Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 4: Cuộc đua giáo dục công dân toàn cầu của các trường đại học

Nhóm Phóng viên
06:16 - 01/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đào tạo nên những công dân toàn cầu sẽ là xu hướng tất yếu của các trường đại học trong bối cảnh buộc phải hội nhập quốc tế.

>> Bài 1 - Chặng đường nào trải hoa hồng?

>> Bài 2 - Điều gì ngăn người trẻ bước chân ra thế giới?

>> Bài 3 - Chương trình giáo dục phổ thông mới có tạo nên công dân toàn cầu?

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 4: Cuộc đua giáo dục công dân toàn cầu của các trường đại học - Ảnh 1.

Học để vươn ra thế giới là xu hướng của giới trẻ. Ảnh: unsplash

Vai trò của giáo dục đại học trong thiết lập tư duy toàn cầu hoá cho người học

Thị trường lao động đang đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ đáp ứng chuyên môn mà còn phải có khả năng làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa. Thực tế hiện nay, các trường đại học cũng đã và đang tham gia vào quá trình đào tạo công dân toàn cầu, gắn với nhận thức về hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4.

Các cơ sở giáo dục đại học buộc phải thay đổi để thích nghi, thúc đẩy đào tạo thế hệ công dân toàn cầu. Nếu sinh viên sau khi tốt nghiệp càng vươn xa trong công việc sẽ là minh chứng cho hiệu quả, chất lượng đào tạo, đồng thời đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của trường đại học.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 4: Cuộc đua giáo dục công dân toàn cầu của các trường đại học - Ảnh 2.

GS.TS Phạm Tất Dong. Ảnh: CDKH

Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, trường đại học là một mắt xích quan trọng tạo nên thế hệ công dân toàn cầu. Đó vừa là xu hướng của thời đại, vừa là nhu cầu tự thân của các trường để phát triển.

"Đào tạo công dân toàn cầu trong trường đại học, nhận thức của lãnh đạo nhà trường là rất quan trọng, được cụ thể trong mục tiêu đào tạo cùng với các chính sách của trường. Khi đó, tư duy giảng dạy của giảng viên sẽ thay đổi theo góc độ toàn cầu, cơ sở hạ tầng được cải thiện để hướng người học vươn ra môi trường quốc tế, trở thành những công dân toàn cầu.

"Giáo dục công dân toàn cầu là một quá trình dài rèn luyện và thiết lập tư duy của người học. Trong đó, giáo dục phổ thông cung cấp kiến thức nền tảng, tạo thuận lợi cho cá nhân trở thành công dân toàn cầu. Muốn có thế hệ công dân toàn cầu, then chốt nằm ở giáo dục đại học và các doanh nghiệp lớn".
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong

Càng đào tạo ra nhiều công dân toàn cầu, thanh danh của trường đại học càng tăng lên. Việc thu hút sinh viên, học viên trong và ngoài nước sẽ rất mạnh mẽ và tự nhiên", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Cập nhật kiến thức, nội dung và phương thức đào tạo mới cho sinh viên thích nghi với thời đại

Truyền thông là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất của sự phát triển khoa học công nghệ. Nhất là khi mạng xã hội ra đời đã ảnh hưởng đến xu hướng truyền thông, xu hướng tuyển dụng, buộc người đào tạo lĩnh vực này phải không ngừng đổi mới và có những môn học đón đầu.

Để thích nghi với bối cảnh ấy, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, nhà trường buộc phải cập nhật kiến thức, nội dung và phương thức đào tạo mới cho những thế hệ sinh viên mới. 

Trong đó, ngoài việc đào tạo đa dạng chương trình từ chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao, chương trình quốc tế ở bậc đại học, cao học và tiến sĩ, các giảng viên của nhà trường cũng phải điều chỉnh hàm lượng kiến thức và kỹ năng, cân đối lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo. 

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 4: Trường đại học thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu - Ảnh 3.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: NVCC

"Chẳng hạn trong chương trình đào tạo cử nhân của Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, cùng với việc đưa vào các môn học mới như Truyền thông mạng xã hội, Marketing kỹ thuật số..., chúng tôi cập nhật vào các môn học đó những kiến thức lý luận và thực tiễn liên quan đến công nghệ số, ngành công nghiệp sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data)… để cung cấp cho người học.

