Tồn tại các bí kíp làm đẹp học bạ chỉ phục vụ tuyển sinh đại học?

Phan Huyền
19:00 - 21/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hiện, nhiều trường đại học trong cả nước đã bắt đầu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ. Nhiều người lo ngại, với phương thức tuyển sinh này sẽ không đánh giá đúng năng lực của học sinh vì độ tin cậy vào học bạ ở cấp phổ thông vẫn còn hạn chế.

Trong thực tế có xảy ra tình trạng một cuốn "học bạ xấu" được "phù phép" làm thành "học bạ đẹp" không? Có việc "tẩy trắng" cuốn học bạ từ kết quả yếu kém, thậm chí trung bình sang cuốn học bạ chỉ toàn điểm khá, giỏi hay không?

Câu trả lời là, sẽ rất khó có tình trạng đó xảy ra. Bởi về lý thuyết, hiếm có giáo viên đánh đổi cả sự nghiệp, danh dự của mình để làm chuyện đó.

Một giáo viên chỉ có thể sửa được điểm số môn dạy của mình. Trong khi để thay đổi một cuốn "học bạ xấu" thành cuốn "học bạ đẹp" phải nhiều giáo viên "chung sức" cùng sửa.

Thực tế, các giáo viên vẫn biết có những bí kíp truyền tai nhau để "tẩy trắng" kết quả học tập cho tất cả học sinh trong nhà trường một cách công khai và đúng quy trình.

Các "bí kíp" làm đẹp học bạ thực hiện như thế nào?

Nới rộng biên độ cho điểm - chủ trương của nhà trường

Một số giáo viên đang giảng dạy tại trường trung học phổ thông ở địa phương cho biết, chất lượng giáo dục của nhà trường gần như thay đáng kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy điểm học bạ vào quá trình xét tốt nghiệp bậc trung học phổ thông.

Trước đây, học sinh trong trường nhận được con điểm 7, 8 từ thầy cô đã là giỏi, nhận được điểm 9, 10 phải đặc biệt xuất sắc (số này vô cùng hiếm, chỉ có học sinh lớp chọn mới đạt được).

Thế nên cuối năm, học sinh nào của trường đạt học sinh tiên tiến đã là vô cùng hãnh diện với nhiều bạn bè trong và ngoài nhà trường. Với các trường vài ngàn học sinh thì số lượng học sinh đạt loại giỏi của cả trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều người đánh giá, một học sinh đạt mức khá của trường đánh giá chính xác lực học vẫn hơn một học sinh giỏi của trường dễ dãi chất lượng. Vì thế, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh gần như chỉ quan tâm đến chất lượng học tập mà không màng đến điểm số đạt được thế nào. Vì vậy, hằng năm, học sinh khá giỏi bậc học trung học cơ sở đều đăng ký thi vào trường chất lượng kiểu này.

Tuy vậy, kể từ khi điểm học bạ được tham gia vào việc xét tốt nghiệp thì các trường đã thay đổi cách cho điểm, đánh giá học sinh.

Một số giáo viên cho biết, Ban giám hiệu chỉ đạo ngay trong cuộc họp hội đồng nhà trường, nếu giáo viên vẫn cứ cho điểm chặt tay như trước đến nay, học sinh trường mình sẽ bị thiệt thòi so với nhiều trường học khác.

Thế là, biên độ điểm của giáo viên cũng đã được điều chỉnh theo kiểu nới rộng hơn. Nếu như trước đây, học sinh trả lời câu hỏi như thế chỉ cho điểm 3 thì nay đã được nâng lên thành điểm 4 hoặc điểm 5. Thay vì đạt được điểm 6 sẽ được nâng lên thành điểm 7, điểm 8, còn điểm 8 sẽ được nâng lên thành điểm 9, điểm 10.

Ngay năm học đó, tỷ lệ học sinh đạt tiên tiến của trường tăng cao vượt bậc. Học sinh giỏi trước đây, có lớp không được em nào thì nay mỗi lớp ít nhất cũng có từ vài ba em trở lên.

Tồn tại các bí kíp làm đẹp học bạ chỉ phục vụ tuyển sinh đại học? - Ảnh 2.

Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu về các phương thức xét tuyển vào trường Đại học Đại Nam, đặc biệt là phương thức xét tuyển học bạ tuyển sinh 2023. Ảnh: Trường Đại học Đại Nam

Nhá đề, mớm đề ngay trong lớp học thêm

Hiện có khá nhiều hình thức dạy thêm, học thêm được tổ chức. Dạy thêm học thêm trong nhà trường dưới danh nghĩa dạy học phụ đạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, dạy học thêm ở nhà thầy cô, dạy học thêm ở trung tâm bồi dưỡng văn hóa mà người dạy cũng là các thầy cô giáo trong trường. Có học sinh vừa học thêm trong trường, vừa học thêm tại nhà thầy cô hoặc ở trung tâm.

