Hơn 22.000 ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới, cảnh báo gia tăng số ca tử vong tại châu Âu
Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo số ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng sau khi ghi nhận những ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Phi.
Ca tử vong đầu tiên vì đậu mùa khỉ ở Ấn Độ
Theo Hãng tin Indian Express của Ấn Độ ngày 30/7, nước này đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì bệnh đậu mùa khỉ ở bang Kerala, thuộc miền nam Ấn Độ.
Nạn nhân là một người đàn ông 22 tuổi, mới trở về nước từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tuần trước. Người này được cho là không có biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ khi trở về nước.
Hiện chính quyền bang Kerala đã mở cuộc điều tra để tìm hiểu đầy đủ thông tin liên quan ca tử vong này. Toàn bộ những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đều được tiến hành cách ly và theo dõi sức khỏe.
Đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 3 trường hợp ở bang Kerala và 1 trường hợp ở Delhi. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của nước này đã được công bố điều trị thành công và cho kết quả âm tính. Các bệnh nhân khác hiện trong tình trạng sức khỏe tốt và đang trong quá trình điều trị y tế tích cực.
Cảnh báo gia tăng số ca tử vong tại châu Âu
Ngày 30/7, giới chức Tây Ban Nha xác nhận nước này đã phát hiện ca tử vong thứ hai vì đậu mùa khỉ sau nhiều ngày dịch bùng phát. Trước đó ngày 29/7, Tây Ban Nha đã ghi nhận bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên tử vong, cùng ngày với Brazil. Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, cả hai nạn nhân đều là nam thanh niên. Đây là những ca tử vong đầu tiên ở châu Âu kể từ khi dịch lan rộng ra ngoài châu Phi.
Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo số ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng sau khi ghi nhận những ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Phi.
Bà Catherine Smallwood, một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Âu, nhận định khi mà bệnh đậu mùa khỉ ngày càng lây lan ở châu Âu thì số ca tử vong vì bệnh này sẽ gia tăng. Hiện nay, hầu hết các ca bệnh hiện nay đều tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên bệnh vẫn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Theo bà Catherine Smallwood, những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân đậu mùa khỉ mà cần nhập viện là khi họ cần kiểm soát cơn đau, nhiễm trùng thứ phát và trong một số ít trường hợp cần kiểm soát các biến chứng đe dọa tính mạng như viêm não.
Vaccine đậu mùa khỉ khan hiếm
Hiện tại chỉ có vaccine của công ty Bavarian Nordic (Đan Mạch) là vaccine duy nhất được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Công suất của công ty này trong năm 2022 là khoảng 30 triệu liều, trong đó khoảng 16 triệu liều đã có sẵn.
Tháng 5/2022, công ty Bavarian Nordic từng yêu cầu Mỹ tạm thời bỏ qua hơn 215.000 liều dự kiến được chuyển tới nước này để "hỗ trợ các đề nghị của quốc tế mà công ty này nhận được" và được nước này chấp thuận. Cho tới nay, Mỹ là nước đặt mua lượng vaccine nhiều nhất, với 13 triệu liều đã đặt và khoảng 1,4 triệu liều đã được chuyển giao.
Tiến sĩ Meg Doherty, Giám đốc các chương trình toàn cầu về HIV, viêm gan và STI (bệnh lây nhiễm qua đường tình dục) của Tổ chức Y tế thế giới, cho rằng một cách tiếp cận công bằng là rất quan trọng để đảm bảo vaccine phòng đậu mùa khỉ không chỉ có sẵn ở các quốc gia giàu có mà còn ở châu Phi, nơi bệnh đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Xuất hiện triệu chứng mới
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí British Medical Journal (BMJ) ngày 27/7/2022, nhóm chuyên gia tại Guy's and St Thomas 'NHS Foundation Trust ở London, Anh, cho biết: Sưng dương vật, đau trực tràng đang dần phổ biến ở những người mắc đậu mùa khỉ của đợt bùng phát hiện tại.
Theo Newscientist, Giáo sư Julia Bilinska và các cộng sự của nghiên cứu này đã mô tả các triệu chứng của 197 người, tất cả đều là nam giới, xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ từ tháng 5 đến tháng 7/2022.
