Hồi ức Điện Biên phủ trên không của "thầy giáo tự vệ" Phạm Thượng Hàn

Ngô Hiển
12:28 - 24/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

51 năm đã qua nhưng hình ảnh B-52 cháy sáng bầu trời Hà Nội mãi là những tháng ngày hằn sâu trong ký ức của PGS.TS Phạm Thượng Hàn (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp, trường Đại học Bách khoa Hà Nội) - nhân chứng lịch sử tham gia trong trận đánh 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội.

Hồi ức Điện Biên phủ trên không của "thầy giáo tự vệ" Phạm Thượng Hàn- Ảnh 1.

Tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân cùng quân và dân Thủ đô bắn rơi 5 máy bay Mỹ tháng 12/1972. Ảnh tư liệu

Tháng 5/1970, ông Phạm Thượng Hàn tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Leningrad, Liên Xô với tấm bằng đại học xuất sắc. Sau khi về nước, ông được phân vào giảng dạy ở khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Tháng 12/1972, không quân Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc lần 2, cán bộ và sinh viên nhà trường được lệnh sơ tán lên tỉnh Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Là giảng viên trẻ với lòng đầy nhiệt huyết, ông Phạm Thượng Hàn và bạn cùng khoa Lê Ngọc Mậu xin ở lại với đội tự vệ trường để trông coi cơ sở vật chất của khoa và tham gia chiến đấu chống sự phá hoại của không quân Mỹ.

Hồi ức Điện Biên phủ trên không của "thầy giáo tự vệ" Phạm Thượng Hàn- Ảnh 2.

PGS.TS Phạm Thượng Hàn (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp, trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Ngô Hiển

Khi đó, trường Đại học Bách khoa được bố trí là một trận địa phòng ngự góp phần bảo vệ bầu trời Hà Nội. Phó Giáo sư Phạm Thượng Hàn cho biết: ''Ba trận địa súng cao xạ phòng không 14,5mm ngay trên nóc các tòa nhà C1, C9 và A1, A2, A3 của Trường Đại học Bách khoa khi đó cũng góp phần tạo nên lưới lửa phòng không tầm thấp của quân và dân Hà Nội đánh trả quyết liệt máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời Thủ đô".

Hàng ngày, ông Hàn lên phòng thiết bị của khoa ở nhà C1 để làm việc và kiểm tra đồ đạc. Một hôm, máy bay Mỹ ném bom khu Bách khoa, một quả bom rơi gần Hội trường C2 là nơi chứa vải cho công ty xuất nhập khẩu tạp phẩm Việt Nam (nay là Công ty cổ phần đầu tư và thương mại tạp phẩm Sài Gòn nhưng không gây thiệt hại gì. Đang ngồi trong phòng, nghe tiếng máy bay nên ông vội chui xuống đường hầm dây điện. 

Phó Giáo sư Phạm Thượng Hàn nhớ lại: ''Nếu bom nổ sập nhà C1 thì tôi cũng không thoát được''.

Buổi tối, ông trèo lên nóc nhà A3, nơi đặt khẩu súng 12 ly 7 với các thành viên đội tự vệ cùng tham gia chiến đấu. Khi có còi báo động máy bay đến, khắp nơi trong thành phố đồng loạt bắn đạn lên chống trả, cả bầu trời sáng rực như pháo hoa. 

Phó Giáo sư Phạm Thượng Hàn kể: ''Khi đó, vũ khí chúng ta chỉ có máy bay Mig 17, Mig 21, tên lửa Sam 1, 2 do Liên Xô viện trợ. Trong khi đó, Mỹ huy động lực lượng không quân lớn, với nhiều máy bay B-52, F111 cùng các loại máy bay hiện đại khác. Nhưng với sự mưu trí, lòng dũng cảm, quyết tâm quân và dân ta đã lập nên kỳ tích, tiêu diệt nhiều máy bay hiện đại, đập tan cuộc tấn công phá hoại miền Bắc lần hai của không quân Mỹ". 

