'Choáng' với đề thi học sinh năng khiếu Ngữ văn 7 kỳ quặc
Đề thi học sinh năng khiếu cấp huyện môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2022-2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đang gây nhiều tranh cãi vì nội dung được cho là không phù hợp, quá sức với học sinh lớp 7.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) vừa tổ chức Kỳ thi học sinh năng khiếu cấp huyện năm học 2022-2023. Trong đó, đáng chú ý là đề thi môn Ngữ văn của học sinh lớp 7:
Câu 1 (8 điểm): Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: "Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có". Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên.
Câu 2 (12 điểm): Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: "Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim". Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên".
Nhận xét về đề thi này, nhiều ý kiến cho rằng, đề quá khó và không phù hợp với học sinh lớp 7, dù là đề thi dành cho học sinh năng khiếu.
Đề thi Ngữ văn 7 khó ngay cả với học sinh lớp 12
Chia sẻ trên trang cá nhân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nói: "Tôi đã không ngủ được cả đêm, không hiểu được vì sao họ lại ra đề thi Ngữ văn cho học sinh lớp 7 như thế, dù là để chọn học sinh giỏi".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống nhận định, đề thi nêu trên về cấu trúc, mô hình, nội dung và yêu cầu đều giống như đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn dành cho lớp 12 hàng chục năm qua.
"Chưa bàn đến những câu chữ lặp lại, chỉ riêng yêu cầu của đề đã không đúng. Cụ thể, để làm sáng tỏ câu "Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim" thì lấy 1 tác phẩm thơ làm sao làm sáng tỏ được? Vì "những trái tim" là chỉ rất nhiều nhà thơ, và như thế phải lấy rất nhiều bài thơ của nhiều tác giả khác nhau thì mới chứng minh được.
Ngay cả nếu đề ấy ra cho lớp 12 thì cũng chỉ chọn được những học sinh có thể uyên bác về kiến thức, nhớ nhiều, thuộc nhiều, nặng về bình câu tán chữ... chứ không chọn được học sinh giỏi có năng lực đọc hiểu, cảm thụ văn học, kể cả năng lực viết", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống nêu quan điểm.
Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhận định, với học sinh lớp 7, học theo chương trình và sách giáo khoa mới hay cũ cũng đều không thể làm tốt đề Ngữ văn này.
Cần khẳng định học sinh giỏi dù khác với học sinh bình thường thì vẫn là học sinh phổ thông, các em vẫn phải có những kỹ năng cơ bản mà môn học trang bị.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, đối với học sinh lớp 7 học môn Ngữ văn thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chỉ nên yêu cầu các em đọc hiểu, viết, nói và nghe ở những mức độ vừa phải.
Về đọc, học sinh đọc hiểu các văn bản: tục ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện khoa học viễn tưởng, truyện nói chung, thơ trữ tình, tùy bút, tản văn.
Về viết, yêu cầu học sinh biết viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử; viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ bốn, năm chữ; bước đầu biết viết bài nghị luận về một vấn đề trong đời sống và bài phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học; bước đầu biết viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong trò chơi, hoạt động; viết được văn bản tường trình rõ ràng, đầy đủ, đúng quy cách.
Như vậy, đề văn nêu trên vượt ra toàn bộ các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù có ra đề cho học sinh giỏi thì vẫn phải căn cứ vào các yêu cầu nêu trên của chương trình để đề xuất cho phù hợp.
Một giáo viên Trường Trung học phổ thông Bắc Thăng Long (Hà Nội) lo ngại, nếu vẫn duy trì cách ra đề dẫn một câu lí luận (thơ, truyện) và bằng trải nghiệm văn học của bản thân để làm sáng tỏ… thì vẫn còn hiện tượng học văn mẫu, học tủ một vài tác phẩm để làm "vũ khí" khi đi thi.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google