Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiếp tục giảm sâu
Nửa đầu năm 2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 784.575 tỉ đồng. Còn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiếp tục giảm sâu tới 79% so với quý trước.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 784.575 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 182.263 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 23,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 46.667 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 5,95% tổng dư nợ tín dụng.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 36.343 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 4,6% tổng dư nợ tín dụng.
Các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng có dư nợ tín dụng đạt 34.618 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 4,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Trong các dự án nhà hàng, khách sạn, dư nợ tín dụng đạt 56.864 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 7,25% tổng dư nợ tín dụng.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng, đạt 141.308 tỉ đồng.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất và đầu tư kinh doanh bất động sản khác lần lượt đạt 78.861 và 207.651 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ lần lượt 10,1% và 26,5% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, trong quý II/2022, theo thông tin của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý I, tương ứng với giá trị gần 8,6 nghìn tỉ đồng, giảm sâu tới 79% so với quý trước.
Trong tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu. Đến tháng 5, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 7.000 tỉ đồng.
Trong tháng 6, Vingroup dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với 100 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 2.300 tỉ đồng). Còn về trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, Novaland đứng đầu về giá trị phát hành trong tháng 6 với tổng giá trị phát hành gần 2.300 tỉ đồng, xếp sau là Tập đoàn Nam Long với 500 tỉ đồng...
Việc dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía, trong đó có việc kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu… là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế. Trong nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc đều hạn chế.
Trước tình trạng trên, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đề nghị các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, đề nghị nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Các cơ quan chức năng nên theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cũng cần phải được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google