Hội Khuyến học Việt Nam tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả hoạt động

Nhóm Phóng viên

Nhóm Phóng viên

13:53 - 27/12/2024
Công dân & Khuyến học trên

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 5, khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026 xác định: thời gian tới tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả hoạt động hội trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Ngày 27/12, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 5, khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tham dự Hội nghị có GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam.
Cùng dự có các Phó Chủ tịch Hội: Trương Thị Hiền, Phạm Thị Hòe, Nguyễn Hồng Sơn, các thành viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học - Ảnh 1.

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 5, khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Thành Văn

Tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ năm khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025, trong đó nhấn mạnh một số điểm nghẽn, khó khăn mà Hội cần tập trung tháo gỡ.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025. Ảnh: Thiên Ân

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, hiện nay, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp nhưng hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác khuyến học, phong trào học tập suốt đời của người lớn. 

Công tác xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường đại học, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang tỉ lệ còn thấp.

Bên cạnh đó, trung tâm học tập cộng đồng ở một số địa phương chưa được quan tâm; một số nơi còn duy trì nhưng chưa đổi mới phương thức hoạt động; cơ sở vật chất thiếu, kinh phí hạn chế; sự phối hợp giữa ngành giáo dục và hội khuyến học với vai trò tham gia quản lý chưa được phát huy. 

Cán bộ làm công tác khuyến học (xã, phường, thị trấn) thay đổi và làm kiêm nhiệm nên không dành thời gian thỏa đáng cho công tác khuyến học.

Công tác phát triển quỹ khuyến học ở một số địa phương còn khó khăn. Một số tỉnh không lập Quỹ khuyến học theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. 

Hội Khuyến học các cấp được Thủ tướng giao thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg và Quyết định 677/QĐ-TTg nhưng nhiều tỉnh, thành phố giao cho hội khuyến học thực hiện mà không giao kinh phí; cán bộ chuyên quản tài chính chưa hướng dẫn hội khuyến học các cấp nghiệp vụ về xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, hợp đồng vụ việc… nên Hội gặp không ít khó khăn; cán bộ chuyên trách khuyến học ở nhiều huyện, xã, phường không có thù lao, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc.

Khó khăn, điểm nghẽn trong hoạt động khuyến học và những giải pháp tháo gỡ

Nêu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La Mai Thu Hương chia sẻ: "Trong bối cảnh đất nước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng tôi bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi trước những kết quả hoạt động của Hội khuyến học Việt Nam trong những năm vừa qua. 

Báo cáo hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam, báo cáo đánh giá thực hiện các Quyết định 387, 677 của Thủ tướng Chính phủ được Trung ương Hội tổng hợp rất đầy đủ. Tôi cho rằng hội khuyến học các cấp về cơ bản vững tin vào sự nghiệp khuyến học, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước với tinh thần tri thức là hành trang và là động lực, là điều kiện tất yếu để phát triển đất nước".

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La Mai Thu Hương nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thiên Ân

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La cho biết, năm 2024 là năm Cụm Khuyến học Tây Bắc rất khó khăn, đặc biệt sau cơn bão số 2 và số 3, 7/9 tỉnh thành của cụm chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, cụm cũng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Hội Khuyến học các địa phương, đặc biệt là Hội Khuyến học Việt Nam.

Bà Mai Thu Hương cũng nêu, thời gian qua, những điểm nghẽn của Hội Khuyến học nhiều tỉnh thành gặp phải đó là tổ chức bộ máy thiếu thống nhất, nguồn lực về con người không đủ để thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao. Do đó, bà Mai Thu Hương kiến nghị cần thống nhất tổ chức bộ máy, tiếp đến là thống nhất cơ chế chính sách về lương, phụ cấp cho người làm công tác khuyến học các cấp.

"Tôi đề xuất, trong thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ có hướng dẫn, văn bản chỉ đạo gửi cho Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành trong cả nước về việc thực hiện Nghị định 126/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội", Chủ tịch Hội Khuyến học Sơn La cho biết thêm.

Nhất trí với báo cáo tổng kết của Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương Nguyễn Hữu Đoan đề xuất, năm 2025, Hội Khuyến học Việt Nam tập trung vào khâu tổ chức, tạo điều kiện cho các cán bộ của hội khuyến học thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương Nguyễn Hữu Đoan đề xuất nâng mức thù lao cho cán bộ Hội Khuyến học. Ảnh: Thiên Ân

Theo ông Nguyễn Hữu Đoan, hiện, cả nước đang tập trung sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, đối với các hội, Trung ương chưa có định hướng, quy định cụ thể và rõ ràng.

Chính vì vậy, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương đề xuất Hội Khuyến học Việt Nam quan tâm, làm rõ vấn đề này và có thông tin rộng rãi. Đồng thời, cần có kiến nghị nâng mức thù lao cho cán bộ hội khuyến học...

Tại hội nghị, ông Phạm Trung Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ nhấn mạnh: "Chúng tôi ghi nhận những kiến nghị của Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Khuyến học tại các địa phương. Về nội dung liên quan đến Nghị định 126 cũng như các văn bản hướng dẫn, chúng tôi sẽ sớm biên soạn văn bản, sổ tay nghiệp vụ".

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học - Ảnh 5.

Ông Phạm Trung Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Văn

Một số nhiệm vụ trọng tâm của Hội Khuyến học trong năm 2025 cũng được các đại biểu dự hội nghị góp ý nhằm nâng cao hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Theo đó, ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng ban phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam đánh giá: "Trong thời gian vừa qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức, triển khai nhiều chương trình liên quan đến học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ".

Chia sẻ ý kiến về khuyến học xanh, ông Nguyễn Văn Chính cho rằng, trước hết, chúng ta cần xác định khuyến học xanh là làm gì và xây dựng những tiêu chí cụ thể.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng ban phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Văn

Theo Trưởng ban phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, khuyến học xanh là phải giáo dục mỗi người về bảo vệ môi trường, thông qua những hoạt động như trồng cây xanh, sản xuất xanh. Đơn cử, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với một số tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội để hội viên tham gia sản xuất xanh, trong đó nổi bật là nông nghiệp xanh hoặc nên có khuyến cáo, giáo dục về tiêu dùng xanh.

Ông Nguyễn Văn Chính cũng mong muốn Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa nhằm thúc đẩy công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Kết luận Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan đã tổng hợp và giải đáp những ý kiến của Hội Khuyến học địa phương trong phiên thảo luận. Đồng thời, nhấn mạnh, năm 2025, Hội sẽ thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm như trong báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra.

Đặc biệt là chú trọng triển khai nội dung khuyến học xanh, xanh hóa từ tư duy, xanh hóa tri thức, xanh hóa điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho việc dung nạp tri thức.

Với vai trò là một Hội xã hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung, chú ý triển khai một số vấn đề liên quan đến quản lý giáo dục học sinh ngoài nhà trường.

"Hội khuyến học địa phương cần duy trì phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi... để giáo dục học sinh. Bên cạnh đó, theo dõi, tuyên dương học sinh có thành tích học tập tốt, có những việc làm hay, gương mẫu, đồng thời liên hệ, phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh chưa ngoan", GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam bầu bổ sung bà Nguyễn Minh Châu - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn và ông Phạm Ngọc Hưng - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Ninh Bình vào Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Bình luận của bạn

Bình luận