Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử

Minh Xuân
06:00 - 07/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dưới thời Hùng Vương có một tấm gương hiếu thảo sáng như ánh trăng rằm: một chàng trai quên mình báo hiếu cho cha và học đạo cứu giúp dân, được truyền tụng muôn đời cho hậu thế. Đó là Chử Đồng Tử ở vùng đầm nước Dạ Trạch với câu chuyện hiếu thuận cảm tới trời đã trở thành bất tử trong tâm thức dân gian người Việt.

Chí hiếu động thiên

Vào thời Hùng Vương thứ 3, ở làng Chử Xá ven sông Hồng tại Khoái Châu, Hưng Yên, có người dân tên là Chử Cù Vân, sinh được một người con trai là Chử Đồng Tử. Đồng Tử truân chuyên từ nhỏ, khi mới 13 tuổi thì người mẹ mắc bệnh qua đời. Thế rồi nhà lại bị hoả hoạn, bao nhiêu của cải đều bị cháy sạch, duy chỉ còn 1 chiếc khố, 2 cha con thay nhau mặc khi có việc đi ra ngoài.

Đến khi người cha ốm nặng sắp mất, liền dặn Đồng Tử rằng: "Con người ta nghèo hèn hay phú quý đều do số trời định cả. Nhà ta trước đây giàu có, sau này nghèo khổ cũng là do trời vậy, không biết làm thế nào. Cha nay bị bệnh, số trời xem ra cũng khó tránh khỏi, nếu vạn nhất như thế nào, hình hài của cha đã có đất bụi che chở không lộ ra ngoài, con nên để khoả thân mà chôn cất, để lại cái khố cho con, lấy cái mà che thân". Dặn dò xong ông thở dài 1 tiếng rồi mất.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 1.

Lăng mộ thân phụ đức thánh Chử.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 2.

Thân phụ và thân mẫu thánh Chử ở Chử Xá.

Tử Đồng bổ đất gào trời,

Ôm cha gào khóc hết lời thở than.

Công cha mẹ như sơn như hải,

Tóc tơ chưa đắp lại cù lao.

Thân hèn vả lại nhà nghèo,

Lấy gì giả nghĩa mà theo thói đời.

Còn cốt cách ở nơi cõi tục,

Trời đoái thương có lúc giàu sang.

Nhiều phen quần áo vẻ vang,

Bây giờ ta hãy tiềm tàng náu thân.

Cha sống thiếu mùi trần gấm vóc,

Cha thác không liệm bọc the là.

Thương cha lòng nặng bề bề,

Cất ngay cái khố đem che phụ hài.

(Bài thơ chữ Nôm lưu tại đình Thượng xã Tự Nhiên huyện Thường Tín).

Chử Đồng Tử không nỡ để cha thân trần mà khâm liệm nên đã lấy chiếc khố duy nhất chôn cho cha. Còn mình đành ở trần ngâm nước, bắt cá sống qua ngày.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 3.

Đền Ngự Dội ở thôn Màn Trầu, Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 4.

Chử gia tam tiên ở đền Ngự Dội tại thôn Màn Trầu xã Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên.

Nhưng trời không phụ lòng người con hiếu thảo. Chính sự khốn khó đến tột cùng ấy lại đem đến mối lương duyên kỳ lạ giữa chàng trai Chử Đồng Tử với công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng. Công chúa sinh ra có vẻ đẹp như tiên giáng, được vua cha rất mực yêu quý. Một hôm công chúa đi du thuyền xuôi về quê ngoại ở làng Yên Lạc (Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam), khi đi qua bãi sông Tự Nhiên, thấy cảnh đẹp, bèn dừng thuyền lên bờ, quây màn dội nước tắm. Ngờ đâu, chỗ màn che lại đúng nơi chàng trai họ Chử mình trần chôn cát… 

Câu đối ở cửa đền Đa Hòa, nơi thờ chính của thánh Chử Đồng Tử ghi:

Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ

Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.

Dịch:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ

Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 5.

Gậy nón của Chử Đồng Tử ở đình Thượng Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 6.

Chồng kiệu Chử gia tiên ở đình Hạ Tự Nhiên trong ngày lễ hội.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 7.

Bức chạm “Tử - húy tự” (kiêng húy chữ Tử) ở đình Hạ Tự Nhiên.

Vì người mà hành đạo

Sau cuộc kết duyên kỳ ngộ với công chúa Tiên Dung hai vợ chồng Chử Đồng Tử đi buôn bán ở các xứ xa. Trên đường đi thuyền ở Hoan Châu, Chử Đồng Tử lại có cơ duyên gặp một vị lão tiên ở núi Quỳnh Viên, bên dòng suối Hiêu Hiêu chảy trên núi tu học mà thành đạo. Tiên ông trao cho Chử Đồng Tử cây gậy đầu sinh đầu tử và nón thần cùng phép ước. Khi trở về bản quán, công chúa Tiên Dung thu nhận thêm một cô gái cắt lúa ven sông, là con của Tây Vương mẫu giáng trần làm Hữu phu nhân Tây Sa công chúa, cùng với Chử Đồng Từ dùng phép thần cứu sống và chữa bệnh cho nhiều người trong vùng.

