Hy hữu có một không hai: Ca bệnh đầu tiên cùng lúc mắc 3 bệnh truyền nhiễm là đại dịch trên thế giới

Quỳnh Giang
01:30 - 23/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi làm các xét nghiệm liên quan, nam bệnh nhân 36 tuổi được các bác sỹ kết luận mắc cùng lúc 3 bệnh truyền nhiễm hiện đang là đại dịch của thế giới, gồm HIV, COVID-19 và đậu mùa khỉ.

Người đầu tiên trên thế giới mắc 3 bệnh truyền nhiễm

Ngày 19/8, tạp chí Journal of Infection công bố bệnh nhân 36 tuổi người Italy mắc cùng lúc 3 bệnh truyền nhiễm là HIV, COVID-19 và đậu mùa khỉ.

Đây là người đầu tiên trên thế giới mắc 3 bệnh truyền nhiễm được xem là đại dịch trên thế giới.

Cụ thể, nam bệnh nhân 36 tuổi người Italy đã lưu trú 5 ngày ở Tây Ban Nha, từ 16-20/6.

Sau đó 9 ngày, người nàybị sốt 39 độ C, kèm theo đau họng, mệt mỏi, đau đầu và nổi hạch ở bẹn phải.

Ngày 2/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chiều cùng ngày, trên cánh tay trái của bệnh nhân bắt đầu phát ban.

Ngày hôm sau 3/7, các mụn nước nhỏ, đau, bao quanh là các quầng ban đỏ xuất hiện trên thân, chi dưới, mặt và mông của bệnh nhân.

Đến ngày 5/7, mụn nước lan rộng liên tục, phát triển thành mụn mủ ở rốn và người bệnh phải đến khoa cấp cứu, Bệnh viện Đại học San Marco, Catania, Italy và sau đó được chuyển đến đơn vị truyền nhiễm.

Bệnh nhân từng có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục

Khi nhập viện, nam bệnh nhân cho biết mình từng được điều trị bệnh giang mai vào năm 2019.

Tháng 9/2021, anh ta xét nghiệm HIV và cho kết quả âm tính. Người bệnh bị rối loạn lưỡng cực, thường xuyên dùng carbamazepine 200mg (thuốc hướng tâm thần, dạng viên) mỗi ngày, đã tiêm 2 mũi vaccine Pfizer và mắc COVID-19 vào tháng 1.

Bệnh nhân còn cho biết, anh ta đã quan hệ tình dục không dùng bao cao su với nam giới trong thời gian ở Tây Ban Nha.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị sốt 37,5 độ C, đau hạ họng, mệt mỏi, nhức đầu, cơ thể nổi nhiều chấm ban đỏ ở lòng bàn tay phải, quanh hậu môn.

Đến ngày thứ hai sau khi nhập viện, người bệnh được xét nghiệm đậu mùa khỉ và cho kết quả dương tính. Chủng virus mà người này mắc phải là Tây Phi - chủng gây ra đợt bùng phát ở Tây Ban Nha. Trong khi đó, chủng nCoV mà anh ta mắc phải là BA.5.1.

Các xét nghiệm huyết thanh học cho viêm gan virus, herpes simplex, lậu, chlamydia và lymphogranuloma venereum đều âm tính. Tuy nhiên, xét nghiệm HIV-1 cho kết quả dương tính với tải lượng virus cao, cho thấy người này mới bị nhiễm bệnh.

Đến ngày thứ 3 nhập viện, các tổn thương trên da đóng vảy, bệnh nhân được truyền thuốc Sotrovimab 500 mg.

Ngày 9/7, hầu hết triệu chứng đã thuyên giảm nhưng bệnh nhân vẫn dương tính với nCoV và đậu mùa khỉ. Vì các triệu chứng đã hết, bệnh nhân được xuất viện về nhà cách ly.

Đến ngày 19/7, kết quả xét nghiệm đậu mùa khỉ vẫn là dương tính. Tuy nhiên, tất cả vết thương do căn bệnh này gây ra đã đóng vảy và bong ra, để lại sẹo.

Hy hữu có 1-0-2: Ca bệnh đầu tiên trên thế giới cùng lúc mắc HIV, COVID-19 và đậu mùa khỉ - Ảnh 2.

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Ảnh: news.llu.edu

Con người có thể cùng lúc mắc COVID-19 và đậu mùa khỉ

Tác giả của bài đăng trên tạp chí Journal of Infection nhấn mạnh: Đây là ca bệnh minh chứng cho việc các triệu chứng mắc đậu mùa khỉ và COVID-19 có thể trùng lặp như thế nào. Các biến thể phụ của SARS-CoV-2 như BA.4 và BA.5 đang gây ra hơn một triệu ca mắc trên toàn cầu mỗi ngày.

Do đó, khuyến cáo các bác sĩ lâm sàng nên biết về khả năng đồng nhiễm SARS-CoV-2 và virus đậu mùa khỉ, đặc biệt ở những người có tiền sử du lịch gần đây đến các khu vực bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bác sĩ cần cho bệnh nhân xét nghiệm dịch hầu họng ngay cả khi không có biểu hiện tổn thương trên da.

Trong trường hợp này, quan hệ tình dục có thể là cách lây truyền chủ yếu các bệnh truyển nhiễm nêu trên. Do đó, bệnh nhân cần được kiểm tra các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục sau khi chẩn đoán mắc đậu mùa khỉ.

