Du học Mỹ - những điều cần biết
Với số lượng "khủng" các trường đại học, bạn cần biết những gì và nên bắt đầu từ đâu khi quyết định chọn nước Mỹ làm điểm đến du học.
Tại Mỹ có tới hơn 4.000 trường đại học, cao đẳng, học viện, trong đó có rất nhiều đại học nằm trong bảng xếp hạng những ngôi trường danh giá nhất trên thế giới. Điều này khiến cho Mỹ trở thành một trong những điểm đến du học hấp dẫn nhất đối với các sinh viên quốc tế.
Số lượng lớn các trường đại học, danh tiếng của trường, địa điểm, học phí, yêu cầu nhập học, học bổng, khiến nhiều bạn học sinh không thể tránh khỏi cảm giác bị "choáng ngợp".
Vậy bạn cần biết những gì và nên bắt đầu từ đâu khi đã quyết định chọn nước Mỹ làm điểm đến du học?
Tại Mỹ có những loại trường đại học nào?
Mỹ có rất nhiều loại hình tổ chức giáo dục, các trường đại học, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của nhiều sinh viên. Các bạn có thể cân nhắc tìm hiểu hai mô hình đại học chính.
Thứ nhất là National University, thường có quy mô lớn, với những giảng viên hàng đầu, đào tạo cả bậc đại học và sau đại học, trong đó, top các trường đại học danh giá nhất - Ivy League bao gồm Đại học Harvard, Brown, Cornell, Yale, Princeton và Pennsylvania. Chỉ trong năm ngoái, tám trường đại học này đã có tới hơn 300.000 lượt sinh viên đăng ký.
Thứ hai là mô hình Liberal Art College, có quy mô nhỏ hơn và thường chỉ có bậc đào tạo đại học. Một điều cần lưu ý ở đây đó là tại Mỹ, đại học và cao đẳng có ý nghĩa tương đương nhau, chứ không phân chia trình độ rõ ràng như tại Việt Nam.
Tại mỗi tiểu bang có ít nhất một trường cao đẳng công lập với mức học phí thấp hơn. Các trường này cũng theo đuổi những giá trị, mục tiêu, phong cách giảng dạy và có chất lượng, cũng như chi phí khác nhau. Bạn có thể tham khảo về từng tiêu chí cũng như xếp hạng của các trường trên bảng xếp hạng Times Higher Education College để có cái nhìn tổng quát hơn.
Về các hoạt động ngoại khóa, bạn hãy yên tâm khi đã lựa chọn nước Mỹ. Hầu như tất cả các trường, dù lớn hay nhỏ, đều có các hội sinh viên, câu lạc bộ, các đội thể thao để các bạn thỏa sức lựa chọn.
Phải ứng tuyển như thế nào?
Mỹ là một trong những quốc gia khắt khe nhất trên thế giới khi xét đến các tiêu chí ứng tuyển đại học. Các trường sẽ cân nhắc thành tích học tập của bạn trong giai đoạn trung học phổ thông, chứng chỉ tiếng Anh, các hoạt động ngoại khoá, vai trò của bạn trong những hội nhóm, câu lạc bộ, và thậm chí là cá tính của bạn.
Tất cả sẽ được thể hiện đầy đủ thông qua bộ hồ sơ ứng tuyển bao gồm đơn đăng ký, bài luận cá nhân, thư giới thiệu, thành tích học tập và hoạt động, kết quả các bài thi chuẩn hóa, chứng minh tài chính. Ngoài ra, một số trường đại học tại Mỹ sẽ yêu cầu bạn phải có các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS hay TOEFL. Mỗi trường sẽ có yêu cầu khác nhau về mức điểm tối thiểu.
Khi ứng tuyển các trường đại học, bạn có thể cân nhắc nhiều hình thức nộp hồ sơ khác nhau, với thời hạn cũng như tính ràng buộc khác nhau. Ví dụ như đợt tuyển sinh Early Decision thường có hạn đăng ký vào tháng 11 hoặc 12, hay Early Action lại có thời hạn muộn hơn, vào khoảng giữa tháng 12, nhưng không phải trường nào cũng có đợt tuyển sinh này.
Bạn có thể đăng ký thông qua cổng Common App, nơi tập trung tới hơn 900 trường đại học tại Mỹ. Nói cách khác, bạn có thể sử dụng một tài khoản trên nền tảng này để đăng ký vào nhiều trường đại học, cao đẳng tại Mỹ. Common App thường sẽ mở đơn đăng ký vào khoảng đầu tháng 8 hàng năm.
Chi phí du học tại Mỹ ra sao?
Tại Mỹ có vô cùng nhiều trường đại học để lựa chọn, đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một ngôi trường với mức giá phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Các trường đại học tư, bao gồm cả những ngôi trường có tiếng như Yale hay Stanford... thường sẽ có học phí cao hơn trường công.
Thông thường, mức học phí tại Mỹ sẽ vào khoảng 5.000 - 50.000 USD mỗi năm. Con số thoạt nghe tuy khá lớn, nhưng trong suốt năm học, nhà trường cũng có rất nhiều hình thức hỗ trợ về tài chính cho bạn, từ học bổng, cho tới các hỗ trợ việc làm trong trường. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc các loại học bổng chính phủ như Chương trình Fullbright dành cho sinh viên quốc tế hay là chương trình học bổng Hubert Humprey.
Việc lựa chọn nhà ở cũng sẽ giúp bạn cân đối khoản sinh hoạt phí khi theo học tại Mỹ. Bạn có thể chọn ở trong khu ký túc xá của trường, hay thuê phòng bên ngoài cùng với 1 vài người bạn của mình. Các bạn cũng nên học cách lập kế hoạch chi tiêu hợp lý để tránh trường hợp "no dồn đói góp".
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp thế nào?
Nếu bạn muốn ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp, bạn cũng có khá nhiều lựa chọn để cân nhắc. Ví dụ như chương trình thực tập OPT cho phép sinh viên quốc tế có visa F-1 ở lại Mỹ nếu họ được tuyển dụng làm việc trong lĩnh vực thuộc ngành học của mình. Chương trình cho phép bạn làm việc tổng cộng trong 12 tháng. Những sinh viên theo học các ngành nghề như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học có thể làm việc theo chương trình này trong 24 tháng. Nên nhớ rằng đây cũng chính là những môn học phổ biến nhất đối với sinh viên quốc tế tại Mỹ.
Trong khoảng thời gian theo học tại đây, hãy cố gắng kết bạn, mở rộng mạng lưới tương tác, tìm hiểu và đăng ký tham gia các chương trình thực tập, dù có lương hay không lương. Ngoài ra, xin làm việc ngay tại ngôi trường nơi mình đang theo học cũng là một lựa chọn không tồi. Tất cả những kinh nghiệm này chắc chắn sẽ giúp bạn nâng cao khả năng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google