Học sinh xin điểm để đạt loại giỏi - việc có bình thường không?
Mỗi năm sau kỳ kiểm tra cuối học kỳ 2, chuyện xin điểm ở nhiều cấp học lại râm ran. Giáo viên trực tiếp đặt vấn đề xin điểm với giáo viên. Có người tắt điện thoại vì người quen thân hoặc bà con họ hàng nhờ vả xin điểm cho ai đó. Phụ huynh, học sinh đã đến lúc coi việc xin điểm là bình thường?
Phụ huynh học sinh - người dùng tình cảm, người lại dùng các mối quan hệ để tác động, đưa giáo viên vào thế khó từ chối chữa điểm.
Điều đáng nói là thời gian gần đây, xuất hiện khá nhiều học sinh tự tìm đến thầy cô năn nỉ, thuyết phục xin được nâng điểm để đạt được danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc.
Xin thầy cô cho em điểm cao để...
Thầy giáo Đức Mạnh - giáo viên một trường trung học cơ sở kể: "Đang đi trên sân trường, nghe tiếng chào thầy phía sau, tôi quay lại nhận ra cô bé lớp trưởng lớp 8C. Sau lời chào thầy, em C. đặt thẳng vấn đề mà không một chút do dự: "Thầy ơi! Thầy sửa lại cho em con điểm kiểm tra miệng được không?"
"Thầy nhớ hôm qua kiểm tra, em đạt điểm 8 rồi mà? Điểm 8 sao mà cần sửa gì hả em?". Thầy Mạnh chưa dứt lời, học sinh lại nói tiếp: "Điểm bài thi của em toàn điểm 10, có vài con điểm 9 thôi. Giờ bị con điểm 8, em sợ không được học sinh xuất sắc sẽ bị ba mẹ mắng".
Nói rồi cô học sinh năn nỉ tiếp: "Đồng ý nha thầy, mai cho em kiểm tra lại cũng được. Em muốn được điểm 10, không thì điểm 9 cũng được thầy ạ".
Thầy giáo Đức Mạnh nói: Đó là trường hợp tôi nhất quyết không cho sửa điểm vì ai đời học sinh lại cả gan mặc cả với thầy. Nếu xin sửa điểm vì sợ ở lại lớp còn có thể hiểu được, đằng này xin sửa điểm để nhận danh hiệu học sinh xuất sắc!
Đó chưa phải học sinh duy nhất xin thầy sửa điểm. Nhiều giáo viên khác cũng kể lại mình cũng đã được học sinh đặt thẳng vấn đề xin sửa điểm vì nhiều lý do như xin được thi lại, xin đủ điểm năm để được lên lớp, xin đủ điểm học sinh giỏi, học sinh xuất sắc…
Học sinh cũng nhuốm bệnh thành tích?
Những ngày cuối năm học, lướt mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những hình ảnh phụ huynh khoe thành tích học tập của con. Nào bảng điểm chỉ toàn điểm 9, 10, nào giấy khen phần thưởng. Con người khoe được, con mình không có gì khoe, có những bà mẹ đã lôi con mình ra chửi mắng xối xả, nói mát, hoặc lạnh nhạt hắt hủi con.
Những ngôn từ thậm tệ được bật ra, trút xuống đầu trẻ đang trong điệu bộ câm lặng nín nhịn. Có đứa trẻ sợ cảnh này, đã buông xuôi việc học cho muốn sao thì ra. Có bé lại lầm lũi học đêm, học ngày mong cải thiện điểm số cho vừa lòng mẹ cha. Có bé không thể đáp ứng bằng con đường nỗ lực vươn lên trong học tập, đành chọn một số cách với hy vọng tăng cao điểm số.
Đã sợ hãi thì hay làm liều, vào giờ kiểm tra học sinh nhanh chóng tìm mọi cách để mở tài liệu chép bài. Hoặc nước cùng thì đánh liều đặt vấn đề xin thẳng thầy cô điểm số. Nếu thất bại, sẽ tìm mọi mối quan hệ thân thiết khác để nhờ vả thêm.
Giáo viên bị áp lực vì học trò xin điểm
Khi bị ai đó đặt vấn đề xin điểm, giáo viên thường bị lâm vào tình thế khó xử. Nếu là học sinh, là phụ huynh còn thẳng thừng từ chối, nhưng nếu là đồng nghiệp, là bà con, người ơn hay thậm chí là lãnh đạo của mình thì thật đau đầu vì suy nghĩ.
Đồng ý sửa điểm không chỉ vi phạm quy tắt chuyên môn còn tạo bất công giữa các em học sinh với nhau. Không đồng ý cho điểm thì từ đó về sau, "nhìn mặt" nhau cũng khó. Đã từng có những thầy cô giáo khi từ chối khi cấp trên xin điểm đã bị đưa vào "tầm ngắm." Và từ đó về sau, bị hành lên bờ xuống ruộng để những người khác thấy làm gương vì dám cả gan "chống đối".
Có người tặc lưỡi "chẳng mất gì của mình nên ừ đại cho yên chuyện". Thế là, chuyện sửa điểm cũng được thoả hiệp. Tuy nhiên, không ai còn dám sửa điểm bài kiểm tra hay huỷ bài kiểm tra cho học trò làm lại.
Cách sửa điểm an toàn nhất hiện nay là xoá đi con điểm miệng thấp, kiểm tra lại hoặc "cấy" thành con điểm cao.
Khi việc sửa điểm đạt được như mong muốn cũng là lúc tiền lệ và thói quen được đặt ra. Những học sinh thường hay xin điểm sẽ không còn nhiều sự chăm chỉ, sự cố gắng để đạt được kết quả tốt mà cứ học như vậy để khi cần lại sử dụng bài xin điểm như trước kia. Giáo viên cho sửa điểm được một lần cũng sẽ có thêm nhiều lần khác.
Muốn chấm dứt tình trạng này cũng không hề khó. Đó là việc, trước ngày kiểm tra định kỳ, nhà trường cần yêu cầu giáo viên thực hiện việc ghi điểm các môn học đã có từ trước và thực hiện việc đánh giá, nhận xét những môn học không có điểm số.
Sau đó, chuyên môn nhà trường sẽ ghi nhận kết quả và thực hiện việc khoá quyền chỉnh sửa cho giáo viên. Khi kiểm tra xong, giáo viên tiếp tục vào điểm, tính điểm tổng kết. Nhà trường sẽ kiểm tra và đối chiếu với những con điểm trước đó để ghi nhận kết quả cuối cùng.
Có lẽ việc này cũng sẽ giúp các giáo viên công khai việc không thể sửa điểm cho học sinh, tạo công bằng và trong sạch môi trường sư phạm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google