"Thời công nghệ, có còn sự sống của thơ ca?" - câu hỏi đề thi Ngữ văn Olympic 10

Phan Thế Hoài
17:27 - 09/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

"Thời công nghệ, có con sức sống của thơ ca" là câu hỏi Ngữ Văn đặt trong bối cảnh mạng xã hội như Tik Tok, Facebook, Instagram đang là trào lưu, chiếm nhiều thời gian rảnh rỗi của mỗi người.

Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh, vừa tổ chức Kì thi Olympic truyền thống 30/4, lần thứ 27 năm 2023, trong đó đề thi Olympic Ngữ văn 10 nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên và học sinh. Đề thi gồm 2 câu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học có độ mở cao giúp chọn được những học sinh giỏi văn thực sự. 

Đề thi Olympic Ngữ văn 10

Đề thi Olympic Ngữ văn 10

Đề thi Olympic Ngữ văn 10, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh.

Câu 1. Thế hệ trẻ hiện nay được gọi là "Thế hệ tìm kiếm", bởi họ gần như hướng cuộc sống của mình ra bên ngoài,gắn bản thân với các ứng dụng như Google, Facebook, Ticket box, Google maps… để tìm kiếm mọi vấn đề trong cuộc sống: từ thông tin, hình ảnh, video… cho đến bạn bè. Thế nhưng các nhà lãnh đạo Công ty Google, với sự hỗ trợ của nhiều nhà tư tưởng và khoa học, đã xây dựng chương trình đào tạo của mình dựa trên châm ngôn "Search Inside Yourself" (Tìm kiếm bên trong bạn). 

Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ được gợi ra từ những thông tin trên.

Câu 2. Không ít người từng đặt vấn đề: trong thời đại công nghiệp này, giữa thời đại khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin phát triển cực kì tinh vi, tinh xảo này liệu có còn sự sống của thơ ca? Đó là nỗi băn khoăn nghiêm túc, chính đáng. Nhưng đó cũng là sự bi quan khi chưa hiểu hết bản chất người, bản chất thơ ca. (Lê Quang Hưng, Những quan niệm, những thế giới nghệ thuật văn chương, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2019, trang 65). 

Từ quan niệm trên và bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị suy nghĩ gì về sức sống của thơ ca trong bối cảnh hiện đại.

Thế hệ trẻ là thế hệ tìm kiếm 

Giải thích "Thế hệ tìm kiếm": Xu hướng của thế hệ trẻ khi tìm kiếm cách giải quyết vấn đề mà mình quan tâm trước sự phát triển không ngừng của công nghệ; cho thấy một bộ phận giới trẻ luôn tìm giải pháp cho đời sống của mình bằng sự hỗ trợ từ bên ngoài.

"Search Inside Yourself" (Tìm kiếm bên trong bạn): Triết lí sống nhấn mạnh việc tìm hiểu nội lực của bản thân, tìm hiểu giải pháp trong tính cá nhân, khai thác những tiềm năng của mình. 

Từ góc nhìn của người trẻ, học sinh có thể thể hiện nhiều suy nghĩ: Phải chăng giới trẻ đang dựa dẫm quá nhiều vào công nghệ? Phải chăng mọi sự tìm kiếm xét đến cùng đều xuất phát từ bản thân mỗi người? Cách sống nào để ta có thể tận dụng công nghệ hiện đại nhưng không đánh mất đi giá trị vốn có?

Bàn luận: Những ứng dụng tìm kiếm nói riêng và sự phát triển của công nghệ nói chung mang đến nhiều tiện ích cho con người. Trong bối cảnh ấy, giới trẻ là nhóm người thích nghi nhanh nhất, tận dụng triệt để các ứng dụng hiện đại, giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, mặt trái của việc lạm dụng các ứng dụng hiện đại là người trẻ có xu hướng dựa dẫm, dần mất đi khả năng tự lực khi gặp vấn đề trong cuộc sống; mất đi cơ hội hình thành và phát triển nhiều kĩ năng quan trọng; không dành đủ thời gian để nhận thức và khám phá bản thân, mất đi động lực tự thân, giảm sút năng lực sáng tạo…

Triết lí "Tìm kiếm bên trong bạn" nhắc nhở tuổi trẻ nhiều điều: Nền tảng quan trọng nhất vẫn là năng lực tự thân của mỗi người, mọi ứng dụng chỉ là sự hỗ trợ, là sự nối dài kĩ năng vốn có của ta, chứ không phải sự thay thế những kĩ năng ấy. 

