Học sinh Trung Quốc không phải thức khuya để làm bài tập về nhà
Trường học ở Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) gần đây tuyên bố rằng, sau 9 giờ 30 phút tối, nếu học sinh vẫn chưa hoàn thành bài tập về nhà thì cũng không bị phạt.
Sau 9 giờ 30 phút tối, học sinh Trung Quốc không phải làm bài tập về nhà
Việc một trường tiểu học ở miền nam Trung Quốc đưa ra quy định học sinh phải ngừng làm bài tập về nhà sau 9 giờ 30 phút tối để đảm bảo ngủ đủ giấc đã làm dấy lên cuộc tranh luận về cách tốt nhất để giảm áp lực học tập.
Đây không phải là trường học hay cơ sở giáo dục địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng các phương pháp như vậy để thực hiện chính sách "giảm kép", nhằm giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh cũng như hạn chế việc dạy thêm.
Nhiều người cho rằng, quy định này có thể đảm bảo trẻ em được ngủ nhiều hơn và đây cũng là cách tốt nhất để giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh một cách căn bản.
Theo Xiong Bingqi - Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 Trung Quốc, cần có sự hợp tác từ phụ huynh nếu muốn quy định trên đạt được hiệu quả, bởi nhiều người thường yêu cầu con làm thêm bài tập.
"Sau khi hoàn thành bài tập về nhà do nhà trường giao, một số học sinh phải tiếp tục làm bài tập do cha mẹ hoặc trung tâm họ học thêm giao cho đến 10-11 giờ tối. Vì vậy, đây không phải là vấn đề chỉ do nhà trường quyết định", Giám đốc Xiong nói.
Ông Xiong cho biết thêm, mặc dù nhà trường có thể cho phép học sinh ngừng làm bài tập về nhà lúc 9 giờ 30 phút tối nhưng nhiều phụ huynh lại lo ngại rằng, những bài tập chưa hoàn thành có thể ảnh hưởng đến điểm số hoặc thứ hạng học tập của con họ.
Kể từ khi chính sách "giảm kép" được đưa ra vào năm 2021, hầu hết các trường tiểu học và trung học ở Trung Quốc đã giảm khối lượng bài tập của học sinh ở một mức độ nào đó.
Theo thông báo của Bộ Giáo dục Trung Quốc vào năm 2021, học sinh tiểu học nên được ngủ 10 tiếng mỗi đêm còn học sinh trung học cơ sở nên được ngủ 9 tiếng.
Theo Giám đốc Xiong, học sinh không được phát triển toàn diện là do cha mẹ của họ thường chú trọng vào kết quả học tập hơn là rèn luyện thói quen quản lý thời gian.
Ngoài ra, nguyên nhân cơ bản dẫn đến gánh nặng học tập đặt lên vai học sinh là do hệ thống đánh giá giáo dục của Trung Quốc. Kỳ thi tuyển sinh trung học và đại học vẫn dựa vào điểm chung để đánh giá học sinh và phụ huynh rất mong muốn con mình có được lợi thế cạnh tranh.
Do đó, Giám đốc Xiong cho rằng, nếu không thay đổi hệ thống đánh giá thì sẽ khó giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh.
"Chúng ta phải thúc đẩy những cải cách sâu rộng trong đánh giá giáo dục. Nếu không, những biện pháp giảm bớt gánh nặng này chỉ là những hành động hời hợt chứ không mang tính lâu dài, bền vững", Giám đốc Xiong cho hay.
Trung Quốc ban hành chính sách giảm kép nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh
Tháng 7/2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã hợp thức hóa dạy thêm bằng cách ban hành chính sách "giảm kép". Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh cũng như tình trạng cạnh tranh không công bằng trong giáo dục. Chính sách này đã được chính thức áp dụng từ năm học 2021.
Theo chính sách "giảm kép", học sinh lớp 1 và lớp 2 không cần làm bài tập về nhà bằng hình thức viết, chỉ đọc bài và tự ôn lại bài cũ. Đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 6, giáo viên chỉ được phép giao lượng bài tập vừa phải, làm sao cho các em hoàn thành trong vòng 1 giờ đồng hồ.
Nội dung của chính sách này cũng nhắm vào các cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài trường học. Cụ thể, họ sẽ không được dạy thêm ngoài trường học vào cuối tuần, các ngày lễ lớn, hoặc trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông.
Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các cơ sở dạy thêm phải soạn chương trình dựa trên kiến thức chính khóa và phải đăng ký giấy phép hoạt động dưới danh nghĩa là tổ chức phi lợi nhuận. Mọi hoạt động huy động vốn hoặc nhận đầu tư từ nước ngoài của các trung tâm dạy thêm sẽ bị cấm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google