Đề xuất bảo hiểm y tế bổ sung thêm nhiều dịch vụ được chi trả

Dũng Minh
21:00 - 28/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến về dự án luật, diễn ra vào ngày 28/6, ông Nguyễn Trí Dũng - Phó vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ mở rộng quyền lợi và chính sách bảo hiểm y tế cho người dân.

Đề xuất bảo hiểm y tế bổ sung thêm nhiều dịch vụ được chi trả - Ảnh 1.

Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, nhằm khắc phục những hạn chế của luật hiện hành, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: Chinhphu.vn

Hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

Nói thêm về vấn đề, ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, luật sửa đổi sẽ tạo cơ chế pháp lý để đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời, Bộ Y tế đề xuất bảo hiểm y tế bổ sung các dịch vụ được chi trả như: Sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con, khám và chẩn đoán sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh tại nhà (dành cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng), sử dụng vaccine, sinh phẩm, dinh dưỡng trong điều trị. Trước đây, các dịch vụ này không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.

Bên cạnh đó, một số ý kiến còn đề xuất bảo hiểm y tế chi trả chi phí sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư. Tuy nhiên, các bệnh ung thư nào có thể được bảo hiểm y tế chi trả vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Theo bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, việc mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế "là rất tốt" vì nó giúp người dân chủ động khám sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh tật và tiết kiệm chi phí điều trị. Tuy nhiên, bà Hương cũng cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng về phạm vi và điều kiện của các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm do bảo hiểm y tế chi trả trong bối cảnh quỹ bảo hiểm y tế có hạn.

Bà Hương đề xuất Bộ Y tế phải đánh giá tác động và lập lộ trình cụ thể cho việc mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế để đảm bảo khả thi và không gây trở ngại trong thực hiện.

Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5/2024

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo phải quy định rõ ràng về việc chỉ định điều trị nội trú, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế và chuyển tuyến không cần thiết cho người dân hưởng bảo hiểm y tế.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nhận xét rằng Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi là một dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mọi người. Do đó, việc nghiên cứu và đánh giá dự án luật phải được thực hiện một cách kỹ càng, toàn diện và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta.

Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, nhằm khắc phục những hạn chế của luật hiện hành, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi các đơn vị và chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự án Luật. Dự kiến, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5/2024.

Hiện nay, bảo hiểm y tế đã có những bước tiến rõ rệt. Theo số liệu của Bộ Y tế, đến tháng 12/2022, cả nước có hơn 91 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số. Ngoài ra, lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở cũng đã tăng lên hơn 70%. Mục tiêu của Bộ Y tế là đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 95% dân số vào năm 2025.

Từ 1/7/2023, thay đổi mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình

Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1.800.000 đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, mức đóng và chế độ BHYT cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định mới.

Tăng chi phí khám chữa bệnh 1 lần được chi trả 100%

Hiện nay, chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đồng) thì người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán 100% chi phí.

Như vậy, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức chi phí cho 1 lần khám bệnh nêu trên sẽ thay đổi thành 270.000 đồng.

Nếu chi phí cho một lần khám chữa bệnh của người bệnh thấp hơn 270.000 đồng thì được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí.

Như vậy, mức chi phí này tăng 46.500 đồng so với trước ngày 1/7/2023.

Thay đổi mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình

Mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, như sau:

Người thứ nhất: 4,5% mức lương cơ sở;

Người thứ hai: 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở).

Người thứ ba: 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở).

Người thứ tư: 50% mức đóng của người thứ nhất (2,25% mức lương cơ sở).

Người thứ năm trở đi: 40% mức đóng của người thứ nhất (1,8% mức lương cơ sở).

Từ 1/7/2023, khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình, như sau:

Người thứ nhất: 81.000 đồng/tháng; 972.000 đồng/năm (trước 1/7: 67.050 đồng/tháng; 804.600 đồng/năm).

Người thứ hai: 56.700 đồng/tháng; 680.400 đồng/năm (trước 1/7: 46.935 đồng/tháng; 563.220 đồng/năm).

Người thứ ba: 48.600 đồng/tháng; 583.200 đồng/năm (trước 1/7: 40.230 đồng/tháng; 482.760 đồng/năm).

Người thứ tư: 40.500 đồng/tháng; 486.000 đồng/năm (trước 1/7: 33.525 đồng/tháng; 402.300 đồng/năm).

Người thứ năm trở đi: 32.400 đồng/tháng; 388.800 đồng/năm (trước 1/7: 26.820 đồng/tháng; 321.480 đồng/năm).