Ở các di tích thờ Chử Đồng Tử, thường còn kèm theo tục thờ thần Cá. Như đền Hóa Dạ Trạch có tượng thờ Cá thần với tên là Bế Ngư Thần quan. Ở đền Đa Hòa có thờ vị Thần Rí (đọc chệch của từ Lý là cá chép). Sự tích ở đây kể rằng, thần Rí là một câu bé bơi lội rất giỏi, nhưng hay đùa nghịch thả cá và phá lưới của dân chài. Vì thế người dân đã cắm cọc trên khúc sông nơi Rí hay tắm. Rí chẳng may nhảy xuống sông bơi đâm phải cọc mà chết lúc mới 12 tuổi. Từ đó thần trở nên rất thiêng. Trong một cuộc so tài giữa các thần, thần Rí còn quật chết một con voi lớn của nhà vua.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 8.

Tượng thánh Chử Đồng Tử ở đền Đa Hòa.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 9.

Chử Đạo Tổ với gậy thần chế ngự Thủy quái (tranh dân gian Tứ bất tử).

Sự tích về thần Rí ở Khoái Châu rất giống với Truyện Ngư Tinh được kể trong sách Lĩnh Nam chích quái: "Ở biển Đông có con tinh ngư xà (còn gọi là Ngư Tinh) dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ… Thuyền của nhân dân đi qua chỗ này thường hay bị Ngư Tinh làm hại… Long Quân thương dân bị hại bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của thường dân, hạ lệnh cho quỷ Dạ Thoa ở Thủy phủ cấm hải thần nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá Ngư Tinh, giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định nuốt. Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quật vào thuyền…"

Có thể thấy Truyện Ngư tinh có cùng một cốt truyện như truyền thuyết về thần Cá Rí hại dân chài. Như thế, "Long Quân", người đã dùng gậy thần (cọc) diệt Ngư tinh ở đây chính là Chử Đồng Tử. Chử Đạo Tổ được thờ ở các làng ven sông Hồng như một vị thủy thần (long quân) có khả năng chế ngự được thủy quái, phù trợ cho dân chài lưới.

Bài Dạ Trạch tiên gia phú ở đình Quan Xuyên (Khoái Châu), tương truyền do Chử Đạo Tổ giáng bút, có câu: "Thế mà như Thiệu Bá cam đường không phạt, cũng là do lòng người tư mộ". Câu này ví Chử Đạo Tổ có lòng nhân đức như ông Thiệu Bá thời Tây Chu, không phạt tội người dân dưới gốc cây cam đường, dù trong dân lưu truyền những điều không đúng về đức thánh Chử.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 10.

Lưỡng ngư chầu trên mái đền Đa Hòa.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 11.

Ngư nghê ở đền Đa Hòa.

Nhờ lòng nhân đức, cứu dân độ thế mà nhiều người đã theo về với vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung, hình thành nên một vùng lâu đài thành quách ven sông, có đủ trăm quan văn võ và binh sĩ túc vệ, dựng thành một nước riêng.

Khi Vua Hùng biết tin, nổi giận, dẫn quân đến trừng phạt thì công chúa Tiên Dung nói: "Việc này không phải do ta làm mà là do trời khiến vậy. Sống chết có trời, làm con ai chống lại cha bao giờ. Xin hãy thuận theo lẽ, cứ để mặc cho quân của vua cha chém giết".

Thế rồi, để trọn đạo hiếu trung, đêm đó gia đình Chử Đồng Tử cùng thành quách lâu đài đã bay về trời, đi vào cõi tiên bất tử. Câu đối ở đền Đa Hòa ghi:

Hóa cảnh thị hà niên, Tự Nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch

Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên

Dịch:

Cảnh hóa đó năm nào, đây bãi Tự Nhiên, một đêm thành đầm trạch

Kỳ duyên trùm thiên cổ, vợ chồng nhân gian, lên trời biến thần tiên.

Ba vị gia tiên Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa bay lên trời trong đêm đã đi vào cung trăng, với hình ảnh chú Cuội, chị Hằng và thỏ Ngọc giã thuốc mỗi đêm trăng tỏ. Bài Quang minh tu đức kinh văn tương truyền do Chử Đồng Tử tiên ông giáng bút ở đền Đa Hòa có thơ:

Bất tử Nam thiên Tổ Chử Đồng

Uy linh vang dội khắp xa gần

Treo gương tu đức soi kim cổ

Truyền đạo quang minh độ thế trần

Cắt thịt xót thương người bệnh khổ

Ra tay cứu vớt kẻ trầm luân.

Lòng son đỏ ối vàng tô thắm

Trung hiếu thần tiên thượng đẳng thần.

Hùng Vương tứ hiếu - Bài 3: Chử Đồng Tử- Ảnh 12.

Chồng kiệu ngày lễ hội đền Hóa Dạ Trạch.

(còn nữa)