của riêng thành phố Athens hay nước Hy Lạp, mà còn là một công dân toàn cầu"- tôi nghĩ, đó là công dân có tư duy và hành động vì lợi ích của trái đất".

Lời tòa soạn: Tạp chí Công dân và khuyến học mở Diễn đàn Công dân toàn cầu nhằm ghi nhận những ý kiến, thảo luận của độc giả - như một hành trang để giúp mọi người, đặc biệt là giới trẻ trong hành trình bước từ "ao làng" ra "biển lớn", hội nhập, hòa nhập với thế giới. Xin giới thiệu bài viết của GS. TSKH Đặng Võ với góc nhìn "Làm gì để có các công dân toàn cầu?"

Tư duy về công dân toàn cầu - thực chất là công dân trái đất

Làm gì để có các công dân toàn cầu? - Ảnh 2.

Socrates - triết gia Hy Lạp. Ảnh: IF

Chúng ta hãy lấy thuật ngữ tiếng Anh về "công dân toàn cầu" là "Global Citizens" để xem xét cụ thể ngữ nghĩa phổ cập hiện nay. Ở đây "Global" là tính từ của "Globe", nghĩa là "quả cầu". Thực chất, loài người đã tiếp nhận thuật ngữ "quả cầu" là "quả địa cầu", tức là "trái đất", kể từ khi loài người công nhận trái đất có hình dạng "cầu" chứ không phải là "mặt phẳng". Từ xưa, con người chỉ cần đứng ở bờ biển nhìn ra khơi xa thì thấy đỉnh của cột buồm xuất hiện, rồi sau đó nhô cao dần cho tới khi cả con tàu hiện nguyên hình.

Từng bước ngay trong thời kỳ cổ Hy Lạp, các nhà khoa học đã xác định được "địa cầu" của chúng ta lớn khoảng chừng nào. Cho đến thế kỷ 19, nhiều nhà toán học như Everest, Clarke, Helmert, Krasovsky,... đã đo đạc cụ thể và phát hiện chính xác "trái đất" có hình dạng của một hình "ellipsoid tròn xoay". Tới 1984, cả thế giới đã công nhận chính xác bán kính đường xích đạo là 6.378.137 và độ dẹt của ellipsoid là 1/298,2572.

Nói như vậy để thấy đến năm 1984 loài người đã biết rất chính xác kích thước và hình dáng trái đất, nhưng người ta vẫn sử dụng thuật ngữ "Globe" là "địa cầu", tức là "trái đất". Điều này thể hiện "công dân toàn cầu - Global Citizens" nghĩa là "công dân địa cầu" hay "công dân trái đất" (Earth's Citizens). Thuật ngữ tiếng Việt có bổ sung chữ "toàn" để cho mạnh mẽ hơn, nhưng có thể làm cho ý nghĩa của "công dân toàn cầu" chuyển sang tư duy về "toàn bộ trái đất". Thực chất, "công dân toàn cầu" chỉ đòi hỏi mỗi con người hãy tư duy về quyền và lợi ích của trái đất như một "ngôi nhà chung" của loài người, trong đó có đất nước của mình, dân tộc của mình, tôn giáo của mình,...

Lộ trình hình thành tư duy "công dân địa cầu"

Làm gì để có các công dân toàn cầu? - Ảnh 5.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Mọi người hay bàn về ý nghĩa của từ "con người", trong đó có phần "con" và phần "người". Phần "con" thể hiện cái gốc "muông thú" của một động vật, và phần "người" thể hiện tính "văn minh" của xã hội loài người. Quá trình phát triển của loài người phản ánh việc chuyển từ tư duy phần "con" chiếm tỷ trọng cao hơn sang phần "người" chiếm tỷ trọng cao hơn. Từ một xã hội có giới "chủ" và những "nô lệ" đã chuyển sang xóa bỏ chế độ nô lệ. Cuộc chiến tranh Bắc - Nam ở Mỹ cũng có bản chất là cuộc chiến giữa tư tưởng níu giữ chế độ nô lệ và xóa bỏ chế độ đó. Đến nay, chế độ nô lệ đã được xóa bỏ hoàn toàn, nhưng ở những nơi này hay nơi kia trên trái đất vẫn còn tồn tại không chính thức dưới dạng giới chủ bóc lột sức lao động của người làm công. Và, nạn buôn người dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn đang tiếp diễn.

