Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

N.Cường
11:06 - 13/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Nghiêm túc triển khai thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nội dung công điện nêu rõ, để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình; tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp Nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền. Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các đoàn công tác để theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên trang website lấy ý kiến Nhân dân; tiến độ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân của các Bộ, ngành và địa phương; tập trung mọi nguồn lực để tổ chức việc lấy ý kiến Nhân dân, giải trình tiếp thu ý kiến của Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảm đảm chất lượng, thời gian trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ nói trên.

Nội dung lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: Bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh đó, lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) phát triển quỹ đất; (4) giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) hộ gia đình sử dụng đất.

Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của Quốc hội khóa XV

Theo Cổng TTĐT Quốc hội, nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng bậc nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng trước thực tế tiến độ triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân rất chậm, đề nghị Ủy ban có văn bản để đôn đốc Chính phủ bảo đảm tiến độ theo kế hoạch tại Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, chọn lọc nội dung để tổ chức các cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm, làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để lấy thêm ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, từ đó có phương án hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp. Chủ động đôn đốc, yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tham gia ý kiến sâu về các nội dung đã được phân công như tài chính đất đai, giao đất, cho thuê đất…

Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng bậc nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm, có nhiều vấn đề khó, phức tạp, một số nội dung được chỉ ra là bất cập, hạn chế nhưng chưa có phương án sửa đổi đích đáng. Trong khi đó, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm, các nhóm nội dung lấy ý kiến Nhân dân còn rộng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong năm 2023, Ủy ban Kinh tế dành ưu tiên cao nhất, xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực cho việc thẩm tra và giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong quá trình thẩm tra tới đây cần phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan của Quốc hội, có sự phân công, điều hòa với các nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, các nội dung cần tập trung thảo luận để các cơ quan của Quốc hội cùng tham gia theo phạm vi lĩnh vực phụ trách.

Ngay sau buổi làm việc, trên cơ sở kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã có văn bản số 1582/UBKT15 ngày 8/2/2023 gửi Văn phòng Chính phủ về việc thúc đẩy tiến độ triển khai, tổ chức công tác lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Văn bản nêu rõ, để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân trong hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ cơ quan, tổ chức chậm, chưa triển khai, việc triển khai mới dừng ở ban hành kế hoạch; đồng thời có chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan hữu quan khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật, nhất là những vấn đề cần tập trung trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc; sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã ký ban hành văn bản số 1582/UBKT15 ngày 8/2/2023 về việc thúc đẩy tiến độ triển khai, tổ chức công tác lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bình luận của bạn

Bình luận