Khi đi du học mà giống như... "xuất khẩu lao động"

An Khánh
17:10 - 28/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Liệu cuộc sống của một du học sinh tại Melbourne (Úc) có màu hồng như chúng ta đã tưởng tượng?

Du học Úc: Đi du học hay xuất khẩu lao động? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa, nguồn: amec.com.vn

Melbourne được biết đến là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, đồng thời được xếp vào top thành phố tốt nhất cho du học sinh. Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động ngoài trời, sự kiện nhạc sống quanh năm, nền văn hóa ẩm thực đa dạng, nghệ thuật đường phố vang danh thế giới và những quán bar nhộn nhịp náu mình trong những hẻm nhỏ len lỏi khắp thành phố. Với những đặc điểm trên, thành phố này đích thị là một giấc mơ của các bạn du học sinh quốc tế. 

Thế nhưng, liệu cuộc sống của một du học sinh tại Melbourne có màu hồng như chúng ta đã tưởng tượng?

Bạn Tuấn, sinh năm 1998, hiện đang là du học sinh vừa tốt nghiệp trường đại học V thuộc Melbourne - một trong những thành phố đáng sống nhất trên thế giới.

Câu chuyện của Tuấn bắt đầu khi bạn chuẩn bị thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Vào thời điểm ấy, ngoại ngữ là thế mạnh của Tuấn, nhưng để xét tuyển được vào những trường đại học top đầu tại Việt Nam thì chỉ ngoại ngữ thôi là chưa đủ, thế là Tuấn quyết định săn tìm các học bổng tại Úc. 

Lúc đó Tuấn và gia đình đều nghĩ rằng giáo dục ở Úc tiến bộ hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Nếu đến Úc, cánh cửa tương lai sẽ rộng mở hơn. Và may mắn thay, Tuấn đã trúng học bổng năm đầu của đại học V-một ngôi trường danh giá tại Melbourne. Không chần chừ, Tuấn xác nhận nhập học ngay.

Khi mới sang đây, bố mẹ Tuấn đồng ý sẽ chi trả tiền học phí và nhà ở. Nhưng còn sinh hoạt phí thì Tuấn phải tự lo. Thế nên, Tuấn phải đi tìm việc làm thêm để có tiền sinh hoạt. Không giống một số gia đình sẽ chu cấp toàn bộ để con cái đi du học, gia đình Tuấn chỉ thuộc diện trung bình-khá, không quá giàu có để có thể làm vậy. Quyết định đi du học là Tuấn đã chấp nhận sẽ phải cố gắng thật nhiều ở nơi đất khách quê người.

Vì áp lực phải tìm được việc làm ngay lập tức nên Tuấn đã đi rải CV khắp thành phố. Và một thời gian ngắn sau, đã có một nhà hàng Thái ở gần trung tâm thành phố gọi Tuấn đến. Tuấn được nhận vị trí làm nhân viên phục vụ. Tuấn thú thật là khi ấy, công việc như thế nào thì cũng nhận thôi. Nhà hàng trả khoảng 15 đô một giờ - dưới mức lương tối thiểu quy định. Nhưng Tuấn vẫn nhận. 

Khi đó Tuấn không có bất kì mối quan hệ nào cả, không có bạn bè, không người thân thích, chỉ có một mình tự lực mà cố gắng. Ngoại trừ lúc đi học, Tuấn chỉ làm việc mà thôi. Một tuần có khi Tuấn làm khoảng 60 tiếng, trong khi giờ học trên lớp chỉ có 9 tiếng một tuần. Vậy nên Tuấn hay tự đùa là, không hiểu đang đi học hay đi "xuất khẩu lao động" nữa!

Tuấn chia sẻ, thời điểm ban đầu thì nhìn đâu cũng là khó khăn cả. Nhưng áp lực lớn nhất có lẽ là việc phải cân bằng thời gian giữa học và làm. Làm thế nào để vừa hoàn thành đủ các deadline trên trường, vừa đi làm việc toàn thời gian, và sắp xếp thời gian ăn ngủ nghỉ như thế nào cho thật hợp lí. 

Lên những năm học tiếp theo, vì không thể duy trì học bổng nên Tuấn phải đóng học phí toàn phần. Không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ nên Tuấn đã làm thêm tới 2-3 công việc để chi trả tiền học phí và các khoản tiền khác. Tuấn ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng để đi học và trở về nhà lúc 12 giờ đêm sau khi kết thúc ca làm cuối. Điều đó diễn ra suốt những năm Tuấn học đại học, ngày qua ngày. Nên đôi lúc, Tuấn cảm thấy quá tải và tủi thân.

Sang bên đó, quen biết nhiều người thì Tuấn mới biết bản thân vẫn còn may mắn khi có được cơ hội học tập tại một ngôi trường danh giá, được sống trong một thành phố đẹp như tranh như thế này. Dù là khó khăn thật đấy, nhưng nghĩ đến cơ hội việc làm và tương lai tươi sáng sau khi ra trường, Tuấn lại có động lực để cố gắng. 

Đúng là có những phút giây yếu lòng Tuấn từng muốn buông bỏ hết tất cả để về Việt Nam, nhưng chỉ cần tự nhủ gắng chịu nốt ba năm học này, mọi thứ sẽ dễ thở hơn. Và hiện tại Tuấn vừa kết thúc chương trình học đại học, mọi chuyện đúng là dễ dàng hơn thật. Tuấn có thể chuyên tâm vào làm việc trong lúc chờ nộp đơn ứng tuyển vào các công ty lớn. Cơ hội đang ở ngay trước mắt, và Tuấn thấy mình đã tiến đến nó rất gần rồi.

Về lời khuyên cho những bạn trẻ đã, đang và sắp trở thành một du học sinh giống như Tuấn, bạn chia sẻ rằng, dù là ở Việt Nam hay là một du học sinh thì cũng sẽ phải trải qua những khó khăn thôi. Hãy đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, đó cũng là cách giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả, hoàn thành công việc học tập, cân bằng cuộc sống. Đối với những bạn đang phân vân không biết nên đi du học hay không, hãy tìm hiểu thật kĩ chương trình học, văn hóa cũng như chi phí học tập và sinh hoạt tại quốc gia đó trước khi đưa ra quyết định nhé. Trải qua những khó khăn rồi, bạn sẽ thấy bản thân mình mạnh mẽ và trưởng thành hơn rất nhiều đấy.

Đi du học có thể đem lại những lợi ích nhất định, nhưng bên cạnh đó, còn vô vàn những khó khăn khi du học mà sinh viên đa số đều gặp phải. Gánh nặng về tài chính cũng là một trong số đó. Để những bất lợi của việc du học không khiến bạn phải hối hận sau này, hãy tìm hiểu và cân nhắc thật kĩ trước khi đưa ra một quyết định quan trọng trong đời nhé!