Trong số đó, 71 ca bị đau trực tràng, 31 người bị sưng dương vật. Đặc biệt, 20 người đã phải nhập viện để kiểm soát các triệu chứng. Riêng 8 ca bị đau hậu môn, trực tràng, 5 người sưng dương vật không thể chịu được đau đã phải nhập viện.
Tất cả người tham gia đều có một số dạng tổn thương trên da hoặc niêm mạc ở vùng miệng hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra phát ban giống thủy đậu lan rộng, tiến triển thành mụn nước chứa đầy dịch và cuối cùng đóng vảy. Tuy nhiên, trong số 22 người tham gia, chỉ một người bị phát ban.
Hầu hết người tham gia nghiên cứu cho biết họ có các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ phổ biến hơn như sốt (62%), sưng hạch bạch huyết (58%) và đau nhức cơ bắp (32%).
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện chỉ 26,5% người tham gia báo cáo đã tiếp xúc gần gũi với người nào đó mắc đậu mùa khỉ hoặc có triệu chứng điển hình. Điều này khiến các nhà nghiên cứu lo ngại, khả năng người nào đó không có triệu chứng bệnh vẫn có thể phát tán virus. Lúc này người mắc bệnh có triệu chứng rất nhẹ hoặc không điển hình, virus âm thầm lây lan mà họ không hay biết.
Trước đó, ngày 25/7, Cơ quan An ninh Y tế Vương Quốc Anh đã thêm triệu chứng tổn thương đơn lẻ trên bộ phận sinh dục, hậu môn và khu vực xung quanh vào danh sách các dấu hiệu của đậu mùa khỉ, cũng như viêm vòi trứng, đau hoặc chảy máu hậu môn, trực tràng.
Nguy cơ trẻ em mắc đậu mùa khỉ
Hiện đã có hơn 80 trẻ em mắc đậu mùa khỉ ở một số quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới mới đây cho biết đang theo dõi chặt chẽ khả năng bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở nhóm đối tượng này.
Tuy con số trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số hơn 22.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới, nhưng vẫn khiến không ít người lo ngại rằng virus đậu mùa khỉ - hiện đang lây lan chủ yếu ở nam giới, đặc biệt là người nam có quan hệ đồng giới – có thể ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng dễ tổn thương khác như phụ nữ và trẻ em.
Theo các nhà khoa học, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm virus. Một khi có ai đó trong gia đình mắc đậu mùa khỉ, những người còn lại có thể dễ dàng lây nhiễm nếu dùng chung quần áo hoặc khăn tắm, chạm vào vết loét hoặc tiếp xúc da kề da.
Trẻ em được coi là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh này. Trung bình trẻ em nhiễm hàng chục loại virus mỗi năm, trong đó có cả bệnh phát ban truyền nhiễm như tay chân miệng. Như vậy, nếu bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở trẻ em thì khó có thể ngăn chặn được.
Bác sĩ Jay Varma – Giáo sư Khoa học sức khỏe dân số tại Weill Cornell Medicine (New York, Mỹ) cho biết: Không thể tránh khỏi việc một số trẻ em bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nhưng chưa được phát hiện và trẻ tiếp tục đi học. "Những gì chúng tôi chưa biết là khả năng những đứa trẻ sẽ lây bệnh cho bạn bè như thế nào, và nếu sự lây truyền xảy ra, liệu nó sẽ chỉ giới hạn trong một vài trường hợp hay gây ra một đợt bùng phát lớn".
Theo bác sĩ Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ của Tổ chức Y tế thế giới, đến nay hầu hết trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới đều do ở chung nhà với những người bị nhiễm bệnh khác, như cha mẹ hoặc người giám hộ. Tuy vậy, vẫn có một số ít dường như không có liên kết dịch tễ học, cho thấy có sự lây nhiễm từ nơi khác trong cộng đồng.
Ngoài ra, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua nhau thai trong thời kỳ mang thai. Từ đó có thể gây ra các biến chứng cho em bé, bao gồm cả thai chết lưu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google