Học sinh Nhật Bản cõng cặp sách nặng 10kg tới trường

Lam Linh
06:00 - 16/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sách giáo khoa ngày càng tăng số trang, kích thước và thiết bị học tập ngày càng nhiều khiến cặp sách của học sinh Nhật Bản đeo đến trường nặng lên tới 10kg.

Học sinh Nhật Bản cõng cặp sách nặng 10kg tới trường học - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 Nhật Bản đến trường với chiếc cặp sách nặng che kín lưng. Ảnh: Tadashi Kako

Vấn đề cặp sách nặng của học sinh Nhật Bản

Tại Nhật Bản, khi năm học mới bắt đầu, vấn đề cặp sách lại một lần nữa được đưa ra thảo luận. Vì các em học sinh hằng ngày phải cõng những chiếc cặp sách nặng trịch sách vở lên vai của mình, theo The Mainichi.

Cụ thể, theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2022 bởi Tập đoàn Footmark với trường học và người giám hộ của học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 trên toàn quốc cho thấy, trọng lượng cặp sách trung bình của học sinh tăng từ 3,97kg (năm 2021) lên đến 4,28kg (năm 2022). Một số gia đình nói rằng, cặp sách của học sinh nặng hơn 10kg.

Trong báo cáo này cũng chỉ ra rằng, số học sinh luôn cảm thấy cặp sách nặng đã tăng từ 50% (năm 2021) lên đến 60% (năm 2022). Trong đó, 27% học sinh cảm thấy đau ở vai, hông , lưng hoặc các bộ phận cơ thể khác do phải đeo cặp sách quá nặng.

Học sinh Nhật Bản cõng cặp sách nặng 10kg tới trường học - Ảnh 2.

Tại Nhật Bản, các em học sinh hằng ngày phải cõng những chiếc cặp sách nặng trịch lên vai của mình. Ảnh: Shinya Yamamoto

Giáo sư Đại học Takeshi Shirado – người giám sát cuộc khảo sát nói rằng, trọng lượng "lý tưởng" của một chiếc cặp sách dành cho học sinh là khoảng 2 đến 3 kg. Tuy nhiên, tình hình thực tế luôn vượt xa con số này.

Mẹ của một học sinh lớp 1 ở thành phố Kobe chia sẻ, lưng của con chị bị chiếc cặp sách che khuất. Người mẹ này hài hước nói rằng, con chị đeo cặp sách nhưng nhìn vào không khác gì một chiếc cặp sách biết đi.

Giáo sư Takeshi Shirado cho rằng, việc số hóa giáo dục và tác động của đại dịch COVID-19 là những yếu tố góp phần làm tăng trọng lượng cho chiếc cặp sách của học sinh.

Theo đó, bởi sự lây lan của các bệnh virus corona 19, nhiều học sinh đi học phải mang theo những vật dụng sinh hoạt cá nhân khác như chai nước.

Mặt khác, việc thoát khỏi hệ thống giáo dục theo xu hướng tự do thoải mái và chú trọng vào việc diễn giải dễ hiểu nhất cho học sinh đã dẫn đến việc sản xuất ra những quyển sách giáo khoa tăng về số lượng trang cũng như kích thước có lớn hơn trước.

Thêm vào đó, tại Nhật Bản, bắt đầu từ năm học 2022 đã áp dụng chương trình giảng dạy mới cho học sinh tiểu học, trong đó lập trình trở thành môn bắt buộc. Vì vậy, ngoài sách giáo khoa, học sinh tiểu học còn phải mang theo một số thiết bị kỹ thuật số để học tập.

Một học sinh lớp 5 ở Tokyo đã phải sử dụng một thiết bị kỹ thuật số nặng khoảng 1kg từ khi học lớp 3. Do thiết bị này không vừa cặp sách, học sinh này phải đựng trong một chiếc túi nhỏ hơn. Vào những ngày đến trường luyện thi, nữ sinh này cũng phải mang thêm một chiếc túi khác.

Theo lời kể của mẹ học sinh này, nữ sinh chỉ nặng 40kg, nhưng số "hành lý" em mang theo khi đi học nặng tổng cộng 6 đến 9kg. Vào những ngày luyện thi, con số này có thể vượt quá 10kg.

Giải pháp nào cho học sinh Nhật Bản vì những chiếc cặp sách nặng?

Trước tình hình đó, vào năm 2018, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã đưa ra thông báo, kêu gọi các trường linh hoạt hơn, cho phép học sinh để lại đồ dùng học tập không cần thiết ở nhà. Song, lời kêu gọi này không hiệu quả.

Tháng 2/2023, Hội đồng Giáo dục thành phố Kobe đã đưa ra lời kêu gọi mới nhằm giảm tải đồ đạc và giúp cho việc học ở nhà trở nên tích cực hơn. Đó là "karu-sta" (ghép giữa học tập và nhẹ nhàng) thay cho "okiben" (đem tất cả sách vở đến trường). Lời kêu gọi này không tập trung vào "những gì nên để lại ở trường" mà chú trọng vào "những gì cần mang về nhà".

Ví dụ, vào những ngày học sinh mang máy tính xách tay về nhà, học sinh sẽ tập trung vào việc học ở nhà bằng máy tính và để sách giáo khoa và vở ở trường.

Giáo sư Takeshi Shirado gợi ý: "Nếu không có biện pháp giải quyết, hành lý của học sinh mang đến trường có thể sẽ ngày càng nặng hơn. Người giám hộ và giáo viên cần chú ý đến đồ đạc của học sinh. Đồng thời, giúp học sinh tạo thói quen để đồ dùng học tập không cần thiết ở nhà hoặc ở trường".

Nguồn: The Mainichi