Kết quả triển khai Đề án 06 trong tháng 10/2022
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an vừa chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ tháng 10/2022.
Kết quả thực hiện
Về công tác hoàn thiện thể chế, Thông tư quy định kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành dự kiến sẽ ban hành trong tháng 10/2022. Đây là một trong những văn bản ưu tiên cần triển khai để thực hiện Đề án 06.
Về dịch vụ công, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình dịch vụ công Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); hoàn thành xây dựng, kết nối, tích hợp, công bố, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục này trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến đối với dịch vụ công “Xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng năm 2022”. Đã có 616.522 thí sinh đăng ký nguyện vọng với trung bình 5,02 nguyện vọng trên mỗi thí sinh.
Bộ Công an tiếp tục phối hợp, triển khai Kế hoạch thực hiện mô hình điểm dịch vụ công tại các địa phương. Cụ thể:
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả triển khai mô hình thí điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 tại 3 điểm từ ngày 17/8 đến ngày 21/10/2022: quận 12 có 522 hồ sơ đăng ký dịch vụ công; huyện Nhà Bè 526 hồ sơ; và quận Bình Thạnh có 577 hồ sơ.
- Tại Cần Thơ, kết quả thực hiện mô hình thí điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 tại 03 điểm từ ngày 6/9 đến ngày 21/10/2022: phường Tân An, quận Ninh Kiều có 344 hồ sơ đăng ký dịch vụ công, 732 hồ sơ thu nhận định danh điện tử; phường Hưng Phú, quận Cái Răng có 17 hồ sơ đăng ký dịch vụ công, 657 hồ sơ thu nhận định danh điện tử; phường Trà Nóc, quận Bình Thuỷ có 37 hồ sơ đăng ký dịch vụ công, 854 hồ sơ thu nhận định danh điện tử.
Về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sơ dữ liệu khác, trong tháng 10, đã kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về Giấy phép lái xe, Cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện của Bộ Giao thông Vận tải.
Tính đến ngày 21/10/2022, đã kết nối chính thức với 12 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 14 địa phương.
Việc ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử được đẩy mạnh, cụ thể, số lượng cơ sở đã sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh là 11.667/13.063 cơ sở (đạt tỷ lệ 89,3%). Có 3.970.321 công dân sử dụng căn cước công dân đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đồng bộ dữ liệu giữa các bộ, ngành
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công an - Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị Ngày chuyển đổi số 10/10/2022 và chủ động nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tháng 10.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 29 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022.
Về dịch công Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lộ trình cụ thể để nhân rộng trên toàn quốc và lộ trình kết nối Cơ sở dữ liệu về đất đai với Cơ sở dữ liệu dân cư để phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến về cư trú và các dịch vụ công khác.
Bên cạnh đó, thành viên trong Tổ công tác thuộc Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy định về nhóm thông tin cơ bản về y tế được đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; thực hiện bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin ngành Y tế; triển khai thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử và tích hợp thông tin sức khỏe cá nhân trên ứng dụng VneID...
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn c ước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích:
- Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến;
- Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội;
- Phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư;
- Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google