Kéo cắt tỉa đa năng bán 20.000 chiếc/năm lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023
Ở tuổi 66, với niềm đam mê sáng chế và quyết tâm nâng cao năng suất lao động cho người nông dân, ông Lê Phước Lộc sở hữu nhiều dụng cụ nông nghiệp độc lạ, có tính ứng dụng cao. Trong đó, sản phẩm kéo cắt tỉa đa năng xuất sắc lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023.
Là người nông dân nhiều năm gắn bó với ruộng vườn, ông Lê Phước Lộc (sinh năm 1957, trú tại xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) thấu hiểu những vất vả, khó khăn của bà con khi chăm sóc, thu hoạch cây trái. Bởi vậy, ông luôn trăn trở làm sao để tạo ra nhiều dụng cụ nông nghiệp có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng chất lượng nông sản.
Vốn không trải qua trường lớp kỹ thuật nào nhưng với niềm đam mê sáng tạo cộng với sự cố gắng học hỏi, tìm tòi, ông Lộc đã chế tạo thành công kéo cắt tỉa đa năng.
Sở hữu chiếc kéo này, người nông dân có thể tỉa cành, hái trái, kẹp trái cả khi đứng dưới đất và khi leo lên cây. Đồng thời đảm bảo được chất lượng trái khi thu hoạch, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Ông Lộc cho biết, kéo cắt tỉa có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng. Đặc biệt, sản phẩm này có giá bán không cao hơn sản phẩm cùng loại, kể cả sản phẩm ngoại nhập.
"Nếu muốn tỉa cành, bà con chỉ cần đưa lưỡi kéo vào cành muốn tỉa, bóp vào tay bóp ở đầu còn lại của kéo, thanh sắt bên trong thân kéo sẽ di chuyển xuống làm cho 2 lưỡi kéo khép lại để cắt cành cần tỉa.
Trường hợp muốn hái trái cũng thao tác tương tự, nhưng khi bóp vào tay bóp để cắt cuống trái vẫn phải giữ tay bóp để đầu kẹp giữ chặt cuống trái và từ từ hạ đầu kéo xuống sát mặt đất rồi mới buông tay kéo ra.
Đối với trái có kích thước lớn, khối lượng nặng và cần giữ nguyên cuống để phục vụ việc chưng, thờ cúng như bưởi, cam, vú sữa... khi hái trái chỉ cần lắp thêm túi vải hứng trái vào đầu kéo. Sau mỗi lần thao tác cắt trái, bà con lấy trái ra rồi hái tiếp để tránh trái bị dập do va chạm với trái nằm trong túi vải", ông Lộc mô tả về phát minh của mình.
Chiếc kéo éo cắt tỉa đa năng có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, có thể tỉa cành, hái trái, kẹp trái cả khi đứng dưới đất và khi leo lên cây. Ảnh: NVCC
Để giúp cho cây kéo được bền chắc, gọn nhẹ, ông Lộc sử dụng ống nhôm tròn (∅21) thay cho thanh sắt vuông làm thân kéo, gia công lưỡi cắt dày hơn để tăng độ bền.
Kéo cắt tỉa đa năng do ông Lộc sáng chế được cơ quan chức năng đánh giá cao về hàm lượng nghiên cứu khoa học cũng như khả năng ứng dụng, ngày càng được nhiều nhà nông tin dùng.
Sản phẩm này đã được cấp Bằng độc quyền "Kiểu dáng công nghiệp" và "Giải pháp hữu ích"; Giấy chứng nhận "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia" và lọt "Top 100 sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao 2020"...
"Chỉ cần đầu tư số tiền vừa phải, người dân sẽ có được dụng cụ hữu ích để chăm sóc vườn cây ăn trái trong phạm vi gia đình đến quy mô trang trại. Mỗi năm, cơ sở tôi sản xuất và tiêu thụ trung bình 20.000 sản phẩm kéo cắt tỉa các loại. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm, cơ sở đạt lãi ròng trên dưới 500 triệu đồng.
Không chỉ vậy, chiếc kéo cắt tỉa đa năng này còn giúp thay thế hàng ngoại nhập, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng xã hội, làm cho người tiêu dùng trong nước tiếp tục tin tưởng và ủng hộ sản phẩm do người Việt làm ra" - ông Lộc nói.
Cơ sở kéo cắt tỉa Phước Lộc của ông hiện đã phát triển được 90 đại lý tiêu thụ trong cả nước. Hầu như tỉnh nào có trồng cây ăn trái đều có sử dụng sản phẩm kéo cắt tỉa Phước Lộc.
Cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho trên dưới 15 lao động, với mức thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Hàng năm, cơ sở còn trích từ 5-10% lợi nhuận sau thuế để đóng góp cho Quỹ Hỗ trợ nông dân của xã giúp hỗ trợ phương tiện, dụng cụ học tập cho con em nông dân nghèo, hiếu học; đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương như xây cầu, làm đường, trùng tu di tích lịch sử - văn hóa...
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Lộc cho biết, ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến sản phẩm để phù hợp hơn nữa nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, ông sẽ tiếp tục học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và nghiên cứu, chế tạo ra các sản phẩm hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp người dân giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất, tăng lợi nhuận thu được.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google