Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2023: Bà Bùi Thị Mão và hành trình mang búp chè Việt Nam vươn ra thế giới

Trang Linh
16:33 - 19/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Với công trình nghiên cứu "Cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao được công nhận OCOP 5 sao", bà Bùi Thị Mão xuất sắc lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023.

=> Ông Nguyễn Văn Hai học hết lớp 5, có 5 bằng sáng chế, vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023 

=> Công trình của "kỹ sư" học hết lớp 4 Nguyễn Văn Rô lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023

nhân tài đất việt 2023

Công trình Cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh của bà Bùi Thị Mão trở thành 1 trong 5 nghiên cứu lọt vào Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023. Ảnh: NVCC

Bằng ý thức tự học, tự nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm sản xuất cùng với nỗ lực của bản thân, ý thức muốn làm nên sự nghiệp thì phải học và lấy tự học là chính, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn chè Hoài Trung Bùi Thị Mão đã tham quan học tập kinh nghiệm về kỹ thuật chế biến chè của một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Từ đó, bà đã có ý tưởng cải tiến phương pháp trồng và tạo ra dây chuyền chế biến chè xanh chất lượng cao. 

Công trình nghiên cứu "Cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao được công nhận OCOP 5 sao" của bà Bùi Thị Mão đã xuất sắc lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023.

Xuất phát từ tình yêu với búp chè quê hương

Là huyện trung du của tỉnh Phú Thọ, cuộc sống của người dân Thanh Ba gắn liền với những đồi chè bát ngát. Cây chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây thương hiệu, cây làm giàu cho nông dân.

nhân tài đất việt 2023 ảnh 2

Bà Bùi Thị Mão (áo xanh) giới thiệu về quy trình làm héo chè tại xưởng sản xuất. Ảnh: NVCC

Xuất phát từ tình yêu với chè, bà Bùi Thị Mão với hơn 20 năm tìm tòi, nghiên cứu đã vận động, hỗ trợ người dân liên kết sản xuất vùng nguyên liệu, đổi mới các khâu, đoạn trong dây chuyền sản xuất. Doanh nghiệp chè Hoài Trung của bà đi theo hướng phát triển cây chè hợp thổ nhưỡng cùng với giống chè trung du lá nhỏ sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực.

Giám đốc doanh nghiệp chè Hoài Trung xác định, muốn có sản phẩm chất lượng cao đầu tiên là phải có nguyên liệu chất lượng tốt. Vì vậy, bà Bùi Thị Mão đã đổi mới phương pháp canh tác, từ trồng theo phương pháp truyền thống, hiện nay cây chè được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ. Nhờ đó, sản phẩm không dư hàm lượng tanin, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm chè có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của đại đa số khách hàng.

Sau nhiều năm nghiên cứu thử nghiệm, bà Bùi Thị Mão nhận định, một trong những yếu tố có thể quyết định tới 95% chất lượng sản phẩm đó là phương pháp và thời gian thu hái.

“Trước kia khi sản xuất đại trà, người dân không có thời gian thu hái cũng như cách hái chè cụ thể, chủ yếu thu hoạch theo thời gian rảnh. Vì vậy, có lúc nắng to, chè bị héo dẫn đến vị chè sẽ bị chát đắng hay hái chè quá ướt dẫn đến vị chè có vị chua, nhạt. Vì vậy, thời điểm vàng để hái chè là từ 5 rưỡi đến 8 giờ sáng. Búp chè hứng trọn sương đêm, được thu hái vào buổi sáng sớm, khi mặt trời mới hé cho đến khi mặt trời có ánh sáng mạnh sẽ căng mọng, tươi ngon”, bà Bùi Thị Mão chia sẻ.

Giám đốc Công ty chè Hoài Trung cho biết, nguyên liệu tạo ra sản phẩm chè Đinh là tôm của búp chè (1 tôm 2,3 lá). Khi hái chè cần hái tôm của búp non, trước lá 1, đó còn gọi là búp đinh. Phần lá bánh tẻ thứ 2 và thứ 3 dùng cho chế biến chè xanh. Hái chè bằng tay đảm bảo búp đồng đều, tạo điều kiện cho công đoạn chế biến sau đó và đảm bảo chất lượng thành phẩm ổn định.

Cải tiến phương pháp chế biến, tiết kiệm thời gian và công sức lao động

Theo bà Bùi Thị Mão, việc hái tay búp chè đã giúp doanh nghiệp cắt bỏ được công đoạn sàng lọc và phân loại. Do đó, nhà xưởng không có bụi do máy sàng, máy cắt, máy cán, máy trộn tạo ra. Đây là tiền đề cho vấn đề vệ sinh môi trường, trực tiếp ảnh hưởng tới sức khoẻ người lao động và ảnh hưởng tới sản phẩm.

