Học sinh lớp 10 Hà Nội chọn môn Vật lý, Tin học nhiều nhất

Thiên Ân
19:43 - 11/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố khảo sát học tập với học sinh lớp 10 năm 2022 - 2023.

Theo thống kê, Vật lý và Tin học là hai môn được học sinh lớp 10 chọn nhiều nhất với tỷ lệ lần lượt 68,2 và 62,8%.

Ba môn khác cũng được hơn một nửa học sinh chọn gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa học, dao động 52-56%.

Âm nhạc và Mỹ thuật có tỷ lệ lần lượt 4,2 và 1,8%, bởi hầu hết trường trung học phổ thông công lập tại Hà Nội chưa có giáo viên dạy hai môn này.

Học sinh lớp 10 Hà Nội chọn môn Vật lý, Tin học nhiều nhất - Ảnh 1.

Vật lý và Tin học là hai môn được học sinh lớp 10 chọn nhiều nhất. Ảnh: Hải Nguyễn

Với cụm chuyên đề học tập, 86,9% chọn Toán, tương đương 85.270 học sinh. Tỷ lệ với Ngữ văn và Lịch sử lần lượt là 60,4 và 24%. Vật lý và Hóa học có tỷ lệ chọn 41,6 và 32,6%, Địa lý 27%, còn lại đều dưới 10%.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, theo tỷ lệ hiện tại, việc điều phối, sắp xếp giáo viên chưa bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng trong hai năm tới khi chương trình lần lượt áp dụng với lớp 11 và 12, chuyện thừa, thiếu giáo viên sẽ xảy ra cục bộ.

Bởi, một trong số các nguyên nhân là các em có học lực từ khá trở xuống, nếu không định hướng theo khoa học tự nhiên, thường đăng ký những môn như Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Điều này có thể khiến những môn tự nhiên bị thừa giáo viên, dẫn đến việc điều phối và sắp xếp giáo viên khó khăn hơn, ngay cả khi đã trao quyền tự chủ cho các trường.

Sau khi kết thúc học kỳ I, năm học 2022-2023, một số học sinh muốn đổi tổ hợp môn, đồng nghĩa chuyển lớp hoặc chuyển trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chương trình đã quy định tổng số tiết theo một năm, nên không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp hay chuyển trường trong học kỳ I.

Tuy nhiên, đầu năm 2023, Bộ ban hành hướng dẫn đổi môn học lựa chọn. Hiệu trưởng được quyết định việc cho học sinh chuyển tổ hợp vào cuối năm học. Nhà trường phải có giải pháp hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt để các em có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới.