Khai mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

N.Cường
09:54 - 13/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 13/2, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung Phiên họp.

Quốc hội xem xét, quyết định 7 nhóm nội dung

Theo Cổng TTĐT Quốc hội, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngày 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thường kỳ tháng 2/2023, diễn ra trong 3 ngày với các nội dung lớn, quan trọng: Cho ý kiến việc tiếp thu chỉnh lý 3 dự án luật: dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) – đây là những dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan nghiên cứu, cho ý kiến để dự án luật này có nội dung càng chi tiết thì càng tốt, khắc phục tối đa luật khung, luật ống.

Khai mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban thường vụ Quốc hội - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được ban hành rất lâu và có nhiều yếu tố mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những nội dung tiếp thu, nội dung tiếp tục giải trình ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua; có cần thiết tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, quyết định 7 nhóm nội dung theo thẩm quyền:

Xem xét thông qua dự thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Xem xét, cho ý kiến 3 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết vè hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội; nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và Ban Thư ký; nghị quyết quy định chi tiết một số điều Bộ luật thi đua, khen thưởng.

Xem xét, cho ý kiến dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Kỳ họp bất thường lần thứ ba.

Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo thẩm quyền.

Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023.

Thời gian diễn ra Phiên họp chỉ có 3 ngày nhưng nội dung rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan hữu quan bố trí, sắp xếp thời gian họp theo quy định để kỳ họp có chất lượng cao nhất, mở đầu cho năm Quý Mão "đại cát vạn sự thành".

Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Theo chương trình, tại phiên họp họp sáng nay 13/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội "xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước" và "xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2)".

Báo cáo (tóm tắt) về Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Bằng quy định tại các luật, Quốc hội đã cho phép Kiểm toán nhà nước được thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Về cơ sở thực tiễn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trải qua gần 30 năm hoạt động, thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kiểm toán nhà nước, tính nghiêm minh của Luật kiểm toán nhà nước.

Khai mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban thường vụ Quốc hội - Ảnh 3.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo (tóm tắt) về Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Về tính đặc thù trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, việc phân định hành vi vi phạm nào là hành vi phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan nhà nước để từ đó loại trừ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn là điều quan trọng và cần thiết.

Ngày 10/1/2023, Ủy ban Pháp luật đã gửi dự thảo Pháp lệnh lấy ý kiến của Viện Nghiên cứu lập pháp. Sau khi Viện nghiên cứu lập pháp có ý kiến về dự thảo Pháp lệnh, Ủy ban Pháp luật, kiểm toán nhà nước và các cơ quan có liên quan đã nghiên cứu và thống nhất về các nội dung tiếp thu, giải trình (cuộc họp ngày 31/1/2023).

Đến nay, dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua đã được các cơ quan thống nhất cao về bố cục và nội dung.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, mục đích của việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho rằng, đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước nên chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh.

Đến nay, dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua đã được các cơ quan thống nhất cao về bố cục và nội dung.

Về bố cục, Dự thảo Pháp lệnh sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 5 chương, 21 điều. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, so với dự thảo mà Uỷ ban Pháp luật đã thẩm tra ngày 22/12/2022 thì tăng thêm 4 điều; đồng thời kiểm toán nhà nước đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, chỉnh sửa, thống nhất cao các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng đề cập một số nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh như về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; về khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.