Định hướng xây dựng xã hội tiến bộ của loài người đã được hình thành từ sau Đại chiến thế giới thứ 2 dựa trên nguyên tắc con người được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc, và được đối xử công bằng, bình đẳng. Dựa vào các nguyên tắc này, các tổ chức phát triển quốc tế đã đưa ra nhiều cuộc vận động về bình đẳng chủng tộc, tôn giáo, giới tính và công bằng về chia sẻ lợi ích trong phát triển. Trong thể thao, khẩu hiệu lớn nhất hiện nay là "không có chỗ cho phân biệt chủng tộc" (No Room for Racism). Phong trào "bình đẳng giới" (Gender Equality) được Liên Hợp Quốc vận động rất mạnh ở các quốc gia còn kém phát triển. Chủ nghĩa thực dân đã kết thúc, các nước thuộc địa đã được trao trả độc lập hoàn toàn.

Thời còn trẻ con, khi hòa bình được lập lại vào năm 1954, tôi đến trường làng học lớp 3 theo hệ phổ thông 10 năm. Thầy giáo lớp tôi là một cán bộ tập kết từ miền Nam đã dạy bài hát "Vui liên hoan thiếu nhi thế giới" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Tôi vẫn còn nhớ như in lời hát "Vàng, đen, trắng nước da khôn chia tấm lòng/ Ϲơn chiến chinh khôn ngăn chúng ta trao tình/ Phản động kia khôn ngăn tình yêu chứa chan/ Của đoàn thiếu nhi chỉ mong yên vui thái bình…". Ngay trong những ngày bão lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ đã có tư duy về một thế giới thanh bình cho thiếu nhi. Đó chính là tư duy vượt qua biên giới, chủng tộc, sự khác biệt chính trị vì một trái đất bình yên, đúng là một tư duy của "công dân toàn cầu".

Nói một cách khái quát nhất, trái đất đã trải qua hàng nghìn năm thăng trầm với những cuộc chiến liên miên vì sắc tộc, tôn giáo, quốc gia,... cho đến khi cuộc Đại chiến thế giới thứ 2 kết thúc, loài người mới tỉnh ngộ mà thấy cần một trái đất bình yên cùng nhau sinh sống, phát triển. Nhưng rồi, cuộc chiến kinh tế đã tàn phá trái đất, và đến năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh toàn thế giới tại Rio De Janeiro mới chỉ ra rằng cần "phát triển bền vững" để bảo vệ trái đất. Từ đó đến nay, loài người đã biết thừa nhận sự khác biệt về lãnh thổ, hệ tư tưởng, chủng tộc, tôn giáo,... để cùng nhau cộng sức bảo vệ và phát triển ngôi nhà chung "trái đất". Công dân mỗi quốc gia hãy vượt lên trên quyền và lợi ích của quốc gia mình để tư duy và hành động về một trái đất xanh trong và bình yên. Ngay vừa qua, cuộc viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là một minh chứng rõ nhất về thừa nhận sự khác biệt vì lợi ích chung của thế giới.

Làm gì để trở thành công dân toàn cầu?