Hết một đợt ném bom, ông Hàn sẽ cùng một số thành viên trong đội tự vệ đi kiểm tra tình hình xung quanh trường Bác khoa. Lúc đến ao Công đoàn, ông thấy xác của hai người bị cháy đen do trúng bom, cảnh tượng đó ông không bao giờ quên.

Đêm 20/12/1972, nghe đơn vị thông báo rằng sáng hôm sau có thể bãi Phúc Xá sẽ bị ném bom, ông vội vàng đạp xe đến báo cho gia đình chị gái là Phạm Ánh Tuyết để đi sơ tán. Ông đưa hai cháu nhỏ đi trước, còn vợ chồng chị gái dự kiến sẽ đi sơ tán sau. 

Hơn 5 giờ sáng ngày 21/12/1972, vợ chồng bà Tuyết nghe tiếng máy bay nên vội vàng xuống hầm trú ẩn. Một tốp máy bay B-52 của không quân Mỹ đã ầm ầm lao đến trút xuống khu lao động An Dương hơn 600 quả bom các loại. Trận bom đã cướp đi vĩnh viễn của An Dương 171 người, gây thương tích cho 151 người, phá hủy 126 ngôi nhà, thiệt hại 555 nhà ở, cơ sở kinh tế, nhà máy, cửa hàng, hợp tác xã bị tàn phá. Nhiều dãy nhà, trường học khu An Dương biến thành đống tro tàn đổ nát. Hai vợ chồng bà Tuyết may mắn thoát chết trong trận mưa bom đó. 

Trưa ngày 21/12, ông Hàn đã đạp xe xuống khu An Dương để xem tình hình gia đình chị gái. Buổi chiều, trên đường trở về trường Bách khoa ông đã chứng kiến tận mắt cảnh hai quả tên lửa từ máy bay tiêm kích bắn trúng cầu Long Biên. Những hình ảnh đó đến giờ ông vẫn không bao giờ quên. Sau này, ông có viết những vần thơ trong bài Hà Nội thiêng để hồi tưởng những tháng ngày đó:

Giặc Mỹ đến đem chiến tranh hủy diệt

Mười hai ngày đêm Điện Biên Phủ trên không

Những Khâm Thiên, Phúc Xá, An Dương

Máu đổ xuống nhà tan cửa nát

Hà Nội cháy vẫn cất cao tiếng hát

Tiến quân ca trầm bổng hát vang

Vẫn hiên ngang cờ đỏ sao vàng

Hà Nội đứng lên trả lời bằng lửa

Cả thành phố rồng bay lên phun lửa

Tầng tầng lớp lớp lửa đan xen

Khiến con ma thần sấm khiếp đen

Phải vội vã cúp đuôi bỏ chạy

Tiếng reo hò B52 bốc cháy

Rồng Thăng Long tiêu diệt lũ hung thần

Cùng Hà Nội cả đất nước vùng lên

Giành toàn thắng Bắc – Nam liền một dải.

Ngày 30/12/1972, không quân Mỹ dừng ném bom bắn phá miền Bắc và phải ký kết Hiệp định Pari để đi tới kết thúc chiến tranh. Hàng năm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn thường tổ chức kỷ niệm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không – Chiến thắng B52.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thượng Hàn vẫn được mời đến tham dự và gặp mặt các thành viên trong đội tự vệ. Họ cùng nhau ôn lại những ký ức sôi nổi nhưng rất hào hùng năm nào.

Thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhiều kỷ niệm Phó Giáo sư Phạm Thượng Hàn đã không còn nhớ, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 vẫn luôn được ông khắc ghi bởi bao nhiêu thế hệ đã hi sinh để đất nước hòa bình thống nhất như hôm nay. Ông tin tưởng các thế hệ trẻ sinh viên, nhất là các thế hệ sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội với tinh thần ham học hỏi, nhạy bén sáng tạo và đột phá, sẽ luôn đam mê học tập và nghiên cứu, dùng kiến thức, trí tuệ và công nghệ để góp phần xây dựng đất nước.