Trong chương trình đào tạo Tiến sĩ, người học là những chuyên gia, những nhà thực hành nghề đã có những kiến thức chuyên môn, việc cập nhật kiến thức sẽ không chỉ là lý thuyết mà phải cả thực tiễn", Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền chia sẻ.

Không những thế, ngay cả các giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều phải cập nhật kiến thức, làm mới hiểu biết của bản thân. Có thể học phương pháp giáo dục mới bằng nhiều cách như tiếp cận phương pháp và công cụ giảng dạy hiện đại: viết các bài báo quốc tế; tham gia vào các đề tài khoa học trong nước và quốc tế; tham gia hội thảo, tọa đàm, nói chuyện với các chuyên gia quốc tế; đồng hành cùng những dự án nước ngoài; tham gia khóa học trực tuyến trong mảng kiến thức mới hay lắng nghe chia sẻ từ chính người học…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền, không chỉ kiến thức chuyên môn luôn được cập nhật, môi trường học tập cũng cần năng động, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn mới có thể giúp sinh viên trau dồi năng lực thực hành, rèn luyện kỹ năng mềm với những dự án.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 4: Trường đại học thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu - Ảnh 4.

Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hành trong trường quay ảo của nhà trường. Ảnh: Học viện BCTT

Môi trường rèn luyện tốt còn tính đến việc sinh viên được tham gia các câu lạc bộ tình nguyện, văn hóa, văn nghệ nhằm phát triển các kĩ năng mềm, thái độ ứng xử, và giao tiếp. 

Điển hình như việc Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện cũng đang duy trì các câu lạc bộ nghiệp vụ về báo chí, truyền thông, xuất bản, quảng cáo; câu lạc bộ kỹ năng như Câu lạc bộ Diễn thuyết, Câu lạc bộ MC; câu lạc bộ học thuật như Câu lạc bộ Tiếng Anh. 

Học viện cũng luôn có hàng chục sự kiện lớn quanh năm như những sự kiện chào tân sinh viên, sự kiện chia tay khóa cuối, các cuộc thi… do chính sinh viên tổ chức, điều phối.

Ngoài ra, sinh viên báo chí - truyền thông được đi thực tế tham quan các đài truyền hình, cơ quan báo chí, công ty truyền thông trong nước và nước ngoài để có cái nhìn tổng quan về vị trí, công việc mà mình sẽ làm trong tương lai.

Sinh viên đại học được đi thực tế tại các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan... tùy theo khả năng tổ chức, còn nghiên cứu sinh có thể được tham gia đi thực tế tại Áo, Hàn Quốc và các nước Châu Âu…

Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Thương hiệu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng là một chương trình nhượng quyền của Đại học Middlesex, Vương quốc Anh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là chương trình giúp người học có thể tiếp cận chương trình đào tạo quốc tế về truyền thông tại Việt Nam.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 4: Trường đại học thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu - Ảnh 5.

Giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy quốc tế. Ảnh: Học viện BCTT

"Ngoài việc phải đáp ứng tiêu chuẩn về khả năng giảng dạy bằng Tiếng Anh, giảng viên của chương trình còn phải chuẩn về phương pháp đào tạo giảng dạy, năng lực đào tạo theo chuẩn quốc tế. Chuyên môn của giảng viên do Hội đồng của Đại học Middlesex tại Vương quốc Anh thẩm định.

Cập nhật xu hướng quốc tế trong giảng dạy - tiêu chuẩn tối thiểu của giảng viên trong xu thế toàn cầu hoá

Các môn học trong chương trình cũng đều cập nhật các kiến thức mới theo xu hướng quốc tế. Ví dụ môn Nghiên cứu Văn hóa tiêu dùng và Hành vi khách hàng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có nội dung về dữ liệu số, chia sẻ đến sinh viên cách để thu thập những dữ liệu trên những nền tảng số và xử lý, nghiên cứu, phân tích để dữ liệu trở nên có ý nghĩa, phục vụ cho việc triển khai chiến dịch.