Giáo sư Phan Văn Trường trong cuốn sách "Công dân toàn cầu, công dân vũ trụ" của mình cho rằng khó có thể định nghĩa thế nào là một "công dân toàn cầu" vì con người sinh ra đã tồn tại sự khác biệt nhau rất lớn, chẳng ai giống ai. Có khi một người chữ nghĩa đầy mình, tự nhận mình là công dân toàn cầu, nhưng lại bị phản bác; nhưng có người không có nghề nghiệp, không có bằng cấp nhưng lại được thừa nhận là một công dân toàn cầu bằng xương, bằng thịt. Sau đó, giáo sư đưa ra nhiều ví dụ từ thực chứng trong đời sống hàng ngày. Cuối cùng, giáo sư đã kết lại bằng 14 tiêu chí đánh giá thông qua văn hóa làm việc và cung cách hành xử của công dân toàn cầu và bằng 12 đặc trưng mà công dân toàn cầu không được biểu hiện.

Theo tôi, các phân tích của giáo sư Phan Văn Trường không sai, nhưng cách tiếp cận khái niệm công dân toàn cầu của ông dựa vào phương pháp quy nạp thực nghiệm, không dựa vào lý luận về hình thành xã hội loài người và nhân văn. Đúng là trong xã hội loài người, không ai hoàn toàn giống ai khác, nhưng rất nhiều người có chung nhau tư duy về một vấn đề. Chúng ta có thể khái quát được những đặc trưng cụ thể của một công dân toàn cầu.

Từ những minh chứng ở trên cho thấy, để trở thành một "công dân toàn cầu", mà thực chất là "công dân trái đất", chắc chắn mỗi khu vực cần có một định hướng hoạt động phù hợp, cụ thể như sau:

Đối với mỗi công dân của một đất nước, cần đảm bảo các tiêu chí sau đây:

1. Cần thay đổi tư duy theo hướng giảm tập trung vào lợi ích của cá nhân, của gia đình, của cộng đồng, của quốc gia để tăng tập trung vào lợi ích chung của trái đất và của loài người. Điều này có nghĩa là độ đo của công dân toàn cầu không phải là trình độ, học vấn hay kỹ năng mà là mối quan tâm chính một người là điều gì? Những tư duy về cơm, áo, gạo, tiền vẫn phải có để sống, để no đủ và giàu sang hơn; nhưng các giải pháp tìm kiếm cơm, áo, gạo, tiền không được gây hại cho người khác, cho môi trường sống, cho loài người, cho trái đất, và cần làm tốt hơn cho cái chung.

2. Biết thừa nhận sự khác biệt giữa các quốc gia, hệ tư tưởng, dân tộc, tôn giáo, cộng đồng địa phương, cá nhân để tạo dựng tiếng nói và hành động để chung tay xây dựng cộng đồng loài người, lợi ích chung của nhân loại và sự bình yên của trái đất. Những cái riêng gây hại cho cái chung cần được thay đổi từng bước để tính thống nhất của cái chung ngày càng được nâng cao; những cái riêng không gây hại cho cái chung vẫn được tôn trọng, tạo nên sắc thái đa dạng của xã hội loài người.

3. Chung tay xây dựng những xu hướng mới của một xã hội hiện đại dựa trên bình đẳng và công bằng giữa các thành viên của xã hội loài người bao gồm bình đẳng chủng tộc, bình đẳng tôn giáo, bình đẳng giới tính, bình đẳng tư tưởng, bình đẳng quốc gia, và công bằng trong chia sẻ lợi ích từ đầu tư phát triển, trong đó có nguyên tắc nhóm người có thu nhập cao chia sẻ lợi ích cho các nhóm người dễ bị tổn thương.

4. Mở rộng hiểu biết về những vấn đề chung của loài người, của trái đất để các nhóm người của xã hội loài người hiểu biết nhau nhiều hơn, dễ tạo dựng tiếng nói và hành động thống nhất.

Đối với kết cấu xã hội của đất nước, các tổ chức xã hội (các tổ chức không thuộc khu vực nhà nước, bao gồm cả các cơ quan báo chí, các tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và các tổ chức đại diện cho các ngành nghề, cộng đồng,…) của một đất nước cần thực hiện các hoạt động sau đây:

1. Chuẩn bị đủ tri thức về công dân trái đất để trang bị cho các thành viên cộng đồng mình hòa nhịp hoạt động vì trái đất bình yên và loài người tiến bộ.

