HoREA kiến nghị tạm thời chưa áp niên hạn sử dụng nhà chung cư

Trần Quân
16:50 - 15/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước những bất cập của thị trường bất động, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã đưa ra 12 kiến nghị. Trong đó có kiến nghị tạm thời chưa nên quy định “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn".

HoREA đã đưa ra 12 kiến nghị cho thị trường bất động sản, trong đó có kiến nghị tạm thời chưa nên quy định “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn". Ảnh: VTV

HoREA đã đưa ra 12 kiến nghị cho thị trường bất động sản, trong đó có kiến nghị tạm thời chưa nên quy định “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn". Ảnh: VTV

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả và thành tựu đã đạt được, thị trường bất động sản vẫn còn xuất hiện nhiều bất cập như phát triển chưa minh bạch, chưa lành mạnh, chưa ổn định, chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Trước tình hình này, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã đưa ra một số kiến nghị.

Thứ nhất là kiến nghị nỗ lực thực hiện mục tiêu “đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất”.

Thứ hai là nên đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, trong đó có “quyền” được công nhận chủ đầu tư sau khi doanh nghiệp đã “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở.

Thứ ba, Hiệp hội kiến nghị thực hiện phổ biến phương thức “đấu giá quyền sử dụng đất”, hoặc “đấu thầu dự án có sử dụng đất” để lựa chọn nhà đầu tư. 

Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn lực đất đai một cách minh bạch, công bằng thông qua “đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” chứ không chỉ định nhà đầu tư như một số trường hợp đã xảy ra trước đây.

Thứ tư là kiến nghị đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có quyền chuyển nhượng dự án bất động sản nhà ở thương mại.

Thứ năm là kiến nghị xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn trên thị trường vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Hiệp hội đề nghị, không vì một số ít doanh nghiệp có sai phạm, vi phạm pháp luật mà “siết quá chặt, siết quá đà, siết cả doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật” đang chiếm đa số trong nền kinh tế.

Thứ sáu, HoREA kiến nghị cho phép các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản kinh doanh đa ngành được hạch toán dùng phần lợi nhuận kinh doanh bất động sản để bù các khoản kinh doanh bị lỗ của các lĩnh vực khác.

Thứ bảy, Hiệp hội kiến nghị tại thời điểm hiện nay, chưa nên quy định “sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn (50 năm, 70 năm)” để phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được “sở hữu căn hộ nhà chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài” vì đây là tài sản có giá trị lớn muốn để lại cho con cháu, để không gây “biến động” trên thị trường bất động sản và trong xã hội

Thứ tám là kiến nghị bổ sung Luật Nhà ở quy định cơ chế chính sách “ưu đãi một phần” (có thể bằng phân nửa chính sách ưu đãi nhà ở xã hội) để phát triển “nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân nên không thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội”, đi đôi với đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; di dời, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch để tái thiết, tái phát triển đô thị bền vững.

Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung “tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ thuộc khu nhà trọ cho thuê” vào “Dự thảo TCVN Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế”.

Thứ chín, kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét “có kết luận dứt điểm” các dự án bị dừng triển khai do thực hiện công tác rà soát pháp lý, kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng thực hiện “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực”.

Thứ mười, Hiệp hội kiến nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm quy định tiêu chí tách thành dự án độc lập đối với diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại theo quy định của Nghị định 148/2020/NĐ-CP.

Mười một, Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ xem xét bổ sung thêm hai đối tượng được áp dụng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 15.000 tỉ đồng. Đó là người mua, thuê mua nhà ở xã hội theo phương thức vay thương mại và chủ nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê ở.

Cuối cùng, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định sửa đổi một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó có quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho công trình xây dựng không phải là nhà ở đưa vào kinh doanh như căn hộ văn phòng, căn hộ dịch vụ, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, nhà phố du lịch.