Kế hoạch cải cách giáo dục của Anh bị phản đối

Lam Linh
13:26 - 10/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo các chuyên gia giáo dục, kế hoạch loại bỏ chứng chỉ A-level, đề xuất môn Tiếng Anh và Toán là môn bắt buộc cho học sinh lứa tuổi 18 của Thủ tướng Anh là không khả thi trước cuộc khủng hoảng thiếu giáo viên trầm trọng đang diễn ra.

Kế hoạch cải cách giáo dục của Anh bị phản đối - Ảnh 1.

Hệ thống giáo dục Anh đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên Toán, Tin học, Tiếng Anh và Khoa học. Ảnh: Matthew Horwood

Anh công bố kế hoạch loại bỏ chứng chỉ A-level 

Tại hội nghị gần đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã phát biểu rằng, cải cách giáo dục là một trong những đòn bẩy lớn nhất có để thay đổi sự phát triển của đất nước. 

Theo tiêu chuẩn Tiếng Anh nâng cao mới, học sinh cuối cấp (lớp 12 và 13) giờ đây sẽ được yêu cầu học 5 môn thay vì 3 môn.

Trên thực tế, học sinh cuối cấp theo học A-level ở Anh thường chỉ học 3 môn so với 7 môn và thời gian đến lớp ít hơn khoảng 30% so với học sinh ở các nước đối thủ cạnh tranh với Anh.

Theo kế hoạch của ông Rishi Sunak, chứng chỉ Giáo dục phổ thông bậc cao (A-level) và chứng chỉ kỹ thuật T-level sẽ được hợp nhất thành chứng chỉ Tiếng Anh nâng cao hoàn toàn mới để tạo ra sự ngang bằng về giá trị giữa các môn học thuật và kỹ thuật. Đồng thời, môn Toán và Tiếng Anh là những môn bắt buộc đối với học sinh cho đến khi 18 tuổi.

Kế hoạch cải cách giáo dục của Chính phủ Anh là phi lý?

Trước vấn đề này, các chuyên gia giáo dục đã phản đối khi cho rằng kế hoạch của Thủ tướng Rishi Sunak là một bước đi sai hướng và sẽ không mang lại hiệu quả. Bởi rất nhiều trường hiện không thể tuyển giáo viên dạy các môn học này.

Tiến sĩ Rachel Roberts, giảng viên tại Đại học Reading và là cựu chủ tịch Hiệp hội Giảng dạy tiếng Anh Quốc gia, nói rằng: "Đề xuất môn Toán và Tiếng Anh là những môn bắt buộc dành cho học sinh đến 18 tuổi trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu giáo viên trầm trọng là khá phi lý".

Đồng quan điểm, Giáo sư Lee Elliot Major tại Đại học Exeter cũng cho rằng, việc đào tạo môn Toán và Tiếng Anh cho lứa tuổi 18 là điều viển vông khi hệ thống giáo dục Anh đang phải đối mặt với những thách thức và bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng.

Các hiệu trưởng trường trung học trên khắp nước Anh cho biết, tuy thông báo tuyển dụng giáo viên Toán, Máy tính và Khoa học được đăng tải thường xuyên nhưng vẫn không thu hút được một ứng viên phù hợp. Đồng thời, việc tuyển giáo viên Tiếng Anh cũng đối mặt với khó khăn.

Cụ thể, tại Đại học Reading, số lượng sinh viên học chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh đã giảm 1/3 trong năm 2023. Theo Tiến sĩ Roberts, xu hướng này đã được nhân rộng trên toàn quốc.

Ngoài ra, với việc Bộ Giáo dục Anh chỉ miễn thuế 6.000 bảng Anh/năm cho giáo viên Toán, Vật lí, Điện toán và Hóa học trong 5 năm đầu tiên đi làm mà không hỗ trợ cho giáo viên Tiếng Anh, theo Tiến sĩ Roberts, điều này không công bằng đối với những giáo viên lâu năm. Đồng thời, khoản tiền miễn thuế này cũng không có tác dụng làm tăng số lương giáo viên đang thiếu ở môn Tiếng Anh.

Hiệu trưởng Trường Trung học Brookvale Groby Learning Campus hy vọng kế hoạch của Thủ tướng Rishi Sunak sẽ không bao giờ xảy ra khi cho rằng: "Ý tưởng dạy thêm môn Toán hoàn toàn mơ hồ. Theo tôi, những thay đổi ở chứng chỉ A-level là không cần thiết".

Còn theo Paul Whiteman, Tổng thư ký của Hiệp hội Hiệu trưởng quốc gia thì với đề xuất của ông Rishi Sunak cho thấy Chính phủ Anh đã trở nên "mất liên lạc" với nghề giáo viên.

Theo ông Paul Whiteman, ngành Giáo dục Anh đang đối diện với rất nhiều khủng hoảng. Các vấn đề cần phải giải quyết hiện này là thiếu giáo viên và các trường học thì xuống cấp trầm trọng.

Chứng chỉ A-level là chứng chỉ được cấp bởi các Cơ quan Giáo dục Anh quốc và lãnh thổ trực thuộc dành cho nhóm học sinh từ 16 tuổi trở lên. Đây là chương trình học tập kéo dài 2 năm, để học sinh có thể đạt được bằng cấp đầu vào tại các học viện giáo dục đại học ở Vương quốc Anh cùng với nhiều học viện khác trên toàn thế giới. Hầu hết các học viện giáo dục đại học yêu cầu tối thiểu 3 môn học.
Nguồn: The Guardian