Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang

Minh Xuân
18:26 - 20/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tư tưởng "hiền tài là nguyên khí quốc gia" được đề cao trong văn hóa truyền thống qua tích Lã Vọng câu cá hay Văn Vương cầu hiền. Câu chuyện Lão ông câu cá bên bờ sông không ngờ lại được ghi đầy đủ trong ngọc phả Hùng Vương và những di tích tôn thờ Thượng phụ Khương Tử Nha vẫn còn ở vùng ven biển Đông.

1. 

Vào cuối thời Ân Thương cách đây trên 3.000 năm, Lã Vọng là một người dân thường, có gia cảnh khó khăn, nhưng ông không ngừng học tập nuôi chí lớn với đời. Dù tuổi cao đã gần 80, ông vẫn kiên trì chờ đợi thời cơ, hàng ngày mang cây cần trúc không lưỡi ngồi câu cá bên bờ sông Vị. Khi đó, Tây Bá hầu Cơ Xương đang lo lắng việc nước, đi qua bến sông này, gặp được Lã Vọng. Qua nói chuyện Cơ Xương biết ông là người có đại tài, đã mời về, tôn làm Thượng phụ Khương Thái Công. Nhờ có sự phò trợ của Thái Công Lã Vọng nhà Chu đã hoàn thành đại nghiệp phạt Trụ diệt Ân. Cơ Xương được tôn là Văn Vương, vị vua khai lập nên vương triều Chu kéo dài hơn 800 năm trong lịch sử.

Hình tượng Lã Vọng câu cá – Văn Vương cầu hiền thường được sử dụng để đắp nề, vẽ tranh hay chạm khắc trong các kiến trúc đình, đền, miếu mạo, với ý nghĩa đề cao tinh thần học tập và quý trọng nhân tài. Ví dụ như trên cạnh của tấm bia đá thời Lê niên hiệu Phúc Thái (năm 1648) ở chùa cổ Tĩnh Lự (Gia Bình, Bắc Ninh) có chạm cảnh Văn Vương cầu hiền, bên trên là rồng mây quần hội. Trong ngôi đình cổ Hùng Lô thờ Hùng Vương ở vùng đất tổ Phong Châu (Phù Ninh, Phú Thọ) cũng vẽ cảnh Lã Ông câu cá ven sông, gặp Văn Vương.

Điều hết sức bất ngờ là câu chuyện về Lão Ông câu cá còn được lưu truyền trong các sự tích về vua Hùng nước Văn Lang. Khảo dị truyền thuyết họ Hồng Bàng sưu tầm ở Phú Thọ kể: Bà Âu Cơ có mang ba năm ba tháng mười ngày thì sinh ra một bọc trứng. Lúc sinh, trên trời có mây sáng chiếu (nên chỗ sinh bọc trứng sau làm chùa và đặt tên Thiên Quang thiền tự), bảy ngày sau bọc trứng nở ra một trăm người con trai. Lạc Long Quân không biết đặt tên mới cầu khẩn thiên địa, được lão tiên hay câu cá ở Việt Trì về đặt tên các con giúp (ở Việt Trì vẫn còn hòn đá có dấu chân lão tiên này ngồi câu cá).

Việc vua Hùng cầu Lão Tiên ông bên bến sông cũng được ghi trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả. Khi ấy, đức Hiền Vương (Lạc Long Quân) sinh được trăm người con trai, không biết phải phân định trưởng thứ và đặt tên cho các hoàng tử như thế nào, nên đã lập đàn cầu trời giúp. Lúc đó bên bến Việt Trì, cạnh chùa Hoa Long, bỗng xuất hiện một Lão ông tướng mạo dị thường, chống cây gậy trúc, đứng trên tảng đá hình lưng rùa mà rửa chân. Vua Hùng cho mời Lão ông tới nhờ chuyện. Lão tiên bốc quẻ trong Thiên thư rồi lấy bút ghi tên và thứ bậc cho trăm người con trai, để lên chiếc âu vàng, đặt tại ngôi chùa Thiên Quang trên núi Hùng Nghĩa Lĩnh. Từ đó trăm hoàng tử có tên gọi, phân biệt trưởng thứ. Người con cả nối ngôi vua cha. 99 anh em còn lại chia nhau về trấn giữ các nơi đầu non góc biển, là tổ của Bách Việt.

2. 