Để hút học sinh đến các lớp học thêm, cũng có nhiều "bí kíp" được một số thầy cô giáo áp dụng. Nào là nhá đề, mớm đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết, kiểm tra học kỳ, cuối năm.

Những dạng bài tập, những câu hỏi sẽ phải trả lời… trong các đề kiểm tra, đề thi tại trường đôi khi cũng được mớm trước ở lớp học thêm. Về lớp, học sinh chỉ việc trả lời lại hoặc thay đổi số vào bài tập là có ngay điểm số cao chót vót.

Những học sinh tham gia học thêm còn có thêm điều lợi, được thầy cô ưu ái cho kiểm tra lại nếu khi kiểm tra bị điểm thấp.

Cho gỡ điểm để cải thiện điểm số

Nếu như trước đây, đặt chất lượng lên hàng đầu thì gần như giáo viên không cho học sinh đổi điểm thấp lấy điểm cao. Nếu lần kiểm tra thứ nhất (phổ biến kiểm tra miệng và 15 phút) bị 0, 1, 2… điểm, giáo viên nào dễ dãi lắm cũng chỉ cho gỡ điểm bằng cách lấy điểm kiểm tra lần sau cộng vào điểm kiểm tra lần trước và chia cho 2.

Những giáo viên khác muốn răn đe học sinh phải lo học thường giữ nguyên điểm kiểm tra lần đầu dù là điểm thấp.

Tuy nhiên hiện nay, liên quan đến việc xét tuyển học bạ, nhiều thầy cô giáo đã phải bỏ nguyên tắc của mình để "linh động" cho học sinh gỡ điểm. Có thầy cô sẵn sàng xóa điểm thấp lần đầu để lấy điểm gỡ lần sau cao hơn.

Làm sẵn đề cương ôn tập, ra đề kiểm tra sát với đề cương

Chuyện thầy cô ra đề cương còn soạn sẵn đề cương và sao chụp lại phát cho từng học sinh không còn là chuyện hiếm, nó đã trở thành chuyện bình thường ở nhiều trường học hiện nay.

Do trường học nào cũng đưa chỉ tiêu chất lượng môn học cao ngất ngưởng nên giáo viên cũng lo sợ môn mình giảng dạy đạt chất lượng kém. Thế là, giáo viên một mình đảm nhận tất thảy mọi việc từ ra đề cương, làm đề cương và sao chụp đề cương.

Đến gần ngày kiểm tra, đề cương còn được rút ngắn đến mức có thể. Thế là, gần như học gì ra đó nên chuyện học sinh bị điểm kém sẽ vô cùng ít còn điểm cao thì đại trà.

Báo trước thời gian kiểm tra 15 phút

Từ trước đến nay, nhiều học sinh vẫn sợ kiểm tra 15 phút vì giáo viên không bao giờ báo trước. Do kiểm tra bất thình lình nên không ít học sinh bị điểm thấp. Đã có không ít bài kiểm tra 15 phút chất lượng quá thấp, để cải thiện điểm số, nhiều giáo viên đã thông báo thời gian sẽ kiểm tra.

Khi đã biết thời gian cụ thể, gần như học sinh nào cũng lo học tủ bài. Thế là điểm kiểm tra 15 phút luôn cao chót vót. Nhiều thầy cô đã dùng cách này để cải thiện điểm số cho học sinh.

Với các "bí kíp" được dùng này, điểm số của học sinh đã được cải thiện rõ rệt. Vì thế mới có tình trạng, điểm tổng kết của một số học sinh ở mức khá, giỏi (7, 8, 9 điểm) nhưng thi vào lớp 10 hoặc thi tốt nghiệp phổ thông trung học đạt điểm yếu.

Chất lượng thật chỉ được bộc lộ khi các em tham gia một kỳ thi nào đó mà người ra đề không phải thầy cô giáo ở trường.

Vì thế, sự lo ngại của nhiều người khi tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ không phải là không có lý.

Cách nào ngăn chặn được việc làm học bạ đẹp?

Ai cũng hiểu, những bí kíp làm đẹp học bạ đã dẫn tới việc không đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh mà góp phần tạo ra chất lượng ảo. Tuy thế, với những bật bí về một số "bí kíp" được dùng như trên thì rất khó để gọi tên vi phạm quy định của mỗi cá nhân cũng như của mỗi trường học.

Không thể quy kết vi phạm sẽ không đủ căn cứ để xử lý. Vì thế, chỉ còn trông chờ vào lương tâm, trách nhiệm của những nhà giáo, vì sự công bằng của mỗi học sinh, vì tương lại của ngành giáo dục "dạy thật, đánh giá thật…"để thực hiện đúng chức trách được giao thì lúc ấy điểm học bạ mới đủ độ tin cậy.

Bình luận của bạn

Bình luận