Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về phương án thi tốt nghiệp có gì mới?

Phan Anh
10:43 - 16/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nội dung thi tốt nghiệp từ năm 2025 bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về phương án thi tốt nghiệp có gì mới? - Ảnh 1.

Thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Ảnh: Ngọc Ánh

Ngày 8/9/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông báo số 1489/TB-BGDĐT kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp về dự thảo phương án tổ chức Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự thảo và trình thường trực Chính phủ xem xét, cho phép công bố phương án tổ chức Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 (dự kiến trong tháng 9/2023).

Thông báo kết luận này có một số nội dung mới đáng chú ý như sau:

1. Về mục đích kì thi, thời gian thi: Giữ nguyên mục đích của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông như đã nêu trong dự thảo đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến xã hội.

Mục tiêu, yêu cầu tổ chức thi được đề ra trong dự thảo phương án thi tốt nghiệp vào thời điểm cuối tháng 3/2023 là:

Đánh giá đúng kết quả học tập, rèn luyện theo mục tiêu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo thông báo kết luận, thực hiện tốt sự phân cấp, trách nhiệm trong tổ chức thi, nghiên cứu để tổ chức kì thi hàng năm vào thời điểm sớm hơn hiện nay.

Tổ chức kì thi hàng năm vào thời điểm sớm hơn hiện nay là điểm mới thứ nhất của thông báo kết luận.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đã được tổ chức vào ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023. Trong đó, ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi. Tổ chức coi thi tốt nghiệp vào 2 ngày 28 và 29/6/2023. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

2. Thông báo 1508/TB-BGDĐT ngày 13/9/2023 đính chính Thông báo số 1489/TB-BGDĐT kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp về dự thảo phương án tổ chức Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cho biết:

Tổ chức thi theo môn, gồm các môn học bắt buộc và các môn học lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Tin học. (Thông báo số 1489/TB-BGDĐT không có môn Địa lí)

Dự thảo trước đó cho biết: Tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc trung học phổ thông gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo đó, thí sinh học chương trình trung học phổ thông dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông dự thi 3 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 2 phương án để khảo sát ý kiến lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức kì thi tốt nghiệp đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cụ thể, phương án 1 gồm 6 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn thí sinh đã lựa chọn học. Phương án 2 gồm 5 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử.

Thông báo kết luận còn cho biết, nghiên cứu, giải trình rõ căn cứ pháp lí, cơ sở thực tiễn, những điểm mới và những khó khăn vướng mắc chủ yếu trong triển khai thực hiện để xem xét, lựa chọn số môn thi của phương án thi.

3. Hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

4. Nội dung thi: Bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực và kiến thức chủ yếu của lớp 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Có lộ trình phù hợp để tăng nội dung đánh giá năng lực mỗi năm phù hợp với thời gian học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của học sinh.

Nội dung thi là điểm mới thứ hai của thông báo kết luận.

Cần biết thêm, đề thi các bài thi/môn thi của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm qua chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.

5. Phương thức xét tốt nghiệp: Kết hợp giữa đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.

Phương thức xét tốt nghiệp là điểm mới thứ ba của thông báo kết luận.

Hiện tại, cách tính điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông như sau:

Để được xét tốt nghiệp, học sinh theo chương trình trung học phổ thông thí sinh phải dự thi 4 môn/bài thi. Trong đó gồm 3 môn thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn Khoa học Xã hội (Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân) hoặc Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học).

Thí sinh sẽ được lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Điểm thi của bài thi tổ hợp là điểm trung bình của 3 môn trong đó.

Cách tính điểm xét tốt nghiệp như sau:

Đối với học sinh theo học hệ Giáo dục thường xuyên: Thí sinh phải dự thi 3 môn/bài thi. Trong đó hai môn thi độc lập là Toán, Ngữ văn cùng với một trong hai bài thi Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên. Điểm thi của bài thi tổ hợp là điểm trung bình của 3 môn trong đó.

Cách tính điểm như sau:

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả của bài thi tốt nghiệp chiếm 70% trong tổng điểm xét tốt nghiệp, 30% còn lại sẽ tính dựa trên điểm trung bình năm học lớp 12.

Điểm xét tốt nghiệp là tổng điểm của những bài thi cộng lại, có cộng thêm điểm khuyến khích, ưu tiên, điểm nghề và được làm tròn 2 chữ số thập phân.

Điểm liệt là 1 điểm trở xuống. Điểm ưu tiên là điểm cộng thêm cho các vùng miền đặc trưng cũng như những học sinh nằm trong đối tượng khó khăn, đặc biệt.

Điểm khuyến khích là điểm được cộng thêm cho thí sinh nhờ tham gia những kì thi, một số hạng mục được cộng điểm ưu tiên là: nhận giải cá nhân trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành, quốc gia…

Điểm cộng nghề là số điểm thí sinh được cộng nhờ được cấp Giấy chứng nhận nghề.

6. Các nhiệm vụ cần triển khai ngay, đó là thành lập ban chỉ đạo thực hiện phương án tổ chức thi tốt nghiệp từ năm 2025 với các thành viên từ các đơn vị liên quan, phân công công việc cụ thể để triển khai nhiệm vụ.

Xây dựng đề án và kế hoạch triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo lộ trình từ nay đến năm 2030.

Đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng định dạng câu hỏi thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước mắt, tập trung chuẩn bị sớm lực lượng giáo viên ra đề thi; tổ chức tập huấn lực lượng giáo viên xây dựng câu hỏi thi, ra đề thi phù hợp với yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 bao gồm cả chuyên sâu và đại trà; tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ và tập huấn cho nhiều đối tượng tham gia xây dựng câu hỏi thi. Các công tác này cần bắt đầu từ quý IV năm 2023.

Nghiên cứu câu hỏi thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - bao gồm cả câu hỏi chuyên sâu và đại trà là điểm mới thứ tư của thông báo kết luận.

Bình luận của bạn

Bình luận