Truyện Tề Thái Công thế gia trong Sử ký Tư Mã Thiên, cho biết nguồn gốc của ông Lã Vọng như sau: Thái Công Vọng Lã Thượng là bậc thượng nhân ở vùng Đông Hải. Tổ tiên của ông từng làm đến chức Tứ nhạc, giúp vua Vũ trị thủy thổ rất có công lao.

Thái Công Lã Vọng là người vùng Đông Hải, tức là vùng biển Đông ngày nay. Vua Vũ nhà Hạ trị thủy ở cửa Long Môn cũng là Tản Viên Sơn Thánh đã khơi dòng sông Đà đoạn thác Vạn Bờ xưa.

Di tích thờ Khương Thái Công ở ven biển Đông nay còn tại ngôi nghè cổ của làng Kiều, thuộc phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Nghè làng Kiều có biển đề tên là "Thượng Thượng đẳng tối linh từ", thờ vị thành hoàng chính là Khương Tử Nha. Tượng thờ và bài vị trong nghè ghi: Thái Công hiệu Khương Thượng thượng đẳng tối linh tôn thần vị.

Câu đối lưu truyền ở vùng Sầm Sơn nhắc tới Khương Thái Công nhà Chu thờ ở nghè làng Kiều như sau:

Chu Khương, Tôn Tử nghè ghi tại

Sử sĩ phong lưu chiếm đắc nhàn.

Khương Thái Công còn là vị thần chủ chính được tôn thờ ở Võ Miếu tại kinh thành Huế dưới triều Nguyễn. Võ Miếu được xây dựng vào thời vua Minh Mạng năm thứ 16 (1835) tại làng An Ninh, nay thuộc địa bàn của xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, cách cố đô Huế khoảng 4,5 km về phía Tây. Theo Đại Nam nhất thống chí, quy chế của Miếu là: Dinh chính ba gian hai chái, dinh tiền năm gian, tả vu, hữu vu đều năm gian. Án giữa thờ bài vị Thượng phụ Khương Thái Công nhà Chu...

Liên quan đến cuộc chiến diệt giặc Ân ở nước ta có truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương, lên ba tuổi cưỡi ngựa sắt ra dẹp giặc. Trong lễ hội làng Phù Đổng, nay đã là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, đội quân của ông Dóng có mặt đầy đủ các nhân vật đại diện cho các tầng lớp nhân dân là người câu cá (ngư), người thợ săn (tiều), người cày ruộng (canh), và trẻ chăn trâu (mục). Có thể thấy hình tượng Lã Ông câu cá đã được tái hiện ngay trong lễ hội kỷ niệm cuộc chiến thần thánh giữa vua Hùng nước Văn Lang chống giặc Ân ở làng Phù Đổng.

Cùng với truyền thuyết về Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân thì các sự tích và di tích về Khương Thái Công bên bờ Đông Hải là bằng chứng lịch sử giữ nước và dựng nước Văn Lang của người Việt từ 3.000 năm trước. Bài Hát sử trong lối hát cửa đình (ca trù) đã ca ngợi thời đại hào hùng của lịch sử khi vua sáng tôi hiền làm nên đất nước muôn đời bền vững:

Khá khen thay ông Lã Vọng

Chốn Thạch Bàn tuổi tác bền bồi

Chỉ một cần dưới bóng trăng soi

Cá Vị Thủy luống câu người hào lược.

Bỗng chốc thấy đám mây ánh nước

Đập xe loan sực nức bên sông

Hội long vân ngư thủy hợp đồng

Quyết một trận vang lừng cần trúc.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 1.

Bức chạm Văn Vương cầu hiền trên bia chùa Tĩnh Lự.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 2.

Đắp nề tích Lã Vọng câu cá ở đình Đông Lai, xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 3.

Chạm gỗ Văn Vương cầu hiền ở đình Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 4.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 5.

Lã Ông câu cá và Văn Vương cầu hiền ở đình Hùng Lô, Phú Thọ.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 6.

Tranh vẽ Lão Tiên bên bến Việt Trì ở chùa Hoa Long, Việt Trì.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 7.

Nghè làng Kiều ở phường Quảng Châu, Sầm Sơn.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 8.

Bài vị Thái Công Khương Thượng ở nghè làng Kiều.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 9.

Người câu cá trong đoàn quân của Phù Đổng Thiên Vương.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 10.

Phường Ải Lao với tứ dân ngư tiều canh mục (áo đỏ) trong hội làng Phù Đổng.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 11.

Tảng đá hình lưng rùa ở bến Việt Trì.

Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang  - Ảnh 12.

Những tấm bia còn lại của Võ Miếu tại Huế.