Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ 7 khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026
Ngày 26/12, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 7 khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cùng dự có các Phó Chủ tịch Trung ương Hội: Trương Thị Hiền, Phạm Thị Hòe, Nguyễn Hồng Sơn và các thành viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam.
Khai mạc hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, hoạt động xây dựng xã hội học tập, khuyến học khuyến tài thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực; hội khuyến học các cấp đã tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn.
GS.TS Nguyễn Thị Doan đánh giá, năm 2024, Hội Khuyến học Việt Nam đã có đóng góp rất lớn vào sự phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện công tác khuyến học năm 2025.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn tại các địa phương; tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 49-KL/TW; thảo luận về hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng sau khi sáp nhập với trung tâm văn hoá, thể thao, du lịch...
Về phương hướng, GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận phương hướng nhiệm vụ năm 2025 theo định hướng Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng thời nhấn mạnh đến việc triển khai khuyến học xanh cùng với việc thực hiện tốt hơn nữa nguyên lý giáo dục, đó là kết hợp với gia đình, nhà trường trong giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên...
Uy tín của hội khuyến học ngày càng được nâng cao trong xã hội
Báo cáo tổng kết công tác của Hội Khuyến học Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng khẳng định, năm 2024, các cấp hội khuyến học từ Trung ương đến cơ sở đã làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cũng như về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời, triển khai tích cực Chương trình 387 và Chương trình 677 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức hội các cấp tiếp tục được kiện toàn, củng cố xây dựng và đi vào hoạt động nề nếp, thực hiện tốt nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Nhìn chung, số lượng hội viên và tổ chức hội đều tăng so với năm 2023. Theo báo cáo của hội khuyến học các tỉnh, thành phố, đến nay số hội viên và tổ chức hội như sau: Số hội viên khuyến học cả nước là: 27.301.091 người, tỷ lệ 28% trên tổng số dân (tăng 1,2% so với năm 2023). Số hội khuyến học cơ sở là: 10.683 hội. Số chi hội khuyến học là: 132.858 chi hội. Số ban khuyến học là: 143.820 ban.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, năm 2024, công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh, đã có tác dụng tích cực thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội học tập.
Chương trình “Khuyến học - Hành trình tri thức” và Tạp chí Công dân và Khuyến học tuy mới được thành lập nhưng đã khắc phục khó khăn, giới thiệu các tấm gương điển hình, kết nối với hội khuyến học của các tỉnh, thành phố để cung cấp tin, bài, các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tuy gặp khó khăn nhưng công tác xây dựng, vận động quỹ khuyến học các cấp tuy gặp khó khăn vẫn được duy trì và phát triển, nhất là quỹ khuyến học của dòng họ; bình quân năm sau cao hơn năm trước, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng, phát triển quỹ.
Công tác khen thưởng, trao học bổng khuyến khích thành tích học tập, khuyến khích tài năng được thực hiện kịp thời, có ý nghĩa tích cực, động viên nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, các điển hình, nhân tố mới, động viên phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong mọi tầng lớp nhân dân.
Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện duy trì, phát triển Quỹ khuyến học, khuyến tài theo đúng các quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Nghị định số 136/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 93/2019; Quy chế số 225/QĐ-HKHVN về quản lý, sử dụng nguồn tài chính, tài sản của Hội Khuyến học VN. Năm 2024, Quỹ Khuyến học Việt Nam tổng thu 4,384,382,170 đồng; Quỹ đã chi 5,279,512,273 đồng.
Tiếp tục, nhận đỡ đầu cho 20 học sinh mồ côi cha, mẹ do đại dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung ương Hội đang xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển Quỹ Khuyến học Việt Nam giai đoạn 2026-2031”. Tổ chức Lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ 4 cho 290 học sinh và 173 người lớn của 14 cơ quan Trung ương và 25 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Việc phối hợp với các bộ, cơ quan ban, ngành ở Trung ương và các sở ban, ngành, đoàn thể ở địa phương về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục được quan tâm và mở rộng đến các lực lượng vũ trang, các đảng ủy khối cơ quan cấp tỉnh, khối doanh nghiệp...
Điều này tạo nên uy tín của hội khuyến học ngày càng được nâng cao trong xã hội, được chính quyền các cấp ngày càng tạo điều kiện để hội hoạt động tốt hơn. Đặc biệt, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được nâng lên rõ rệt.
Cũng theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn tồn tại một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp nhưng hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác khuyến học, phong trào học tập suốt đời của người lớn.
Công tác xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, các trường đại học, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang tỷ lệ còn thấp.
Trung tâm học tập cộng đồng ở một số địa phương chưa được quan tâm; một số nơi còn duy trì nhưng chưa đổi mới phương thức hoạt động; cơ sở vật chất thiếu, kinh phí hạn chế; sự phối hợp giữa ngành giáo dục và hội khuyến học với vai trò tham gia quản lý chưa được phát huy.
Cán bộ làm công tác khuyến học các cấp xã, phường, thị trấn thay đổi và làm kiêm nhiệm nên không dành thời gian thỏa đáng cho công tác khuyến học.
Công tác phát triển quỹ khuyến học ở một số địa phương còn khó khăn. Một số tỉnh không lập Quỹ khuyến học theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. Hội Khuyến học các cấp được Thủ tướng giao thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg và Quyết định 677/QĐ-TTg nhưng nhiều tỉnh, thành phố giao cho hội khuyến học thực hiện mà không giao kinh phí; cán bộ chuyên quản tài chính chưa hướng dẫn hội khuyến học các cấp nghiệp vụ về xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, hợp đồng vụ việc… nên Hội gặp không ít khó khăn.
Cán bộ chuyên trách khuyến học ở nhiều huyện, xã, phường không có thù lao, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc (hiện đang có 1 hội cấp tỉnh, gần 40% hội cấp huyện và trên 50% hội cấp xã chưa được công nhận là hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ).
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận và biểu quyết một số nội dung để chuẩn bị cho hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 27/12/2024.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google