Bệnh truyền nhiễm hay còn gọi là bệnh lây, đây là dạng bệnh rất phổ biến. Nguyên nhân gây ra bệnh truyền nhiễm là do vi sinh vật (như vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng) gây ra, bệnh có khả năng lây truyền trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau và có thể trở thành vùng dịch với số người mắc nhiều.

Tuy nhiên, khi đã mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người bệnh sẽ có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Đó được gọi là quá trình tạo thành miễn dịch. Tùy theo loại bệnh và cơ thể người mà miễn dịch được hình thành với mức độ, thời gian tồn tại miễn dịch bảo vệ khác nhau.

Bệnh truyền nhiễm được phân loại theo đường lây và chia ra 5 nhóm bệnh: Bệnh truyền nhiễm lây theo đường máu; Bệnh truyền nhiễm lây theo đường da và niêm mạc; Bệnh truyền nhiễm lây theo đường tiêu hoá; Bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp; Bệnh truyền nhiễm có thể lây bằng nhiều đường.

HIV, COVID-19, đậu mùa khỉ đều là những đại dịch trên thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa về đại dịch như sau: "Một đại dịch là sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh mới". Một căn bệnh đặc hữu phổ biến và ổn định về số lượng người mắc bệnh thì đó không phải là một đại dịch. Như vậy, để một căn bệnh được gọi là đại dịch thì nó phải đảm bảo hai yếu tố: Thứ nhất, đó phải là một căn bệnh mới. Thứ hai, nó phải lây lan rộng trên toàn thế giới.

Trường hợp nam bệnh nhân người Italy được công bố trên tạp chí Journal of Infection như trên mắc cùng lúc 3 bệnh truyền nhiễm là HIV, COVID-19 và đậu mùa khỉ đều là những đại dịch hiện nay trên thế giới. 

Bệnh HIV là gì?

Đại dịch HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, tàn phá sức khỏe, kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

HIV là viết tắt của virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Virus này tấn công các tế bào miễn dịch được gọi là tế bào CD4.

Tế bào CD4 là các tế bào bạch cầu T đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Số lượng tế bào CD4 cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của hệ thống miễn dịch. Đây là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể giúp bạn chống lại các mầm bệnh, bao gồm nhiễm khuẩn và siêu vi…

HIV nhắm mục tiêu và xâm nhập vào các tế bào CD4, sử dụng chúng để tạo ra nhiều bản sao của virus; phá hủy các tế bào và làm giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng và bệnh tật khác của cơ thể.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là một số người nhiễm HIV trong thời gian dài mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Khi nhiễm HIV tiến triển, số lượng các tế bào CD4 giảm dần. Những người nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 dưới 200, người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý nghiêm trọng.

HIV lây truyền qua 3 đường: Đường tình dục; Máu và các chế phẩm máu; Đường mẹ truyền sang con trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

HIV không lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường hàng ngày như: Hôn; Ôm; Bắt tay; Dùng chung đồ vật cá nhân, thức ăn hoặc nước uống.

Các dấu hiệu và triệu chứng của HIV khác nhau ở mỗi người. Một số người có thể gặp các triệu chứng ngay lập tức sau khi nhiễm HIV, và một số có thể không gặp các triệu chứng trong nhiều thập kỷ.

Các triệu chứng của HIV khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm trùng. Hầu hết những người không được điều trị đều trải qua ba giai đoạn khác nhau của HIV. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị HIV hiện nay, người nhiễm HIV ít gặp phải giai đoạn cuối - giai đoạn nặng nhất.

Hy hữu có 1-0-2: Ca bệnh đầu tiên trên thế giới cùng lúc mắc HIV, COVID-19 và đậu mùa khỉ - Ảnh 4.

Biểu ngữ trong chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV/AIDS nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tại trại Kuchingoro IDPs ở Abuja, Nigeria, ngày 1/12/2018. Ảnh: Reuters

COVID-19 là gì?

Ngày 11/3/2020 (tối 11/3 theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.

COVID-19 là một bệnh đường hô hấp truyền nhiễm do một loại coronavirus có tên là SARS-CoV-2 gây ra.

Các triệu chứng phổ biến nhất là sốt, ho và mệt mỏi. Các triệu chứng khác có thể bao gồm khó thở, đau hoặc tức ngực, đau nhức cơ hoặc cơ thể, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, lú lẫn, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, đau bụng và phát ban trên da. Ngoài những triệu chứng này, trẻ sơ sinh có thể khó bú.

Nhiều triệu chứng COVID-19 tương tự như các triệu chứng của bệnh cúm, cảm lạnh thông thường và các bệnh khác, vì vậy cần phải xét nghiệm để xác nhận xem ai đó có mắc bệnh COVID-19 hay không. Các triệu chứng có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút và có thể từ rất nhẹ đến nặng. Một số người đã bị nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì?

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Theo đó, đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật. Bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày, thông thường là từ 6-13 ngày.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đậu mùa khỉ thông thường không được coi là bệnh có tính truyền nhiễm cao. Bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm để gây lây nhiễm giữa người với người. Nguy cơ của bệnh đậu mùa khỉ đối với toàn cộng đồng là thấp.

Theo nghiên cứu trên thế giới, bệnh đậu mùa khỉ là nhóm virus tương đối đồng nhóm với đậu mùa ở người. Nghiên cứu trên thế giới, vắc xin phòng bệnh đậu mùa tương đối có hiệu quả trên bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời giúp cải thiện trong điều trị bệnh.

Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương đồng như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Bình luận của bạn

Bình luận