"Khúc hát sông quê" vào đề thi thử tốt nghiệp tỉnh Nghệ An

Ly Hương
09:33 - 09/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bài thơ "Khúc hát sông quê " của nhà thơ Lê Huy Mậu được đưa vào đề thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An vừa tổ chức kì khảo sát chất lượng kết hợp thi thử lớp 12 năm học 2022-2023. Bài thơ "Khúc hát sông quê " của nhà thơ Lê Huy Mậu được đưa vào đề thi Ngữ văn.

"Khúc hát sông quê" vào đề thi thử tốt nghiệp tỉnh Nghệ An - Ảnh 1.

Môn Ngữ văn nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên và học sinh. Nội dung đề thi thử như sau:

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:

Này dòng sông!

ai đã đặt tên cho sông là sông Cả?

ai đã gọi sông Cả là sông Lam?

ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương

tháng Ba phù sa sóng đỏ

cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng

tháng Năm

ta lặn bắt cá ngạnh nguồn

tháng Chín

cá lòng bong

ta thả câu bằng mồi con giun vạc

tháng Chạp

ta nếm vị heo may trên má em hồng...

Để rồi ta đi khắp núi sông

ta lại gặp

tháng Ba... tháng Năm... tháng Chạp

trong vị cá sông

trên má em hồng

Này dòng sông

ngươi còn nhớ nơi ta ngồi ngóng mẹ

phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta

sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế

mẹ cho ta một xu bánh đa vừng

ta ngoan hết một ngày

ta ngoan suốt cả năm

ta thương mẹ ta đến trọn đời ta sống

...

Cùng một bến sông

phía dưới trâu đằm

phía trên ta tắm...

Trong kí ức ta

sao ngày xưa yên ổn quá chừng

một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng!...

(Khúc hát sông quê, Lê Huy Mậu)

Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, dòng sông quê hương gắn với kỉ niệm tuổi thơ nào của nhân vật trữ tình?

Câu 3. Chỉ ra hiệu quả của biện pháp liệt kê được sử dụng trong những dòng thơ in đậm.

Câu 4. Nhận xét tình cảm của nhân vật trữ tình được thể hiện trong những dòng thơ: Trong kí ức ta/ sao ngày xưa yên ổn quá chừng/ một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trình bày quan điểm của bản thân về sự cần thiết phải hướng về cội nguồn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân viết:

Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022, tr.30)

Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên; từ đó, liên hệ chi tiết Tràng "hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này" với ban đầu chợn nghĩ "thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không" để nhận xét ý nghĩa thiêng liêng của mái ấm gia đình đối với nhân vật.

Gợi ý đáp án của phần đọc hiểu đoạn trích bài thơ "Khúc hát sông quê"

Câu 1. Thể thơ tự do.

Câu 2. Kỉ niệm tuổi thơ: đánh bắt cá mương, cá ngạnh, cá lòng bong; nếm vị heo may trên má em hồng; ngồi ngóng mẹ vào dịp phiên chợ Lường, mẹ cho một xu bánh đa vừng; tắm ở dòng sông.

Câu 3. Hiệu quả của biện pháp liệt kê: gợi nhắc những kỷ niệm tuổi thơ gắn với dòng sông quê hương; niềm tự hào, mến yêu của tác giả về những nét đặc trưng, bình dị của quê hương; nhấn mạnh cảm xúc, giọng điệu của đoạn thơ.

Câu 4. Thí sinh nhận xét tình cảm của nhân vật trữ tình. Có thể theo hướng: Tác giả thể hiện nỗi nhớ thương và tiếc nuối về ngày xưa bình yên, êm đềm. Tình cảm của tác giả được thể hiện một cách chân thành, xúc động.

Sự cần thiết phải hướng về cội nguồn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách, có thể theo hướng sau:

Mỗi người đều thuộc về nguồn cội và mang những đặc trưng của nguồn cội ấy; bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới phẳng, hội nhập đòi hỏi sự ghi nhớ cội nguồn.

Hướng về nguồn cội giúp mỗi người thực hiện lẽ sống ân nghĩa thủy chung, tình yêu đất nước; có ý thức và hành động cống hiến cho cộng đồng; phát huy bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan,...

Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Tràng trong tác phẩm "Vợ nhặt" (Kim Lân)

Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm "Vợ nhặt" và nhân vật Tràng trong đoạn trích.

Hoàn cảnh: giữa nạn đói, cận kề cái chết, Tràng nhặt vợ. Tràng thay đổi sau sự kiện trọng đại của đời người.

Diễn biến tâm trạng và hành động của Tràng: Cảm động, ngỡ ngàng trước niềm vui mới mẻ; cảm nhận sự thay đổi của ngôi nhà trở nên sạch sẽ, quang quẻ; thấm thía niềm vui trước những cảnh tượng đời thường; yêu thương và gắn bó với ngôi nhà; ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của mái ấm; ý thức vai trò của bản thân là trụ cột gia đình phải lo lắng cho vợ con, tu sửa lại căn nhà.

Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật: Có thể theo hướng diễn biến tâm trạng và hành động của Tràng thể hiện chân thực, cảm động những nỗi niềm, cảm xúc sau khi có vợ; góp phần làm rõ giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc.

Nghệ thuật miêu tả tâm trạng đặc sắc, đặt nhân vật vào tình huống éo le, ngôn ngữ giản dị, mộc mạc...    

Liên hệ: Ban đầu Tràng chỉ có ý bông đùa, cũng chợn nghĩ hoàn cảnh nạn đói, cái chết gõ cửa từng nhà, đến cái thân mình còn nuôi nổi không, lại còn đèo bòng; sau khi lấy vợ, Tràng cảm nhận ý nghĩa của mái ấm và trách nhiệm của bản thân phải lo lắng cho vợ con sau này.

Nhận xét: Tràng có sự chuyển biến trong nhận thức, đối lập so với trước đây; mái ấm gia đình đã khiến Tràng trưởng thành, nên người thực sự, sống có trách nhiệm.