'Dĩ độc trị độc' là một giải pháp cho bạo lực học đường?
Thạc sĩ Triệu Nguyễn Huyền Trang (Truyền thông số và Xuất bản – INFOCOM, Hà Nội) cho rằng, khi đối diện với kẻ bắt nạt, hãy rao giảng đạo đức và khuyên nhủ sau, trước hết phải tạo ra nỗi sợ đủ lớn để chặn đứng cái ác.
Chia sẻ về bạo lực học đường gây nhức nhối xã hội, thạc sĩ Triệu Nguyễn Huyền Trang cho biết, chị cũng bị bắt nạt ngày còn đi học, từng là nạn nhân trong khoảng một tuần. Chị đã kể lại chuyện của chính bản thân mình và dẫn lại quan điểm phụ huynh - bố của chị phát biểu về vấn nạn này.
Năm 9 tuổi, trở thành nạn nhân của bạo lực học đường vì đeo kính và bố mẹ ly hôn
Thạc sĩ Triệu Nguyễn Huyền Trang cho rằng, sự khác biệt là một trong những lý do phổ biến dẫn đến bắt nạt cả thể chất lẫn tinh thần.
Huyền Trang kể: Chị học lớp chọn với những cô cậu con nhà có điều kiện và chị chẳng giống ai khi mắt đeo kính cận dày cộp lại còn không có mẹ.
"Trêu nó đi! Nhìn ngố lắm!". "Đánh cho một trận xem có biết khóc không?".
Cô giáo không gay gắt lắm, cô là người quen của gia đình bạn nam hay trêu tôi nhất. Đỉnh điểm, em trai vừa vào lớp Một lên đợi chị tan học. Hai chị em tôi bị đánh hội đồng và bị nhốt trong phòng học 30 phút. Tôi có đánh lại mà không nổi!", Huyền Trang nhớ lại lần bị các bạn đánh đập.
Huyền trang kể tiếp: "Sau đó, bố tôi lên làm om sòm tại phòng hiệu trưởng còn bà nội vào tận lớp để yêu cầu cô chủ nhiệm phải chuyển chỗ ngay lập tức. Bố tôi cao lớn, việc con gái bị đánh đập khiến ông cao giọng và trở nên hung dữ. Vẻ mặt ông lúc đó ai nhìn cũng lạnh sống lưng.
Việc trêu chọc và bắt nạt chấm dứt sau một tuần vì "không một ai dám dây vào con anh P (tên bố tôi) nữa. Tôi biết rằng mặc dù cư xử như thế không được nhẹ nhàng, đúng mực và lành mạnh cho lắm nhưng hai chị em tôi an toàn. Sau này, khi sự khác biệt được dung hoà, tôi còn học chung đội tuyển và chơi khá thân với những kẻ ngốc nghếch từng đánh mình bùm bụp".
Năm 13 tuổi, bị bắt nạt vì làm lớp trưởng
Huyền Trang cho biết, lên cấp 2, chị bất đắc dĩ học tiếp ở trường làng vì gia đình không có điều kiện. Lúc này, khái niệm lớp chọn không còn, tập thể luôn có những thành phần bất trị.
Tuổi dậy thì đến cũng là lúc sự đổ đốn vượt tầm, không chỉ học kém mà còn vô tổ chức, hống hách và ăn chơi đàn đúm. Chúng trấn lột tiền, chặn đầu xe, đánh nhau…
Đau lòng thay, tới cấp học này, thầy cô giáo cũng bị chúng đe doạ. Chính cô giáo dạy Toán còn bị xì hơi xe và trêu chọc.
"Tôi là lớp trưởng, vì không chịu được sự cố gắng của cả tập thể đi tong vì kẻ phá đám nên tôi phạt thật nặng. Kết quả là tôi đến trường mà không dám đi vệ sinh (vì hồi này nhà vệ sinh không có cửa), suốt ngày bị bôi mực lên bàn hoặc bị giấu sách vở. Đỉnh điểm là chiều tan học bị chặn đầu xe, người bạn cá biệt kéo theo anh em xã hội đến doạ đánh. Ghê gớm hơn còn có đứa động chạm vào người tôi", Huyền Trang cho biết lí do cô bị dọa đánh.
Đối mặt với bạo lực, không còn cách nào khác, Huyền Trang chỉ còn biết cầu cứu đến bố: "Bố, phải là bố" - tôi tự nhủ và phóng xe về nhà khi cảm thấy nhà trường không xử lý được nữa. Lúc này bố tôi đang lái xe tải ở một công trường xa nhà 1200km.
Bằng cách nào đó, ngay hôm sau, một ông chú cao lớn lực lưỡng, vẻ mặt dữ tợn chặn đầu xe của bang hội kia. Chú nói bằng giọng ồm ồm, tay cầm điếu thuốc lá: "Đây là cháu tao! Đứa nào dám động vào thì đừng trách!". Ánh mắt và giọng nói đó đủ đáng sợ để khiến nhiều đứa run cầm cập.
Đó là lần cuối cùng Huyền Trang bị bắt nạt. Ông chú dữ dằn ấy là bạn đi bộ đội cùng bố Trang. Sau này, khi đã xuống thành phố học, bố Trang vẫn dặn "nếu ai bắt nạt thì gọi cho bố!".
Bạo lực học đường cần nhiều giải pháp, vấn đề là có giải pháp phù hợp từng tình huống
"Đã 15 năm trôi qua, tôi không còn bị ai bắt nạt nữa. Nhưng mỗi khi thấy bạo lực học đường, tôi hiểu rằng: Bắt nạt kẻ yếu luôn là lựa chọn của những kẻ không thực sự mạnh. Trong xã hội sẽ luôn có kẻ như vậy, khao khát trấn áp người khác vì những thiếu sót trong suy nghĩ và khuyết thiếu tâm hồn. Thời nào cũng có, đất nước nào cũng có. Vì vậy, đừng vội chỉ trích xã hội hay thời đại. Đó là chuyện đi cùng với xã hội loài người, muôn thuở không loại bỏ được", Huyền Trang nhận định về bắt nạt ở chốn học đường.
Để chấm dứt nạn bạo lực học đường, Huyền Trang nêu giải pháp: "Đối tượng nào, biện pháp ấy, vì kẻ đi bắt nạt có độ tuổi và động cơ thúc đẩy rất khác nhau nên không thể áp dụng một giải pháp. Có những lúc chúng ta nên khuyên nhủ để cảm hoá. Những cũng có lúc ta phải tạo ra nỗi sợ hãi lớn hơn để chặn đứng cái ác của đối phương. Luật pháp và nhà tù cũng là một phương pháp áp chế".
Liên quan đến một số vụ việc học sinh tử vong vì bạo lực học đường, Huyền Trang đã chia sẻ quan điểm của người bố cô. Ông đã nói: "Con ạ, dĩ độc trị độc."
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google