Đặc biệt, công ty của bà Bùi Thị Mão còn tự thiết kế, cải tiến khâu héo chè bằng hộc kéo được làm từ lưới inox, bộ phận tạo héo dùng quạt có động cơ 5kW, lưu lượng gió 500m3/giờ.

Chè tươi được rải đều trên máng héo có bánh xe di chuyển thuận lợi, thao tác dễ dàng. Quá trình làm héo được sử dụng năng lượng quạt gió điện, thực hiện từ 4-5 giờ chỉ cần đảo 2 lần để chè héo đồng đều. Chè sau khi làm héo đạt mức độ giảm hàm ẩm còn 60-65% và giảm mùi hăng ngái. Trong khoảng thời gian quy định, người phụ trách làm héo kiểm tra, điều chỉnh thời gian, gió và nhiệt độ hợp lý.

Dàn héo do Công ty chè Hoài Trung thiết kế có kích thước nhỏ gọn, di chuyển được nhờ gắn bánh xe chuyển động. Do vậy công nhân dễ thao tác trong các công đoạn rải, đảo và thu chè.

Cùng với sáng chế ra hộp làm héo chè, doanh nghiệp của bà Bùi Thị Mão còn có sáng kiến thay mâm vò inox bằng mâm vò làm bằng gỗ với cấu tạo đặc biệt để vò chè xoăn chặt, không gãy và xơ xước, giảm tỉ lệ chè cám.

Công ty chè Hoài Trung cũng sáng chế ra máy xào diệt men chè được đầu tư hiện đại, không sử dụng nhiệt bằng than củi, có thể điều khiển nhiệt, tốc độ quay tự động theo yêu cầu, đảm bảo vệ sinh công nghiệp và an toàn cho công nhân. Nhờ quá trình chế biến ổn định, chất lượng chè sấy khô được đồng đều, giữ được độ thơm ngon tự nhiên.

Lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023 Khuyến học - Tự học thành tài

Cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn chè Hoài Trung là công trình mới tại Phú Thọ, thay thế việc thu hái và sản xuất thủ công, tạo quy trình khép kín từ khâu chăm sóc, thu hái, tinh chế sản phẩm, bao gói, bán hàng. 

Thiết kế dây chuyền công nghệ sản xuất chè xanh chất lượng cao phù hợp với quy mô vùng nguyên liệu đầu vào và năng lực sản xuất của công ty. Từ đó, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2023: Bà Bùi Thị Mão và hành trình mang búp chè Việt Nam vươn ra thế giới- Ảnh 4.

Sản phẩm chè Đỉnh của bà Bùi Thị Mão được giới thiệu tại các diễn đàn quốc tế. Ảnh: NVCC

Công trình tự nghiên cứu, học hỏi của bà Bùi Thị Mão và Công ty trách nhiệm hữu hạn chè Hoài Trung có tính thực tiễn cao, có thể áp dụng tại các doanh nghiệp sản xuất chè xanh trong và ngoài tỉnh Phú Thọ. 

Hiện nay, quy trình công nghệ được áp dụng ổn định trong các khâu sản xuất, sản phẩm chè Đỉnh Hoài Trung đã có chỗ đứng trên thị trường, nâng tầm giá trị thương hiệu Việt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc hiện đại hóa, cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh của bà Bùi Thị Mão đã bảo vệ sức khỏe người lao động, cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sản phẩm chè Đỉnh của doanh nghiệp chè Hoài Trung đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp năm 2022 và nhận Bằng khen của Phòng Thương mại công nghệ Việt Nam năm 2018, Chứng nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 của Bộ Công thương…

Công trình "Cải tiến phương pháp trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao được công nhận OCOP 5 sao" của bà Bùi Thị Mão và Công ty trách nhiệm hữu hạn chè Hoài Trung đã xuất sắc trở thành 1 trong 5 công trình lọt vào vòng Chung khảo của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023.

nhân tài đất việt 2023 ảnh 3

Sản phẩm chè Đỉnh của Công ty trách nhiệm hữu hạn chè Hoài Trung đã đạt chứng nhận OCOP 5 sao quốc gia.

Đây là thành quả tự học thành tài, dày công tìm hiểu và dành hết tâm sức để phát triển vùng chè quê hương của bà Bùi Thị Mão. Đến nay, công ty của bà đã liên kết được 12 hộ trồng chè với diện tích trên 10ha chè cho thu hoạch, với sản lượng trung bình đạt 5 tấn chè búp khô/năm. 

Dù không học qua các trường lớp đào tạo chính quy, nhưng bà Bùi Thị Mão đã không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm, học tập phương pháp chế biến chè ở các quốc gia phát triển để áp dụng cho sản xuất chè tại địa phương. Hiện bà không chỉ giữ cương vị là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn chè Hoài Trung mà còn là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Ở độ tuổi 60, bà Bùi Thị Mão hy vọng dây chuyền sản xuất chè của mình ngày càng được cải tiến, đồng thời được nhiều người biết đến và áp dụng làm theo, để sản phẩm chè Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.