Kết nối hợp tác với Pháp trong bảo tồn Di tích Cố đô Huế

HN
15:05 - 17/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác khoa học trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.

Hợp tác trùng tu, phục dựng các di tích thuộc Cố đô Huế

Theo TTXVN, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp sẽ hợp tác nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa, cùng chủ trì các hội nghị chuyên đề học thuật, tổ chức các cuộc triển lãm; trao đổi tài liệu và các dữ liệu khác về lịch sử, văn hóa Việt Nam do học giả Pháp và Việt Nam nghiên cứu; hợp tác, chia sẻ nguồn tư liệu, hình ảnh liên quan đến di sản văn hóa Huế và triều Nguyễn đang được lưu trữ ở Pháp và Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, dữ liệu số hóa về di sản văn hóa; hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực nâng cao năng lực về nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ tư liệu…

Kết nối hợp tác với Pháp trong bảo tồn Di tích Cố đô Huế - Ảnh 1.

Ký kết thoả thuận khung hợp tác khoa học trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hoá. Ảnh: TTXVN

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, Quần thể di tích đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới cách đây 30 năm. Công tác trùng tu, phục dựng các di tích đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh, nhiều công trình cung điện bên trong Đại Nội bị phá hủy hoàn toàn, nguồn tư liệu lưu trữ trong nước rất ít. 

Vì vậy, Trung tâm mong muốn nhận được sự chia sẻ, kết nối từ phía Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, nhất là tư liệu ảnh làm cơ sở cho việc xây dựng các đề án trùng tu, đảm bảo độ chân xác so với công trình gốc.

Theo ông Hoàng Việt Trung, các công trình cung điện của triều Nguyễn được trang trí theo phong cách “nhất thi, nhất họa” với nhiều bài thơ cổ, do vậy những tư liệu, hình ảnh rất quan trọng. Hiện nay, Trung tâm đang nghiên cứu để phục dựng lại Điện Cần Chánh trong Đại nội Huế và rất cần những hình ảnh lịch sử liên quan.

Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp Nicolas Fiévé cho biết, Viện sẵn sàng chia sẻ những hình ảnh, tư liệu liên quan đến triều Nguyễn trong kho lưu trữ; đồng thời sẽ kết nối, giới thiệu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với các đơn vị lưu trữ tư liệu hình ảnh lịch sử lớn của Pháp, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Việt Nam.

Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO Pháp) là cơ quan của nhà nước Pháp về khoa học, văn hóa và nghề nghiệp thuộc Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Pháp, chuyên nghiên cứu về Đông phương học (chủ yếu trên thực địa). Tiền thân là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương từ năm 1898 và chính thức thành lập với tên gọi Viện Viễn Đông Bác cổ ngày 20/1/1900.

Viện có nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ trên toàn bán đảo Đông Dương. Trong hơn một thế kỷ qua, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về Đông phương học.

Quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Huế 

Quần thể kiến trúc Cố đô Huế bao gồm hệ thống các di tích liên quan đến triều Nguyễn, phân bố ở thành phố Huế và các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, từ năm 1802 đến 1945

Theo Cục Di sản văn hóa, Kiến trúc Huế là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc của kiến trúc truyền thống Việt, tư tưởng triết lý phương Đông, cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng của kiến trúc quân sự phương Tây, hài hòa với các yếu tố tự nhiên: núi Ngự Bình, sông Hương, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh, cồn Hến…

Cố đô Huế là di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới năm 1993. Ảnh: Wikipedia

Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được diện mạo của một kinh đô xưa, với hàng trăm công trình nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, vừa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc Huế…

Về di sản kiến trúc của Cố đô Huế, có thể kể đến những di tích tiêu biểu sau: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành, hệ thống lăng tẩm của các vua Nguyễn, cung An Định, Trai cung, bến thuyền Cung đình, Trấn Bình đài, Trấn Hải thành, điện Hòn Chén, nhà bà Từ Cung, Văn miếu, Võ miếu, Hải Vân quan,…

Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa kiến trúc đồ sộ có giá trị và mang tầm vóc quốc tế, trong khu vực Cố đô Huế còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, tiêu biểu như đồ gốm, sứ, tác phẩm nghệ thuật…

Ngoài ra, Cố đô Huế còn là một trung tâm văn hóa chứa đựng nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, bao gồm sinh hoạt văn hóa cung đình, lễ hội cung đình, âm nhạc và vũ đạo cung đình, cùng các ngành nghề thủ công truyền thống...

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quần thể kiến trúc Cố đô Huế là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009). 

Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế cũng là di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới.

Nguồn: TTXVN, Cục Di sản văn hóa