2. Đẩy mạnh các cuộc vận động về cách thức tiếp cận của mỗi thành viên cộng đồng đến các chuẩn mực của một công dân trái đất, các hình thức có thể là tọa đàm, tranh luận, diễn đàn,…

3. Tổ chức để các thành viên cộng đồng của mình tiếp cận với các cộng đồng quốc tế tương đương theo hình thức ngoại giao nhân dân, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và có thể tổ chức các hoạt động chung.

4. Các cơ sở đào tạo tự bổ sung các tài liệu tham khảo hướng tới các tiêu chuẩn của một công dân trái đất để xây dựng tư duy cho các thế hệ trẻ quen dần với mong muốn trở thành các công dân trái đất.

5. Các cơ sở nghiên cứu khoa học cần hướng tới các đề tài nghiên cứu có đóng góp chung tay quốc tế, cùng hợp tác giải quyết các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

Đối với khu vực nhà nước, các cơ quan nhà nước cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

1. Sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng tương đồng với tư duy luật pháp quốc tế để tạo "luật chơi" thống nhất nhằm đẩy mạnh quá trình hoạt động ra ngoài phạm vi biên giới của đất nước và thu hút nguồn nhân lực tốt từ các quốc gia khác đến hoạt động ở nước mình.

2. Bổ sung vào hệ thống giáo dục, đào tạo một chương trình mới đối với mọi lứa tuổi, kể cả lứa tuổi thơ mới cắp sách đến trường, bao gồm những tư duy của một công dân trái đất, một thành viên tích cực của xã hội loài người.

3. Trợ giúp các hoạt động ngoài khu vực nhà nước hướng tới Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trên toàn cầu.

4. Cân đối một cách khôn khéo giữa hội nhập quốc tế ở mức độ cao, nhưng vẫn phải đảm bảo các giải pháp khắc phục các rủi ro của chiến tranh, tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu.

Cần nâng cấp công dân của mình thành các công dân toàn cầu để chuyển tầm mắt từ "ao làng" ra "đại dương"

Đến nay, xã hội loài người đã trải qua nhiều nỗi đau do phần "con" của con người gây ra, xu hướng hình thành văn minh của phần "người" đã bao phủ khắp hành tinh trái đất. Nhưng trên thực tế, nhiều bộ tộc ở các vùng rừng núi hẻo lánh, ở các hoang đảo xa xôi vẫn đang tồn tại ngoài nhịp điệu chung của xã hội loài người, họ vẫn còn bơ vơ và lạc lõng.

Nhiều quốc gia vẫn hướng theo tăng cường sức mạnh quân sự với những vũ khí hủy diệt. Nhiều cuộc chiến tranh cục bộ vẫn đang tiếp diễn và vẫn đang tồn tại nguy cơ của chiến tranh thế giới. Tư duy về công dân toàn cầu mà thực chất là công dân trái đất đã hình thành từ lâu rồi, ngày càng được lan rộng và nâng cao, nhưng vẫn chưa thể chi phối được sự phát triển trong bình yên.

Nước ta đã tồn tại cho đến nay là một kỳ tích của dân tộc Việt. Chúng ta tồn tại cũng nhờ văn hóa làng xã gắn với đoàn kết dân tộc đồng lòng chung chí hướng. Đến nay, phát triển kinh tế Việt Nam dựa vào hội nhập mạnh mẽ với kinh tế quốc tế. Việt Nam rất cần nâng cấp công dân của mình thành các công dân toàn cầu để chuyển tầm mắt từ "ao làng" ra "đại dương". Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, sự mất mát và đau thương do chiến tranh gây ra đã quá lớn. Hơn ai hết, công dân Việt mong muốn trở thành công dân toàn cầu tùy sức vóc của mỗi người đóng góp cho một trái đất bình yên và một loài người tràn ngập yêu thương.

Bình luận của bạn

Bình luận