Kháng cáo thất bại, Google nhận án phạt hơn 4 tỉ USD của EU

PV
13:15 - 15/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tòa án sơ thẩm châu Âu nhất trí với quyết định của Ủy ban châu Âu về cáo buộc Google có hành vi vi phạm chống độc quyền. Google đã bày tỏ thất vọng trước phán quyết này.

Công ty Google thuộc Tập đoàn Alphabet tiếp tục nhận thất bại thứ hai trong vòng chưa đầy 1 năm trong vụ kháng án mức phạt hơn 4 tỉ euro liên quan đến vụ kiện chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU).

Trong phán quyết đưa ra ngày 14/9, Tòa án sơ thẩm châu Âu nhất trí với quyết định của Ủy ban châu Âu về cáo buộc Google áp đặt những hạn chế bất hợp pháp đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh Android và các nhà điều hành mạng di động nhằm củng cố vị trí thống trị của công cụ tìm kiếm của hãng này.

Kháng cáo thất bại, Google nhận án phạt hơn 4 tỉ USD của EU - Ảnh 1.

Biểu tượng Google tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là khoản phạt kỷ lục đối với một vi phạm chống độc quyền. Tuy nhiên, Tòa án sơ thẩm châu Âu đồng ý giảm 5% mức phạt mà EU đưa ra đối với Google, từ 4,34 tỉ euro (4,3 tỉ USD) xuống còn 4,125 tỉ euro, do bất đồng một điểm trong vụ kiện này.

Google đã bày tỏ thất vọng trước phán quyết mới của tòa án. Google khẳng định hệ điều hành Android mang lại nhiều cơ hội hơn cho mọi người, đồng thời hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp tại châu Âu cũng như thế giới.

Phán quyết trên được xem là thắng lợi của Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager sau những thất bại của các nhà quản lý chống độc quyền châu Âu trong các vụ kiện tương tự chống lại các "gã khổng lồ" công nghệ khác trong năm nay như Intel hay Qualcomm.

Hồi năm 2018, EC đã đưa ra cáo buộc Google tìm cách khiến các nhà sản xuất điện thoại phải cài sẵn trình duyệt Chrome và Google Search thì mới được quyền truy cập kho ứng dụng Play Store.

Tuy nhiên, Google cho rằng chính sách của hãng cũng giống như nhiều các doanh nghiệp khác và những khoản chi trả hay thỏa thuận trên nhằm duy trì Android như một hệ điều hành tự do.

Google cho rằng những cáo buộc của EU là lạc hậu trong thực trạng kinh tế của các nền tảng phần mềm di động.

Cả EU và Google có thể đệ đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao nhất của EU là Tòa án Công lý châu Âu.

Vụ kiện hệ điều hành Android của Google chỉ là một trong 3 vụ kiện lớn về chống độc quyền mà hãng công nghệ của Mỹ này đang đối mặt.

Việc EU "sờ gáy" các hãng công nghệ lớn đã khiến nhiều nhà quản lý trên thế giới bắt đầu có động thái tương tự, trong đó Google cũng vướng vào nhiều vụ kiện với cáo buộc tương tự tại Mỹ và một số nước châu Á.

Năm ngoái, Hàn Quốc đã quyết định phạt Google gần 180 triệu USD vì lạm dụng vị trí thống trị trong các hệ điều hành di động và kho ứng dụng, đồng thời cho rằng điều này cản trở sự cạnh tranh trên thị trường.

Tiếp tục đối mặt với khoản phạt 25,4 tỉ USD tại Anh và Hà Lan

Trong một thập kỷ qua, Google đã phải chịu nhiều mức phạt của EU liên quan đến các hoạt động cạnh tranh không công bằng và cáo buộc độc quyền trước các đối thủ nhỏ hơn tại châu Âu.

Mới đây, công nghệ quảng cáo (adtech) của Google rơi vào tầm ngắm giám sát của các cơ quan quản lý chống độc quyền của Anh và Hà Lan sau khi nhận được những lời phàn nàn từ phía những nhà xuất bản. Gã khổng lồ tìm kiếm của Mỹ sẽ đối mặt với yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 25 tỉ USD liên quan đến hoạt động quảng cáo kỹ thuật số.

Năm ngoái, công ty này cũng nhận án phạt 220 triệu Euro từ cơ quan giám sát cạnh tranh của Pháp. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu và cơ quan chức năng tại Vương quốc Anh đang điều tra xem liệu adtech của gã khổng lồ công nghệ có tạo ra lợi thế không công bằng với các đối thủ và nhà quảng cáo hay không.

Đơn kiện tại Anh sẽ yêu cầu bồi thường cho tất cả chủ sở hữu của các website có banner quảng cáo, gồm cả những nhà xuất bản truyền thống. Trong khi đó, tại Hà Lan, bị hại được xác định là những nhà xuất bản bị ảnh hưởng bởi hoạt động của Google.

Đáp lại, Google cho rằng “các vụ kiện mang tính cơ hội” và công ty này “sẽ đấu tranh mạnh mẽ tới cùng”, đồng thời khẳng định họ luôn hoạt động dựa trên tinh thần xây dựng với các nhà xuất bản trên khắp châu Âu.


Nguồn: tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận