Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Công ty Mỹ Hạnh lừa đảo kêu gọi đầu tư trồng Sâm Ngọc Linh

Hồng Ngọc
18:37 - 10/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh đã đưa thông tin không đúng sự thật về việc đầu tư trồng Sâm Ngọc Linh, huy động vốn của nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 1.264 tỷ đồng.

Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Công ty Mỹ Hạnh vì lừa đảo kêu gọi đầu tư trồng Sâm Ngọc Linh - Ảnh 1.

Bị can Phạm Mỹ Hạnh. Ảnh: Công an cung cấp

Bà Phạm Mỹ Hạnh lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.264 tỷ đồng

Ngày 10/11, Công an thành phố Hà Nội cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", được quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Sau khi tống đạt các quyết định, Công an quận Cầu Giấy đã tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc của bị can, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật.

Phạm Mỹ Hạnh

Bà Phạm Mỹ Hạnh. Ảnh: MHG

Cơ quan công an xác định, trong thời gian từ khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, có địa chỉ tại số 39 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành lập (ngày 14/8/2017) đến tháng 11/2022, Phạm Mỹ Hạnh (sinh năm 1980, trú tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã có hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về việc Công ty có dự án đầu tư trồng cây Sâm Ngọc Linh tại một số tỉnh trên cả nước, mang lại lợi nhuận cao.

Thông qua “dự án” này, Phạm Mỹ Hạnh đã huy động vốn của nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 1.264 tỷ đồng.

Để các nhà đầu tư tin tưởng, Hạnh đã sử dụng một phần tiền huy động được để trả lãi cho họ, song thực chất, đó chỉ là chiêu trò “mỡ nó rán nó". Số tiền Hạnh chiếm đoạt của các nhà đầu tư được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Cầu Giấy xác định là đặc biệt lớn.

Hành vi của Phạm Mỹ Hạnh có đủ yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhiều người dân tố giác, đòi quyền lợi vì góp vốn đầu tư vào dự án của bà Phạm Mỹ Hạnh

Trước đó, báo chí đã đưa tin phản ánh nhiều người dân kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi góp vốn đầu tư vào dự án trồng Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum của công ty này.

Thậm chí, một số người dân còn viết đơn tố giác gửi Công an quận Cầu Giấy vào cuộc điều tra làm rõ về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua quảng cáo, giới thiệu đang đầu tư dự án trồng cây Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, sau đó huy động người dân góp vốn.

Phạm Mỹ Hạnh

Thông báo dán trước cửa trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Công an quận Cầu Giấy đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông (Kon Tum) đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thủ tục pháp lý, hoạt động trồng, sản xuất các sản phẩm Sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, cũng như của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Thị Mỹ Hạnh là người đại diện.

Trong công văn trả lời của Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông khẳng định hiện nay, việc trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ thực hiện tại các xã được cấp chỉ dẫn địa lý thuộc 2 huyện là Tu Mơ Rông và Đăk Glei.

Tại huyện Kon Plông chưa triển khai trồng Sâm Ngọc Linh và Dự án Nông trại hữu cơ Tuyết Sơn của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Thị Mỹ Hạnh là người đại diện không có nội dung đầu tư trồng Sâm Ngọc Linh.

Bà Phạm Mỹ Hạnh từng được báo chí ca ngợi về thành công trong kinh doanh và các hoạt động thiện nguyện.

Theo đó, khởi nghiệp với vai trò đại lý phân phối sim điện thoại, hàng điện tử, máy văn phòng..., sau đó, bà Phạm Mỹ Hạnh đã mở rộng kinh doanh và liên tục thành công trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh viễn thông, thiết bị chống cháy…

Năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh chính thức ra đời với 5 lĩnh vực hoạt động chính: cung cấp sản phẩm và dịch vụ viễn thông; nghiên cứu, trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; sản xuất và phân phối sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; đầu tư và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng sinh thái; spa Dược liệu sâm.

Theo thông tin trên báo chí năm 2021, thương hiệu Sâm Ngọc Linh MHG của bà đã phát triển mạnh mẽ, doanh thu năm sau cao hơn năm trước từ 100% đến 300%. Sau 3 năm hoạt động, MHG đã mở rộng mạng lưới cửa hàng, đại lý trên khắp đất nước, với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm ổn định, thu nhập tốt cho hàng trăm lao động. MHG đã thành công trong việc đầu tư Dự án vùng nguyên liệu tại Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam); Măng Cành (tỉnh Kon Tum), Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng)…


Nguồn: TTXVN, Hànộimới