Công trình của "kỹ sư" học hết lớp 4 Nguyễn Văn Rô lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023
Với công trình “Máy cày phao nổi và máy trục – ước mơ của nhà nông”, ông Nguyễn Văn Rô, sinh năm 1963, trú tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau là một trong những tác giả xuất sắc được đề cử giải Khuyến học – Tự học thành tài của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 17, năm 2023.
Với lối nói chuyện chân chất, giản dị, ông Nguyễn Văn Rô say sưa kể về công trình của cuộc đời mình: Máy cày phao nổi và máy trục – ước mơ của nhà nông.
Sở dĩ sản phẩm có cái tên đặc biệt như vậy là bởi từ khi ra đời, máy cày phao nổi và máy trục đã giúp bà con nuôi tôm vùng đất Cà Mau giải quyết được bài toán khó về cải tạo vùng nuôi.
Cụ thể, để thay đổi chất lượng vùng đất nuôi tôm, người nông dân khi ấy đều phải hút bùn thải ra sông, kênh rạch, rồi phơi khô mặt đầm. Sau đó tiếp tục cày nhỏ cho tơi lớp bùn khô đó rồi lại bơm nước nào để chuẩn bị cho vụ sau.
Cách làm này tốn kém chi phí, thời gian, lại tác động xấu đến môi trường xung quanh. Và ngay cả với vùng trồng trọt bên trên, máy cày nhập khẩu của các nước cũng khó có thể sử dụng vì quá nặng, gặp vùng đất lầy lún của Cà Mau sẽ không di chuyển được.
Trình độ học hết lớp 4, kiến thức về cơ khí, máy móc chỉ vỏn vẹn từ kinh nghiệm học được từ ông nội, song, với tinh thần ham học hỏi, thích khám phá, ông Rô quyết tâm tìm cách chế tạo chiếc máy khắc phục những đặc điểm trên.
Ông đi khảo sát đất đai ở nhiều nơi, quan sát nhiều loại máy khác nhau, hỏi cả những kỹ sư máy móc về cách chế tạo máy phù hợp. Và rồi, sự kiên trì của ông Rô cũng được đền đáp.
Trong một lần biết đến chiếc máy xới cỏ ở sân bóng nhân tạo có cấu tạo gần giống chiếc máy cày thường ngày, nhưng có các bộ phận đều được làm gọn nhẹ, dễ sử dụng, người "kỹ sư chân đất" này đã nảy ra ý tưởng về chiếc máy cày có thể nổi trên mặt nước, nhẹ và dễ dàng di chuyển ở vùng kênh rạch của Cà Mau.
Sau nhiều lần thử nghiệm, ông Rô tìm ra "công thức" cho chiếc máy của mình. Chiếc máy siêu nhẹ có cấu tạo và nguyên lý vận hành gần giống với nguyên lý của máy cày truyền thống, ông chỉ cần thiết kế lưỡi cày phù hợp với từng loại đất. Đồng thời điều chỉnh động cơ có công suất phù hợp để cải tạo vuông tôm.
"Dùng động cơ lớn cho khỏe thì nặng quá. Tôi phải tháo động cơ máy ra để đấu lại, tính toán phù hợp để máy đủ khỏe thực hiện công việc, mà trọng lượng giảm đi thì mới dùng được. Mất mấy tháng mới ra kết quả ưng ý", ông Nguyễn Văn Rô kể lại.
Ngoài chức năng cày xới cải tạo ao đầm nuôi tôm, chiếc máy còn có tác dụng cày trục thông qua hai chiếc bánh bội được gắn song song với thân máy.
Điểm đặc biệt ở đây là ông Rô đã lồng thêm 4 chiếc can nhựa với tổng dung tích là 120 lít mỗi bên của bánh bội, giống như hai chiếc phao để dễ dàng di chuyển qua kênh mương. Nếu hoạt động trên vùng đất cứng, nhiều cây cỏ, thùng được thêm chất lỏng để tạo sức nén xuống mặt đất.
Nhờ những thay đổi phù hợp, trọng lượng chiếc máy cày của ông Rô sản xuất chỉ nặng chừng 110kg, nhẹ hơn so với những chiếc máy cày trên thị trường với trọng lượng từ 150-170kg.
Ông Rô bán sản phẩm này giá 17 triệu đồng, trong khi máy cày nhập của Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Nga rơi vào khoảng 26-40 triệu đồng/máy. Một giờ, máy cày phao nổi có thể chạy chừng 1.000 mét vuông mà chỉ tốn hơn 10.000 đồng tiền xăng.
Với phẩm chất phóng khoáng, cách ông Nguyễn Văn Rô bán máy cày cho bà con cũng rất đặc biệt. Ông nói: "Tôi bán máy cày 17 triệu đồng/chiếc. Nếu người dân có 5, 7 triệu đồng rồi thì tôi vẫn bán cho họ, khi nào trúng mùa, họ có thì trả. Thấy người ta làm ăn cực khổ, mình cũng tội nghiệp".
Qua thử nghiệm cày trên một số vùng đất ở nhiều địa phương, chiếc máy cày phao nổi của ông Rô đã chứng minh kết quả tốt. Máy cải tạo được tính chất lý hóa của đất, gây tảo và hàm lượng chất vôi, chất xơ, độ chua phèn và làm cho đất tơi xốp hơn để nuôi tôm.
Đồng thời giúp bảo vệ môi trường do bà con không cần khoan sên và nạo vét đất bơm bùn thải ra sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
Từ năm 2016 đến nay, xưởng sản xuất của ông Rô đã xuất xưởng khoảng 30-40 máy/năm. Hiện tại, máy cày phao nổi đã xuất xưởng đi nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau và cả nước như Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Rô cũng đang bàn thảo, hợp tác với đối tác ở Campuchia để sản xuất, phân phối sản phẩm trên nước bạn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google