Hay như môn Quảng cáo sáng tạo, sinh viên xây dựng ý tưởng sáng tạo cho một kế hoạch truyền thông chuyên nghiệp. Trong đó, sinh viên lựa chọn bản tóm tắt sáng tạo (Brief) của các thương hiệu lớn trên thế giới, từ đó nghiên cứu thực tế, bối cảnh thị trường trong nước, nhu cầu của khách hàng và xây dựng nên ý tưởng thực tế cho thương hiệu. 

Ngành truyền thông có một sự giao thoa lớn đối với xu hướng quốc tế và những vấn đề thiên niên kỷ như ô nhiễm môi trường, bình đẳng giới, tiêu dùng bền vững tiết kiệm nguồn nước… Những nội dung này hiện vẫn được lồng ghép trong chiến dịch truyền thông và các môn học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Bước khởi đầu đào tạo công dân toàn cầu trong trường đại học

Ngoài Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một cơ sở đào tạo giáo dục đại học theo đuổi xu hướng này. 

Năm 2021, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Đề án "Tái cấu trúc Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành Đại học Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đa ngành giai đoạn 2021-2030".

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 4: Trường đại học thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu - Ảnh 7.

Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Top 301-400 đại học đóng góp cho 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (theo bảng xếp hạng THE Impact Ranking).

Nhà trường thiết lập những lộ trình phát triển, đào tạo không chỉ đáp ứng các yêu cầu của xã hội hay đào tạo các lĩnh vực là thế mạnh của nhà trường mà từng bước tiến tới chủ động trao quyền cho người học như chủ động yêu cầu học tập, nghiên cứu, thực hành về tính bền vững thông qua chương trình đào tạo liên ngành – đa ngành, chương trình được thiết kế cá nhân hóa theo nhu cầu người học, gắn với thực tiễn, học tập liên tục và suốt đời để đóng góp vào 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Chương trình đào tạo của nhà trường được điều chỉnh toàn diện với tiêu chí lấy "tín hiệu, nhu cầu của xã hội, cộng đồng", "chất lượng toàn cầu, tiêu chuẩn quốc tế" làm nền tảng; tăng cường và tiến tới 100% các chương trình, môn học giảng dạy bằng tiếng Anh theo nhu cầu người học, gia tăng người học nước ngoài (ở cả các nước đang phát triển và phát triển) tham gia học tập, tích hợp các môn học mới theo xu hướng phát triển của thế giới vào năm 2025.

Lồng ghép các nguyên tắc phát triển bền vững nhằm đáp ứng 17SDGs vào các chương trình đào tạo, các môn học hiện có; tăng cường các chương trình liên kết quốc tế ngắn hạn và dài hạn giúp người học trở thành những công dân toàn cầu thông qua giao lưu văn hóa và học thuật; tăng cường các chương trình được kiểm định quốc tế và chứng nhận bởi hiệp hội nghề nghiệp uy tín thế giới, đặc biệt những hiệp hội có định hướng phát triển bền vững…

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 4: Trường đại học thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu - Ảnh 8.

Đoàn chuyên gia của Quỹ Kiểm định Các chương trình Quản trị Kinh doanh Quốc tế (FIBAA) đến thăm và làm việc tại Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Vĩnh Long.

Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thuộc top 301-400 Đại học hàng đầu thế giới đóng góp cho 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (17 Sustainable Development Goals - SDGs) theo Bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2023; thuộc Top 401+ các Đại học tốt nhất châu Á (theo bảng xếp hạng QS Asia 2023).

Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tối ưu hóa với 51 chương trình đào tạo hệ đại học chính quy theo hướng đa ngành, liên ngành, và xuyên ngành, tiếp cận quốc tế. Đặc biệt năm nay có 5 chương trình hoàn toàn mới gắn liền với kỷ nguyên số gồm: Công nghệ tài chính (Fintech); Công nghệ Marketing (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI); Kỹ sư Công nghệ Logistic và chuỗi cung ứng (Logtech, hệ kỹ sư).

