Hơn 70 ngày liền hầu như không có mưa, dân Trung Quốc nhiều nơi phải đào giếng khoan

Bảo Châu
17:35 - 28/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một nửa lãnh thổ Trung Quốc đang phải chịu hán hán nghiêm trọng đến bất thường. Không còn cách nào khác, nhiều người dân tại nước này buộc phải khoan giếng để có nước cho sinh hoạt và sản xuất khi nguồn nước tại các ao hồ đều cạn kiệt.

Hơn 70 ngày liền hầu như không có mưa, nhiều nơi ở Trung Quốc buộc phải đào giếng khoan - Ảnh 1.

Người đàn ông đứng cạnh một hồ nước đã cạn kiệt ở thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc,

ngày 20/8/2022. Ảnh: AP

Cấp tốc khoan giếng

Sau hơn 70 ngày liền nhiệt độ cao khắc nghiệt và hầu như không có mưa, Trung Quốc đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, buộc chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về hạn hán vào đầu tháng 8, khi nhiệt độ cao kỷ lục tiếp tục thiêu đốt các khu vực dọc sông Trường Giang.

Không còn cách nào khác, nhiều người dân buộc phải nhanh chóng tìm thợ khoan giếng để có nước cho sinh hoạt và sản xuất khi nguồn nước tại các ao hồ xung quanh đều cạn kiệt.

Các nhóm thợ khoan giếng đã và đang phải làm việc tới 15 giờ/ngày để có thể phục vụ cho nhu cầu của người dân ứng phó với đợt hạn hán tàn khốc nhất trong lịch sử của Trung Quốc.

Gao Pucha, 42 tuổi, dẫn đầu một đội khoan giếng ở làng Dashan, thành phố Cửu Giang, Trung Quốc, cho biết: "Tất cả ngôi làng này đều đặc biệt khô hạn. Khi nhận được yêu cầu khoan giếng, chúng tôi bắt đầu từ sớm và làm đến tối muộn. Chúng tôi đã phải làm việc hơn 15 tiếng mỗi ngày".

Hơn 70 ngày liền hầu như không có mưa, nhiều nơi ở Trung Quốc buộc phải đào giếng khoan - Ảnh 2.

Nắng nóng đã ảnh hưởng nặng nề đến nền nông nghiệp Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo Reuters, ở một ngôi làng khác gần đó, một người đàn ông họ Chen, 72 tuổi, đã phải đi khắp các cánh đồng để tìm những ngọn lúa còn sót lại từ máy gặt và mang về cho gà ăn. Người này cho biết: "Mè, ngô, khoai lang, bông vải ở các vùng đất khô hạn đều bị chết khô". Chỉ những cánh đồng lúa gần hồ chứa mới có thể lấy được nước "nên tình trạng tốt hơn một chút".

Chỉ trong tháng 7/2022, nhiệt độ cao đã gây thiệt hại kinh tế trực tiếp 2,73 tỷ nhân dân tệ (400 triệu USD) cho Trung Quốc, ảnh hưởng đến 5,5 triệu người và 457.500 mẫu đất.
Theo dữ liệu được chính phủ Trung Quốc công bố ngày 25/8/2022

Hạn hán nghiêm trọng bất thường

Một nửa lãnh thổ của Trung Quốc đang chịu hán hán. Đầu tuần này, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết miền Nam nước này đã ghi nhận khoảng thời gian nhiệt độ cao liên tục dài nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi lại cách đây 60 năm.

Ngày 24/8, tỉnh Giang Tây đã nâng mức ứng phó khẩn cấp với hạn hán từ cấp 3 lên cấp 4, mức cao nhất trong hệ thống xếp hạng 4 cấp của Trung Quốc. Tỉnh Giang Tây là một trong 13 vùng sản xuất ngũ cốc lớn của nước này.

Các vùng đất phía Nam Trung Quốc, bao gồm Cao nguyên Tây Tạng, đang trải qua nạn hạn hán từ nghiêm trọng đến bất thường. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Trường Giang, trải dài từ duyên hải Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên ở Tây Nam Trung Quốc. Khu vực này là nơi sinh sống của hơn 370 triệu dân và có một số trung tâm sản xuất, bao gồm siêu đô thị Trùng Khánh. Trùng Khánh đã trải qua đợt nắng nóng dai dẳng khắc nghiệt nhất kể từ năm 1961 đến nay.

Nắng nóng đã ảnh hưởng nặng nề đến nền nông nghiệp Trung Quốc vốn phụ thuộc nghiêm trọng vào thời tiết và khiến hàng loạt nhà máy trên khắp đất nước phải ngừng hoạt động.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo: Đợt nắng nóng và hạn hán chưa từng có sẽ đe dọa vụ thu hoạch vào mùa thu, gây thêm áp lực đến nguồn cung toàn cầu - vốn đã bị ảnh hưởng do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Chính quyền các địa phương của Trung Quốc đã được chỉ thị làm mọi việc có thể để tăng nguồn cung nước và bảo vệ vụ mùa. Nông dân bị thiệt hại mùa màng sẽ được kêu gọi tái canh và mưa nhân tạo sẽ được tạo ra bất kỳ nơi nào có thể.

Cũng trong tháng 8 này, giới chức Trung Quốc cảnh báo nhiệt độ ở nước này đang tăng nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới. Đợt nóng phá kỷ lục hiện nay đã gây quan ngại về khả năng nhanh chóng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn tài nguyên nước vốn đã khan hiếm.

Ngày 23/8, Chính quyền cũng đưa ra "báo động đỏ" về cháy rừng, cảnh báo tình hình đặc biệt nguy hiểm ở các khu vực Trung và Nam Trùng Khánh và phía Đông Tứ Xuyên.