Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét lại việc dùng chứng chỉ ngoại ngữ thay thế điểm thi

Thiên Ân
12:08 - 25/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

"Chứng chỉ ngoại ngữ là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình hội nhập. Trong thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế điểm thi", Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương cho biết.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, năm học 2022-2023, công tác chấn chỉnh các hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý văn bằng, chứng chỉ đã theo hướng cải cách hành chính, chuẩn hóa, tinh gọn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét lại việc dùng chứng chỉ ngoại ngữ thay thế điểm thi - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đến ngày 15/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 45 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đối với 6 ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Trung); 11 cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của nước ngoài và 95 lượt cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của Việt Nam với 137 địa điểm thi trên toàn quốc.

Tuy nhiên, theo ông Chương, vẫn còn tình trạng một số địa phương không thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tăng cường quản lý liên kết, tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.

Thực tế này đã khiến nhiều đơn vị phải hoãn thi IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế khác hồi tháng 9/20233, gây ra tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.

Chứng chỉ ngoại ngữ là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình hội nhập. Trong thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét mức độ ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế điểm thi".
PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2023-2024, công tác quản lý chất lượng sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất lượng; chỉ đạo triển khai hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến chất lượng và các hoạt động đánh giá diện rộng chất lượng quốc gia, quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất, tinh gọn và hiệu quả; tiếp tục triển khai các kỳ thi cấp quốc gia an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Tiếp tục chấn chỉnh, chuẩn hóa hoạt động tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ; tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy chế công khai, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; quan tâm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng.