Google và Apple bị điều tra tại Mỹ và EU

Hồng Ngọc
16:31 - 05/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

EU cáo buộc hành vi độc quyền của Google và Apple trên Play Store. Trong khi đó, Google và Apple cũng bị điều tra vì dung túng ứng dụng tiền điện tử tại Mỹ.

EU: Google có hành vi độc quyền trên Play Store

Cơ quan chống độc quyền Liên minh châu Âu (EU) đã gửi phiếu khảo sát đến các nhà phát triển ứng dụng đề đánh giá về chính sách thanh toán của hãng công nghệ Google thuộc Tập đoàn Alphabet vốn đang bị chỉ trích là có hành vi độc quyền.

Google và Apple bị chỉ trích về việc thu phí đắt đỏ với các nhà phát triển ứng dụng muốn đưa sản phẩm của mình vào các cửa hàng ứng dụng của 2 hãng này, với tổng mức phí thu về lên đến hàng tỉ USD mỗi năm.

Giới chức EU đang xác định liệu hoạt động kinh doanh của các nhà phát triển ứng dụng có bị ảnh hưởng hay không khi Google dọa sẽ dỡ các ứng dụng đăng trên cửa hàng Play Store nếu không sử dụng hệ thống thanh toán riêng của hãng này mà lựa chọn các phương thức thanh toán khác.

Google và Apple bị điều tra tại Mỹ và EU - Ảnh 1.

EU cáo buộc Google và Apple có hành vi độc quyền trên Play Store. Ảnh chụp màn hình

Hiện Ủy ban châu Âu (EC) và Google đều chưa có bình luận chính thức về thông tin này. Google từng thông báo sẽ dừng giới thiệu các ứng dụng trên cửa hàng Play Store từ tháng 6/2022 nếu các nhà phát triển ứng dụng không sử dụng hệ thống thanh toán riêng của hãng này.

Các nhà phát triển ứng dụng tham gia khảo sát được hỏi về việc liệu Google điều chỉnh chính sách trong năm 2022 có ảnh hưởng đến hoạt động phân phối sản phẩm và dịch vụ của các nhà phát triển trên cửa hàng Play Store hay không, ứng dụng nào bị ảnh hưởng và có ảnh hưởng như thế nào tới khả năng tìm kiếm thêm khách hàng của các nhà phát triển này trên các dịch vụ Android.

Nhà chức trách muốn biết liệu những thay đổi trên có khiến các nhà phát triển phải từ bỏ những lựa chọn thanh toán khác để sử dụng phương thức thanh toán riêng của Google hay không và liệu việc buộc người dùng phải lựa chọn phương thức thanh toán khác có làm giảm số lượng người dùng hay không. Ngoài ra, các nhà phát triển cũng được hỏi về khả năng họ sẽ có dịch vụ hoặc sản phẩm tốt hơn nếu được lựa chọn phương thức thanh toán khác.

Trong một thập kỷ qua, Google đã phải chịu nhiều mức phạt của EU liên quan đến các hoạt động cạnh tranh không công bằng và cáo buộc độc quyền trước các đối thủ nhỏ hơn tại châu Âu với tổng mức phạt lên tới hơn 8 tỷ euro (8,19 tỷ USD).

Từ ngày 19/7/2022, Google bắt đầu cho phép các nhà phát triển ứng dụng không phải là trò chơi điện tử sử dụng các hệ thống thanh toán của các đối thủ với mức phí 12%, thấp hơn mức 15% mà hệ thống thanh toán của Google áp dụng. Động thái này của Google nhằm đáp ứng các quy định mới về công nghệ của EU sẽ có hiệu lực từ năm tới và bày tỏ thiện chí khi liên tục vướng vào các vụ rắc rối liên quan đến chống độc quyền.

Mỹ cáo buộc Apple và Google dung túng ứng dụng tiền điện tử 

Mỹ đang yêu cầu Apple và Google giải trình việc xét duyệt các ứng dụng tiền điện tử trên kho ứng dụng của mình.

Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị của Thượng viện Mỹ đã yêu cầu Apple và Google giải thích về việc xem xét và phê duyệt các ứng dụng ví và giao dịch tiền điện tử trên các cửa hàng ứng dụng của họ.

Google và Apple bị điều tra tại Mỹ và EU - Ảnh 3.

Apple và Google phải giải trình việc xét duyệt các ứng dụng tiền điện tử trên kho ứng dụng của mình tại Mỹ. Ảnh chụp màn hình

Cuộc điều tra của cơ quan này dựa vào báo cáo từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), thống kê trong 1 năm, có đến 244 nhà đầu tư bị lừa với số tiền 42,7 triệu USD từ các ứng dụng tiền điện tử tự xưng là nền tảng đáng tin cậy.

Đầu tháng 7/2022, một số cơ quan thực thi pháp luật liên bang, bao gồm FBI và Bộ Tư pháp đã bắt đầu các hành động pháp lý chống lại những tổ chức lừa đảo bị cáo buộc ăn cắp hàng tỉ USD từ người tiêu dùng. Ngay cả khi Bitcoin và các loại tiền điện tử khác giảm giá, sự phổ biến của các chiêu trò gian lận vẫn tiếp tục gia tăng.

Cuộc điều tra của cơ quan này dựa vào báo cáo mới đây từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), thống kê trong 1 năm, có đến 244 nhà đầu tư bị lừa với số tiền 42,7 triệu USD từ các ứng dụng tiền điện tử tự xưng là nền tảng đáng tin cậy.

Đầu tháng 7/2022, một số cơ quan thực thi pháp luật liên bang, bao gồm FBI và Bộ Tư pháp đã bắt đầu các hành động pháp lý chống lại những tổ chức lừa đảo bị cáo buộc ăn cắp hàng tỉ USD từ người tiêu dùng. Ngay cả khi Bitcoin và các loại tiền điện tử khác giảm giá, sự phổ biến của các chiêu trò gian lận vẫn tiếp tục gia tăng.

Apple và Google có thời hạn đến ngày 10/8/2022 để trả lời các yêu cầu của Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị của Thượng viện Mỹ.

Nguồn: tổng hợp