Tại sao học sinh lớp 10 phải đến cuối năm học mới được chuyển tổ hợp môn?

Nguyễn Khanh
12:13 - 11/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh lớp 10 được chuyển đổi tổ hợp môn học lựa chọn khiến phụ huynh và học sinh đều vui mừng. Tuy nhiên, chuyển càng sớm càng thuận lợi cho học sinh trong định hướng nghề nghiệp.

Trước những khó khăn phát sinh trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các trường Trung học phổ thông nên Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập.

Việc Bộ ban hành văn bản hướng dẫn được dư luận đồng tình bởi đây là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai giảng dạy chương trình mới ở lớp 10 nên các nhà trường, học sinh, phụ huynh còn bỡ ngỡ trong việc lựa chọn môn, cụm chuyên đề lúc ban đầu.

Song, điều mà nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn là tại sao Bộ không cho phép học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập vào cuối học kỳ I (nếu học sinh cảm thấy không phù hợp hoặc đuối sức) mà phải đợi đến cuối năm học? Bởi, nếu được chuyển sớm sẽ bớt những khó khăn cho học sinh khi bổ sung kiến thức và nhà trường cũng nhẹ nhàng hơn trong khâu hỗ trợ học trò.

Tại sao học sinh lớp 10 phải đến cuối năm học mới được chuyển tổ hợp môn? - Ảnh 2.

Học sinh Quảng Nam trong chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2022. Ảnh: Đại học QG TPHCM

Theo hướng dẫn của Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023 thì học sinh lớp 10 năm nay sẽ phải lựa chọn một số môn học và chuyên đề học tập.

Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn như sau:

"Mỗi trường trung học phổ thông xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 05 môn học được chọn từ 03 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 01 môn học); vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nhà trường công khai các tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp.

Xây dựng các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phải phù hợp với định

hướng nghề nghiệp; học sinh chỉ được chọn cụm chuyên đề trong các môn học

bắt buộc và các môn học đã lựa chọn.

Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất,

Âm nhạc, Mĩ thuật) nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện

tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn. Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở giáo dục và Đào tạo".

Chính vì nhà trường xây dựng tổ hợp nên dẫn đến tình trạng có những tổ hợp xen kẽ môn học mà học sinh không yêu thích, không phải là môn sở trường và cũng không phục vụ xét tuyển đại học sau này. Bởi, giai đoạn cấp Trung học phổ thông lại giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, nhà trường phải căn cứ vào nhân sự của trường để xếp tổ hợp nhằm đảm bảo nhân sự hiện có của nhà trường để không phát sinh tình trạng có giáo viên thừa tiết nhưng lại có giáo viên thiếu tiết theo định mức. Bởi, thiếu thì không thể trừ lương giáo viên nhưng thừa tiết thì bắt buộc phải tính tiền thừa giờ. Trong khi, kinh phí trường công lập do ngân sách nhà nước cấp và nhân sự thì cũng cấp trên điều về nên các trường phải "liệu cơm gắp mắm" cho phù hợp với thực tế.

Vậy nên, khi bước vào học tập thì có những em cảm thấy tổ hợp hoặc chuyên đề học tập quá sức với mình hoặc đó là những môn mình không thích, không thiết thực với việc tính toán cho tương lai sau này. Nhưng, khó khăn trong việc đổi môn lựa chọn, đổi cụm chuyên đề học tập.

Đặc biệt, khi học sinh chuyển trường từ địa bàn này sang địa bàn khác thì nhiều em không chuyển được vì giữa các trường có những khác nhau trong việc xếp tổ hợp và cụm chuyên đề học tập. Chính từ những khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện và những sự việc này liên tục được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo về sự việc này.

Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn: "Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo".

Theo hướng dẫn này, nút thắt của học sinh với nguyện vọng được chuyển đổi tổ hợp môn học đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, đã cho phép chuyển đổi, tại sao không chuyển càng sớm càng tốt mà phải đợi đến thời điểm kết thúc năm học?

Học sinh được chuyển đổi vào cuối học kỳ I sẽ thuận lợi hơn

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học, nếu được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi sẽ tự bổ sung kiến thức ở lớp trước đó.

Với hướng dẫn như thế này, học sinh và giáo viên vẫn gặp khó khăn vì học sinh đã hoàn thành năm học đầu tiên mà đổi môn thì lượng kiến thức phải bổ sung khá nhiều. Lúc này, các em phải tự bổ sung kiến thức đối với môn học mới ở lớp dưới (môn học, chuyên đề sẽ chọn ở lớp 11) là điều không hề đơn giản vì các em còn phải học các môn học khác. 

Hơn nữa, mặc dù văn bản hướng dẫn nhà trường có giải pháp hỗ trợ nhưng cũng không hề đơn giản. Bởi lẽ, nếu như trong trường các khối học trái buổi, có thể xếp học sinh học với các em khóa sau để bổ sung kiến thức nhưng nếu các khối trong trường học cùng buổi thì nhà trường hỗ trợ bằng cách nào? Vì bố trí người dạy riêng cho một vài học sinh cũng đồng nghĩa phát sinh thêm giờ, thêm tiết cho giáo viên. Khoản phát sinh này, nhà trường lấy ở đâu để chi trả cho giáo viên?

Vì thế, thay vì mãi đến cuối năm, học sinh mới được thay đổi môn học, chuyên đề học tập thì có thể cho phép đổi từ cuối học kỳ I sẽ thuận lợi hơn rất nhiều bởi lúc này kiến thức mới chỉ có 1 học kỳ. Học sinh có thể nhanh chóng hoàn thiện kiến thức môn học mới vì kiến thức ít hơn, áp lực kiểm tra cũng nhẹ hơn. Nhà trường cũng thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ cho học trò.

Bên cạnh đó, việc học sinh tự bổ sung kiến thức là điều không hề đơn giản mà để hết một năm học mới được chuyển thì sẽ khó khăn cho các em nhiều hơn và phát sinh thêm nhiều bất cập cho cả nhà trường.