Kiểm tra giữa học kì 1: Có nhất thiết phải chia học sinh theo phòng?

Phan Anh
06:00 - 19/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Kiểm tra giữa học kì 1 chỉ lấy 1 cột điểm hệ số 2, việc chia học sinh theo phòng kiểm tra là chưa phù hợp với cách đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kiểm tra giữa học kì 1: Có nhất thiết phải chia học sinh theo phòng? - Ảnh 1.

Kiểm tra giữa học kì 1 có cần thiết phải chia học sinh theo phòng? Ảnh: Ngọc Ánh

Thời điểm này, các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông chuẩn bị tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa học kì 1 năm học 2023-2024.

Mặc dù đây chỉ là kì kiểm tra định kì lấy điểm hệ số 2 nhưng nhiều trường chia học sinh theo phòng kiểm tra. Mỗi phòng thường có 24 học sinh, với quan điểm nhằm tạo sự công bằng và nâng cao ý thức học tập cho các em.

Nhiều lãnh đạo và thầy cô giáo lo sợ, nếu cứ để học sinh kiểm tra theo đơn vị lớp, mà mỗi lớp học có khi sĩ số lên đến hơn 50 học sinh, thì các em sẽ gian lận, chẳng hạn xem bài bạn, mở tài liệu… thì việc kiểm tra định kì sẽ khó đánh giá chính xác năng lực của các em.

Tuy vậy, mặt trái của việc chia học sinh theo phòng kiểm tra khiến việc học của học sinh thêm thêm áp lực và chưa phù hợp với cách đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu biết cách tổ chức kiểm tra, các nhà trường vẫn còn nhiều phương án khả thi hơn để đánh giá học sinh một cách công, bằng chính xác.

Kiểm tra giữa học kỳ 1 thế nào cho đúng luật?

Về hành lang pháp lí, ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Theo đó, Điều 7 quy định đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Như vậy, các nhà trường không nhất thiết phải tổ chức một kì kiểm tra tập trung mà hiệu trưởng có thể phân quyền cho giáo viên thực hiện theo các hình thức khác nhau phù hợp với khả năng của học sinh. Ví dụ, cùng học sinh khối 10, nhưng lớp này có thể kiểm tra viết, còn lớp khác làm dự án, thực hành để lấy điểm thay thế.

Một điều dễ nhận thấy qua các kì kiểm tra ở các nhà trường phổ thông từ Chương trình 2006 đến Chương trình giáo dục phổ thông mới đó là, học sinh chủ yếu làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận.

Dĩ nhiên, phương án nào cũng có những ưu khuyết điểm nhất định, nhưng nếu thầy cô giáo không cho học sinh làm dự án, thực hành… để lấy điểm là chưa bắt nhịp với tinh thần của Chương trình mới.

Một trường trung học phổ thông ở Hà Nội từng cho học sinh tham gia ngày hội showcase - hướng nghiệp "Bản sắc và hội nhập" nhằm báo cáo sản phẩm học tập hay các dự án đã làm trong học học. Nhiều dự án được giáo viên theo sát và đánh giá để lấy điểm kiểm tra hệ số 1, 2, 3 thay thế bài kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, học kỳ.

Đây là cách làm hay, các nhà trường phổ thông cần tham khảo nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh trong học tập. Hơn nữa, cách làm này còn giúp thầy cô giáo đánh giá năng lực học sinh hiệu quả vì tính phân hóa điểm số rất cao, không có tình trạng học sinh đạt điểm khá, giỏi hàng loạt như thường thấy đối với kiểm tra tự luận hay trắc nghiệm.

Ngoài ra, các nhà trường nếu tổ chức kiểm tra giữa kì theo hình thức tự luận thì cũng không cần chia lớp, bằng cách ra đề mở hoặc thiết kế nhiều mã đề. Riêng môn trắc nghiệm, chỉ cần 4 mã đề và giáo viên giám sát chặt chẽ thì học sinh cũng rất khó trao đổi bài hay xem bài bạn.