Về phương pháp đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng môi trường học tập linh hoạt, mọi lúc mọi nơi, nguồn học liệu rộng mở, công cụ học tập đa dạng; đa dạng hóa phương thức đào tạo lấy người học làm trung tâm; chú trọng các trải nghiệm thực tế thông qua làm việc nhóm, đi thực địa, đồ án, thực hiện dự án thực tế.

Gia tăng mời các giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy các học phần lý thuyết, thực hành, đồ án, seminar… trên quan điểm toàn cầu và bền vững; đào tạo giảng viên phát triển các chương trình, các môn học, đề cương, chuẩn đầu ra phù hợp với các mục tiêu bền vững mà Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến…

Hành trình trở thành công dân toàn cầu – Bài 4: Trường đại học thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu - Ảnh 10.

Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai công nghệ số tại thư viện thông minh của nhà trường.

Trường đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, tiêu biểu như: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tập huấn công tác hợp tác quốc tế trong giáo dục tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Tham gia họp tổng kết của dự án JEUL Erasmus+; Kết hợp cùng với Cơ quan Thương mại & Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) tổ chức Tháng sự kiện Shine With Australia 2022; đón tiếp các đoàn đại biểu cấp cao, đối tác uy tín trong khu vực và thế giới đến thăm và làm việc như Ông Ahmed Aboutaleb Thị trưởng Thành phố Rotterdam (Hà Lan); đoàn Tổng lãnh sự quán Úc.

Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành thư viện thông minh của trường từ năm 2020. Đây là thư viện chuyển đổi số, được đầu tư hạ tầng hiện đại và tự động trong tất cả các khâu, người dùng có thể dễ dàng tìm sách, mượn sách, đặt phòng học… chỉ với chiếc điện thoại thông minh.

Thư viện này có gần 400.000 đầu sách thuộc lĩnh vực kinh tế. Trong đó có 600 đầu sách đến từ Đại học Harvard. Đồng thời, thư viện kết nối cơ sở dữ liệu với hơn 90 nhà xuất bản các trường đại học danh giá của Mỹ. Người học có thể đăng ký các phòng tự học, tra cứu tài liệu online trên website và nhận được sự hỗ trợ của nhân viên thư viện.

Sinh viên trong nước và quốc tế đang học tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tham dự International Day 2022 - sân chơi giao lưu văn hóa quốc tế. 

Cần chính sách của Nhà nước để thúc đẩy giáo dục công dân toàn cầu

Cập nhật liên tục kiến thức, phương pháp đào tạo mới, gia tăng cách thức rèn luyện kỹ năng mềm cho người học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cân đối giữa lý thuyết và thực hành, triển khai chương trình quốc tế… là những điều đang được các cơ sở giáo dục đại học thực hiện để giúp sinh viên thích nghi tốt hơn với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay và sự phát triển của khoa học công nghệ.

Thế nhưng, chừng đó chưa đủ để các trường đại học tạo ra thế hệ công dân toàn cầu - những người có tư duy, kiến thức, kỹ năng, việc làm toàn cầu, có năng lực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, khái niệm công dân toàn cầu có thể không xa lạ với lãnh đạo, giảng viên đại học nhưng việc nhìn nhận đúng và đào tạo công dân toàn cầu chưa được hầu hết các trường đại học tại Việt Nam quan tâm.

Bên cạnh đó, việc chính sách cho giáo dục công dân toàn cầu cũng đang bị bỏ ngỏ cũng góp phần khiến hành trình để người Việt vươn ra thế giới còn gặp nhiều khó khăn.

"Thế hệ công dân toàn cầu có ý thức đi ra nước ngoài để làm ăn, lập nghiệp sẽ đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế trong nước. Họ là nguồn lực thúc đẩy nền khoa học của ta phát triển, giúp đất nước bắt kịp xu thế của thế giới và biến Việt Nam trở thành "ngôi nhà toàn cầu", nơi các công dân Việt Nam và thế giới chung sống hài hòa, cùng phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhà nước quan tâm, có chính sách đẩy mạnh giáo dục công dân toàn cầu trong các trường đại học sẽ có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển của quốc gia", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong nhấn mạnh.