"Tìm kiếm bên trong bạn" giúp người trẻ nhận thức đúng đắn về ưu - khuyết điểm của mình, giúp họ kiến tạo bản sắc cá nhân, tìm thấy động lực sống, xây dựng tính chủ động và bản lĩnh sống. "Tìm kiếm bên trong bạn" cũng có nghĩa là khai thác điều mà chỉ con người mới có được: khả năng sáng tạo những giá trị mới.

Con người cần có lối sống phù hợp, vừa nhận thức về bản thân, khai thác tiềm năng, trí tuệ của chính mình; hay chỉ tìm kiếm những gì mình có mà không tận dụng công cụ mới để mở rộng bản thân, không học cách thích nghi với xã hội công nghệ đều là lối sống phiến diện cần thay đổi (học sinh cần đưa dẫn chứng thực tế để chứng minh).

Bài học nhận thức và hành động: Nhận thức được vai trò của công nghệ hiện đại và ý nghĩa của việc tìm về những giá trị, tiềm năng của bản thân. Học sinh chủ động đề xuất những giải pháp cụ thể để có lối sống phù hợp.

Sức sống của thơ ca trong bối cảnh hiện đại

Giải thích: "Bản chất người" là những yếu tố cốt lõi, bền vững và phổ quát, kiến tạo nên đặc điểm của con người nói chung trong sự phân biệt với máy móc và các giống loài khác; cảm xúc sâu sắc, trải nghiệm phong phú và khát khao khám phá trong cuộc sống…

"Bản chất thơ ca": Thơ ca là tiếng nói tình cảm, là sự kết tinh những trải nghiệm sống và sự thăng hoa của khát vọng sáng tạo…

Khi bản chất người còn tồn tại thì còn sức sống của thơ ca: Bản chất người là cội nguồn, khởi phát của thơ ca và thơ ca là hiện thân trọn vẹn, sâu sắc, tinh tế nhất của "chất người" ấy.

Bàn luận: Thơ ca sinh ra từ thế giới tình cảm. Bằng việc bộc lộ một cách chân thực và thấm thía thế giới tâm tư của mình, nhà thơ mang đến cho người đọc những rung cảm tinh tế, nhân văn. Đó là điều không một thứ máy móc hay phương tiện hiện đại nào có thể thay thế.

Thơ là kết tinh của quá trình sống và trải nghiệm. Làm thơ là hành trình trải nghiệm những cảm xúc trào dâng trong chính hồn mình, thấu cảm nỗi niềm của nhân loại xung quanh, lắng nghe những biến động thời cuộc hay chiêm ngưỡng từng vẻ đẹp của cuộc sống. Chừng nào con người vẫn còn nhu cầu được hiểu mình, hiểu người, chừng ấy thơ ca vẫn sẽ còn nguyên giá trị.

Quá trình sáng tác của người nghệ sĩ là sự sáng tạo độc đáo về mặt nội dung và nghệ thuật không giống việc "lắp ghép" từ ngữ của máy móc. Đó là quá trình dụng công, dụng tâm chọn lọc ngôn từ để mỗi bài thơ là kết quả duy nhất của sự thăng hoa cảm xúc của người nghệ sĩ.

Đánh giá, mở rộng: Thơ ca và "chất người" có sự tương tác. Tâm hồn con người sinh ra thơ ca và thơ ca kiến tạo nên vẻ đẹp tâm hồn. Muốn được như vậy, mỗi tác phẩm thơ ca phải là sự hoàn thiện cả về nội dung lẫn hình thức.

Vì thơ ca gắn với "chất người" nên thi sĩ phải sống thật sâu sắc cuộc đời mình, phải liên tục khơi mở và đào sâu chính mình thì mới có thể mang những tư tưởng, tình cảm của bản thân làm nên tác phẩm có sức sống lâu bền. 

Người đọc đến với thơ ca là để cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn thi sĩ, song cũng là để làm đẹp tâm hồn mình. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, đến với thơ ca còn là cơ hội để mỗi chúng ta tìm về "chất người" của chính mình, xây dựng chiều sâu cho đời sống bản thân giữa guồng quay của thế giới công nghệ.